Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Tạp chí Cộng sản trong công cuộc đổi mới

Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), sau khi đánh giá những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, và thẳng thắn phân tích những sai lầm, khuyết điểm, trong đó có những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đã quyết định phải tiến hành đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm của công cuộc đổi mới là lĩnh vực kinh tế, bao gồm bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, sử dụng đầy đủ và đúng đắn các đòn bẩy kinh tế trong kế hoạch hóa và quản lý kinh tế,... Về mặt chính trị - xã hội, Đại hội nhấn mạnh việc phát huy mọi khả năng của con người, lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất, do đó phải dân chủ hóa đời sống xã hội, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng theo tinh thần “lấy dân làm gốc”.

Nhận thấy sự nghiệp đổi mới tạp chí là một công việc hết sức cấp bách nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, được sự lãnh đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, không ngừng suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới đúng hướng. Ngày 10-1-1987, Ban Biên tập đã có dự án về đổi mới các mặt của Tạp chí. Cuối năm 1987, đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư đã làm việc với Ban Biên tập Tạp chí.
Ngày 29-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về công tác của Tạp chí Cộng sản. Chỉ thị viết: “Tạp chí Cộng sản phải góp phần làm sáng rõ những luận điểm, kết luận của Đại hội VI trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và xây dựng Đảng; giải thích sâu sắc những bài học quý báu của cách mạng nước ta mà Đại hội VI đã tổng kết; lý giải những vấn đề mới do thực tiễn cách mạng nước ta đề ra. Tạp chí phải tích cực góp phần chuẩn bị Đại hội VII của Đảng về mặt lý luận.
“Tạp chí Cộng sản cần phân tích một cách khoa học những quan điểm của Lê-nin về chủ nghĩa xã hội, vận dụng những nguyên lý cơ bản, nhất là phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà phân tích tình hình thực tế nước ta một cách sâu sắc, từ đó làm sáng tỏ tính đặc thù của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nội dung biên tập của Tạp chí cần tập trung vào các vấn đề: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cán bộ, phong cách và đổi mới cơ chế quản lý trong kinh tế, dân chủ hóa, xây dựng Đảng, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, đồng thời phê phán những quan điểm ấu trĩ, sai lệch về chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản phải tiên phong đấu tranh cho sự đổi mới tư duy theo tinh thần của Đại hội VI, kiên quyết chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, mọi biểu hiện của khuôn sáo, đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa duy ý chí, chống mọi biểu hiện của nóng vội, chủ quan.
“...Tạp chí Cộng sản phải đổi mới cả nội dung và hình thức. Tạp chí phải kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, hết sức coi trọng yêu cầu của đông đảo bạn đọc. Tạp chí cần có hình thức và biện pháp khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của các nhà khoa học, của những cán bộ quản lý có kinh nghiệm, mở ra những mục tranh luận dân chủ trên những vấn đề lớn mang tính lý luận và thực tiễn cao. Nói chung các bài cần ngắn gọn, súc tích, có hàm lượng thông tin lớn, có chất lượng lý luận. Tạp chí cần dành một tỷ lệ trang nhất định để đăng những ý kiến của bạn đọc góp phần xây dựng Đảng và hoàn chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Tạp chí có những mục giới thiệu kinh nghiệm của các nước anh em, đọc sách báo nước ngoài, thông tin kịp thời và có chọn lọc những vấn đề mới về lý luận cũng như về thực tiễn trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế. Tạp chí cần tiến tới mở mục điểm sách, báo trong nước có tác dụng thông tin và hướng dẫn bạn đọc theo đường lối của Đảng...
“...Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản cần cải tiến công tác bạn đọc và phát hành, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc của mình, làm cho Tạp chí gắn bó hơn nữa với cuộc sống, thường xuyên tiếp cận với bạn đọc, đặc biệt quan hệ mật thiết với các cấp ủy đảng địa phương”.
Theo tinh thần của Đại hội VI và thi hành Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, qua nhiều cuộc họp đã nghiêm túc xem xét lại những ưu điểm và khuyết điểm của Tạp chí, rút ra những bài học, mạnh dạn đổi mới. Tháng 8-1988, Tạp chí đăng bài “Tạp chí Cộng sản trong quá trình đổi mới” của đồng chí Hà Xuân Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trình bày những dự định của Bộ Biên tập nhằm thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư và mong muốn có sự cộng tác giúp đỡ của các cộng tác viên, các địa phương và đông đảo bạn đọc.
Để đổi mới thật sự và đúng hướng, một mặt, Tạp chí kiên quyết giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của mình như bám chắc đường lối và các chính sách của Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ các quan điểm của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, nâng cao vai trò lý luận của Tạp chí, bám sát thực tế của đất nước và thế giới; mặt khác, Tạp chí cố vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ cả về nội dung và hình thức, tạo nên một không khí cởi mở, tự do tư tưởng, dân chủ thảo luận trên tạp chí, dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn phân tích, góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ đường lối và các quan điểm của Đảng.
Ngày 26-10-1989, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 481/CV-VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư cho phép Tạp chí Cộng sản là một đơn vị nghiên cứu khoa học, và giao cho Tạp chí xem xét, kiến nghị có thể nghiên cứu được những đề tài gì, ở cấp độ nào thì trao đổi và đăng ký với Ban Khoa giáo Trung ương theo đúng quy chế hiện hành.
Thực hiện công văn nói trên, ngày 21-12-1989, Tạp chí đã thành lập Hội đồng khoa học của cơ quan để giúp Ban Biên tập trong việc tổ chức, nghiên cứu và giám định những đề tài nghiên cứu, đồng thời góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong Bộ Biên tập nhằm nâng cao chất lượng lý luận của Tạp chí.
Trong hoạt động thực tế nhằm đổi mới tạp chí, từ đầu năm 1987, Tạp chí đã từng bước thực hiện những điều sau đây: Tăng thêm số lượng bài ở mục “Nghiên cứu - Trao đổi”; mở thêm một số mục: “Thư gửi Bộ Biên tập”; “Đổi mới - ý kiến và kinh nghiệm”; “Qua sách báo các nước anh em” (sau được đổi là “Qua sách báo nước ngoài”). Từ năm 1989 mở mục”Chủ nghĩa xã hội: nhìn lại và đổi mới”.
Bài viết của Tạp chí ngắn gọn hơn. Số xã luận cũng ít hơn, khi nào thật cần thiết Tạp chí mới ra xã luận. Ngoài những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng có nội dung chỉ đạo đường lối, chỉ đạo quan điểm, tư tưởng, Tạp chí phấn đấu để có nhiều bài của các nhà khoa học. (Cũng từ cuối năm 1987, Tạp chí bắt đầu công bố chức danh, học hàm, học vị của các tác giả bài viết). Để mở rộng thông tin, ngoài việc giới thiệu những ý kiến khác nhau trong tranh luận về các vấn đề khoa học, Tạp chí còn dịch đăng hoặc tổng thuật một số bài của các tác giả nước ngoài trong mục “Qua sách báo nước ngoài”.
Để tăng tính hấp dẫn của Tạp chí, ngoài việc tăng cường các mục, làm cho bài viết ngắn hơn, sinh động hơn, Tạp chí còn cố gắng tìm ra những hình thức hấp dẫn đề cập những vấn đề nóng hổi của thời cuộc. Các cuộc trao đổi, hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhiều hơn. Ngoài mục “Sinh hoạt tư tưởng”, Tạp chí đã đăng một số tranh châm biếm phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét