Vị thế một quốc gia không quá phụ thuộc ở diện tích và dân số. Trên bản đồ quốc tế, có những quốc gia chỉ nhỏ bé như thủ đô một nước nhưng lại có vị thế đáng nể, ngược lại, có những quốc gia đất đai thênh thang nhưng thế giới lại ít biết và quan tâm đến họ.
Xác lập vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới trước hết phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế, tiếp đó là các yếu tố chính trị, văn hóa, ngoại giao...
1. Hiển nhiên, vật chất quyết định ý thức, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, ở bất kỳ cuộc chơi nào, tiềm lực kinh tế giữ vai trò thống soái. Có tiềm lực kinh tế sẽ có sức mạnh khoa học, quân sự và họ cũng dễ dàng thể hiện được tác phong, tư cách ngoại giao từ vị thế kinh tế khiến người khác phải nể phục.
Những cường quốc kinh tế, khoa học, quân sự, có sức ảnh hưởng và chi phối lớn đến nền kinh tế thế giới, họ nghiễm nhiên xác lập vị trí “đàn anh” của bàn cờ quốc tế mà không phải tính toán những nước đi khôn khéo ra sao, thậm chí, họ buộc các quốc gia phải tuân thủ luật chơi và đưa ra những biện pháp đối ngoại kiểu “kẻ bề trên”!
Việt Nam, 73 năm sau ngày giành độc lập, vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao. Vì điều kiện chiến tranh, chúng ta chỉ có thể tập trung kiến thiết đất nước từ sau ngày giải phóng miền Nam, đặc biệt từ giai đoạn đổi mới 1986 tới nay.
Thành tựu đạt được trong chặng đường đó như Đảng ta đánh giá: “là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để”.
Điểm nổi bật trong chặng đường đổi mới là: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường... Tuy nhiên, để xác lập vị thế nổi bật hơn trên trường quốc tế, công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước còn cả chặng đường dài phía trước.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2017 cao hơn nhiều so với các mức tăng của các năm từ 2011-2016. Trong đó, 3 năm 2012-2014, GDP đều dưới 6% và 3 năm còn lại, 2011, 2015, 2016 đều dưới 6,7%.
Tuy vậy, con số tăng trưởng dù đạt 6,81% trong năm 2017 nhưng nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.
Một trong các lý do khiến tăng trưởng của Việt Nam thấp chính là bởi năng suất lao động còn khiêm tốn. Thực tế, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực đã được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn cách khá xa.
Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore giảm từ 15,7 lần năm 2010 xuống còn 14,3 lần năm 2016; với Malaysia từ 6,6 lần xuống còn 5,7 lần, với Thái Lan từ 2,9 lần xuống còn 2,7. Nếu tình trạng này không cải thiện mạnh, Việt Nam khó có thể đuổi kịp và thu hẹp khoảng cách với các nước khác.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận rằng, ngày nay, với sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đưa đến 2 hệ quả: quy mô không bằng tốc độ và tư duy mạnh hơn kinh nghiệm.
Một nước đi sau như nước ta có thể đuổi kịp, hơn thế, có thể vượt lên một nước đã có trình độ phát triển cao hơn nếu có tư duy và chiến lược phát triển đúng đắn.
Chính vì vậy, chúng ta phải thực hiện quyết liệt, thiết lập cơ chế giám sát, bảo đảm việc thực thi, đo lường được kết quả cụ thể 3 đột phá chiến lược này.
Trong 3 đột phá đó, đột phá về thể chế có vai trò và tác động lan tỏa lớn. Thể chế tốt sẽ khơi dậy, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kể cả nguồn lực con người. Và do đó, nó vừa tạo ra “sức mạnh cứng”, vừa gia tăng “sức mạnh mềm”. Đột phá này cũng góp phần phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chất lượng nguồn nhân lực (bao gồm kiến thức, kỹ năng làm việc, phẩm chất, văn hóa sống,...) là sức cạnh tranh dài hạn của một quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Tiềm năng gia tăng sức mạnh cứng ở nước ta còn rất lớn. Hãy nhìn sang Hàn Quốc. Từ một nước kém phát triển năm 1975 khi GDP/đầu người chỉ là 608 USD (thấp hơn mức 750 USD là chuẩn thu nhập tính theo đầu người để xác định nước kém phát triển theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc), điều kiện tự nhiên lại khó khăn hơn Việt Nam nhưng chỉ trong chưa đầy ¼ thế kỷ, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển.
Trong vòng 15 năm, từ 1968-1982, nước này đạt tốc độ tăng GDP bình quân 9,66%/năm. Trong khi đó, cũng trong 15 năm (từ năm 2000 đến 2014), tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam là 6,38% và năm 2017, quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD...
Với mức này, từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp, Việt Nam bước vào ngưỡng cửa của những nước có thu nhập trung bình thấp. Mặc dầu vậy, nguy cơ rơi vào bẫy “tự do hóa” và bẫy thu nhập trung bình đối với nước ta là rất hiện hữu, nếu chúng ta không có khát vọng và ý chí để thực hiện khát vọng.
Daron Acemoglu, GS Trường MIT và James A. Robinson, GS trường Harvard (Mỹ) là đồng tác giả cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại. Trong cuốn sách này, hai ông chỉ rõ: Một quốc gia nghèo không phải là do thiếu tài nguyên, cũng không phải do thiếu vốn mà chủ yếu là do thể chế không tốt, không khơi dậy được các nguồn lực và khả năng sáng tạo của con người.
Do đó, việc cải tiến thể chế kinh tế để đẩy mạnh phát triển là ưu tiên của chúng ta. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính;
(2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ;
(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Đại hội XII tiếp tục khẳng định 3 đột phá chiến lược nói trên.
Thực tiễn cho thấy, để thực sự “vươn vai”, phải có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cần coi đột phá về thể chế và cải cách hành chính là trọng tâm nhất hiện nay, có tác dụng lan tỏa đối với các đột phá chiến lược khác.
Dựng nước và giữ nước là hai nhiệm vụ chiến lược không thể tách rời. |
2. Vấn đề cốt yếu trong mọi giai đoạn cách mạng, đó là dựng nước phải đi đôi giữ nước. Chúng ta muốn vươn vai, muốn củng cố vị thế trên trường quốc tế bằng chính sức mạnh nội sinh là chủ yếu, tất yếu không tách rời giữa phát triển kinh tế và bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ thể chế chính trị XHCN.
Khát vọng, mong ước rất lớn, chúng ta đang từng bước tháo gỡ để ngày một tốt lên nhưng nếu “nhìn bạn nhìn bè” giàu có, hùng mạnh mà mình đánh mất tự tin, gây phiền nhiễu để rồi lung lay ý chí, ấy là nguy hiểm.
Chưa kể, không ít người không lo làm tròn bổn phận, chức trách của mình mà suốt ngày cào phím, thóa mạ chế độ, nguyền rủa cha ông, tôn sùng những thành công của tư bản, tạo dựng những tư tưởng gây chia rẽ lòng tin của nhân dân với Đảng, với đất nước, với chế độ.
Đất nước phát triển, đất nước đi lên, đất nước vững bền bằng tổng hợp sức mạnh từ những con người bình dị mà đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước; ngược lại khi anh không có đóng góp gì, chỉ tìm cách chỉ trích, nguyền rủa là hành động gây rối ren, đình trệ, thậm chí tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại đất nước.
Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do.
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám và Lời thề Độc lập khắc sâu trong tim mỗi người Việt Nam, thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước, nâng cao vị thế đất nước, cải thiện đời sống nhân dân cả vật chất lẫn tinh thần.
Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Bởi vậy, để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao vị thế đất nước thì nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; có đường lối đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn đất nước;
ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII đã chỉ rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét