Trong đó, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương phải phát huy cao nhất năng lực lãnh đạo, chỉ đạo củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, không để bị động, bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những nỗ lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội (KT-XH) và nhiều lĩnh vực, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi luôn quan tâm, chủ động, tích cực xây dựng tiềm lực về quốc phòng, an ninh (QPAN) và thế trận khu vực phòng thủ (KVPT) với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới"; Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị định số 152/NĐ-CP và Nghị định số 02/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng KVPT; thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng; chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân khu 5 “Về việc tổ chức diễn tập KVPT tỉnh Quảng Ngãi năm 2018”, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo tổ chức diễn tập với tinh thần trách nhiệm cao nhất; với sự tập trung trí tuệ, trách nhiệm của cấp ủy các cấp và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị địa phương.
Sau thời gian tích cực triển khai, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ tư lệnh Quân khu 5, công tác chuẩn bị được hoàn thiện, sẵn sàng cả về lực lượng, phương tiện, vũ khí, công trình, địa bàn và văn kiện. Trên cơ sở đó, trong 3 ngày (từ 8 đến 10-8-2018) diễn tập KVPT với đề mục “Chuyển LLVT vào các trạng thái SSCĐ, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ” và thực binh xử lý tình huống: Đánh chiếm mục tiêu, giải thoát con tin; đánh địch đổ bộ đường biển, đường không, giữ vững thế trận phòng thủ tỉnh Quảng Ngãi đã thành công tốt đẹp.
1. Diễn tập KVPT tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 là một bước quan trọng trong vận hành cơ chế theo Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội; vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an, biên phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác QPAN, việc xử lý các tình huống khẩn cấp và tác chiến KVPT.
Cuộc diễn tập là điều kiện để cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, LLVT và nhân dân trong tỉnh tiếp tục có thêm cơ hội để quán triệt sâu sắc hơn quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng KVPT. Từ đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; trình độ tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ; khả năng phối hợp, hiệp đồng, bảo đảm của các cấp, các ngành, các lực lượng trong xử lý tình huống; tiếp tục xây dựng các tiềm lực trong KVPT tỉnh Quảng Ngãi ngày càng vững chắc.
Bài học trước những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị ở một số địa phương gần đây cho thấy: Do năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương còn mức độ; nhất là trình độ kiến thức, kinh nghiệm chỉ đạo, chỉ huy và tham gia công tác quân sự, quốc phòng (QSQP) của cán bộ, công chức còn khuyết, yếu, thiếu; khả năng phối hợp, hiệp đồng, bảo đảm của các cấp, các ngành, các lực lượng trong xử lý tình huống còn nhiều vướng mắc và thiếu đồng bộ, chặt chẽ... nên việc xử trí tình huống thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Thậm chí, ở các cấp còn có biểu hiện trông chờ, ỷ lại; người chủ trì sợ chịu trách nhiệm, đùn đẩy lẫn nhau... dẫn đến hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ chưa cao, không giải quyết triệt để các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị. Trước thực tế đó, lần này, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi chủ trương lãnh đạo quyết liệt, bắt buộc cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong mọi tình huống; vào vai thực hành trên từng vị trí diễn tập sát với thực tế chiến đấu. Quá trình điều hành diễn tập, các cấp coi trọng việc rèn giũa năng lực thực hành lãnh đạo, chỉ huy (cả độc lập và hiệp đồng-cá nhân và tập thể) ở những vị trí chủ chốt, quan trọng, giúp cán bộ được trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm xử trí đối với những tình huống phức tạp nhất. Đó cũng là cách địa phương chiêm nghiệm, nhận định, đánh giá và xác định phương hướng, phương án tốt nhất cho việc vận hành hiệu quả phương châm "4 tại chỗ"; nhất là việc phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc đưa ra các quyết định và dám chịu trách nhiệm.
2. Cuộc diễn tập là dịp xốc lại và nâng cao nhận thức toàn đội ngũ về vai trò, vị trí của công tác QSQP, giữ vững an ninh chính trị địa bàn. Trước đây, đâu đó trong bộ máy vẫn còn những cán bộ chưa thấy hết vai trò đặc biệt quan trọng của công tác QSQP; còn chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch; tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN với thái độ chưa thật nghiêm túc, còn biểu hiện đối phó, hình thức, quyết tâm chưa cao. Thậm chí, khi tham gia các đợt diễn tập, một số cán bộ chỉ thụ động theo phân công của tổ chức hoặc "diễn" theo định hướng của chỉ huy diễn tập và cơ quan chức năng mà thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa xác định rõ đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng-một phần việc bắt buộc thuộc chức trách của người cán bộ, đảng viên trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước.
Do đó, trước, trong và sau dịp diễn tập lần này, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi chủ trương lãnh đạo bằng nhiều giải pháp, biện pháp, tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị toàn diện, rộng khắp trong cả hệ thống, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và quần chúng nhân dân. Công việc này đã làm quyết liệt và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới để làm sao mỗi đối tượng luôn đề cao cảnh giác cách mạng và thực sự phấn đấu để bản thân trở thành một cán bộ quân sự, người chiến sĩ thực thụ, giỏi thực hành tác chiến khi có tình huống xảy ra. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận rõ trách nhiệm trong việc chủ động nắm bắt tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng thù địch chống phá để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi. Cùng với đó, từng cá nhân có kế hoạch cầu tiến, không ngừng tự học, tự rèn, tự nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, thực hành tròn vai trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực và tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên từng cương vị công tác theo phân công của tổ chức.
3. Với yêu cầu đặt ra rất cao, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi còn xác định: Cuộc diễn tập là dịp để tỉnh kiểm tra, sát hạch tương đối toàn diện về trình độ, khả năng SSCĐ của LLVT tỉnh, sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho địa phương phát triển KT-XH.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị... trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định nhất quán: Đây là mục tiêu trọng yếu của công tác QSQP địa phương hiện nay. Theo đó, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của địa phương là sức mạnh tổng hợp toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Lực lượng bảo vệ Tổ quốc là toàn dân, trong đó LLVT giữ vai trò nòng cốt. Trên tinh thần đó, đợt diễn tập lần này được vận hành với yêu cầu rất cao trong việc "phân vai" cho các lực lượng, cơ quan, đơn vị, bộ phận cho thật đúng và sát với chức năng, nhiệm vụ. Sau diễn tập, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng thắn nhận diện những điểm còn vướng, còn khó trong phối hợp giữa các bộ phận; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chế, quy trình về việc phối hợp giữa các lực lượng và giữa các cấp trong xử lý các tình huống cụ thể. Đây sẽ là cơ sở cho việc phát huy tốt nhất sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, bộ phận trong gìn giữ an ninh chính trị nói riêng, bảo vệ Tổ quốc nói chung trong thời gian tới. Sở dĩ, phần việc này được coi trọng vì trên thực tế, thời gian qua, ở một số nơi, việc phối hợp giữa các lực lượng, cơ quan chức năng trong xử lý tình huống nảy sinh thường chưa thật chặt chẽ; thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm; chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và của lực lượng, đơn vị liên quan khi có tình huống cấp bách, nguy hại.
4. Sau khi rút kinh nghiệm, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: Cuộc diễn tập đã diễn ra đúng ý định và đạt mục đích, yêu cầu đề ra, các lực lượng tham gia diễn tập vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc, lý luận vào tình hình và điều kiện thực tế của địa phương; thể hiện rõ nét vai trò và cơ chế lãnh đạo của cấp ủy, khả năng chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự, công an, biên phòng và các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh trong chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến trong KVPT. Những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong diễn tập sẽ tiếp tục được hệ thống hóa, cụ thể hóa và phổ biến rộng rãi theo nhiều kênh đến với các cấp. Đây cũng là cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đội ngũ cán bộ các cấp của địa phương.
Đối với nội dung diễn tập thực binh, quá trình diễn tập được thực hiện đúng ý định, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị kỹ thuật, các cơ sở vật chất và tài liệu diễn tập. Kết thúc cuộc diễn tập, từng cấp, từng ngành, từng chức danh trong khung tập phải rút ra được những kinh nghiệm có giá trị để vận dụng khi có tình huống xảy ra; đồng thời tiếp tục bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện.
LÊ VIẾT CHỮ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi