Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo xây dựng ngành hậu cần quân đội nói chung, sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ, nhân viên ngành hậu cần quân đội nói riêng. Một trong những dấu ấn quan trọng là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần), vào sáng 7-9-1958.
62 năm đã trôi qua, nhưng cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần vẫn luôn ghi nhớ, thấm sâu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo cán bộ, nhân viên ngành hậu cần quân đội. Tư tưởng đó được thể hiện trên ba vấn đề chủ yếu sau:
Trước hết, cán bộ hậu cần phải xác định trách nhiệm, động cơ phấn đấu đúng đắn. Ngay từ năm 1951, trong thư gửi Lớp Cán bộ Cung cấp đầu tiên, Bác đã viết: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”(1). Đồng thời, Bác giải thích: “…Cách mạng cũng như bộ máy, phải có phân công người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết và quan trọng. Cũng giống như trong một cái đồng hồ những cái kim thì chạy suốt ngày đêm, những chữ số thì suốt đời đứng một chỗ. Nếu những chữ số muốn chạy như cái kim, hay cái kim cũng muốn đứng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”(2). Đến thăm Trường Sĩ quan Hậu cần năm 1958, Bác căn dặn: “Trường các chú là Trường Hậu cần. Trước đây các chú cho hậu cần là không có tiền đồ, khó được huân chương, chỉ chiến đấu mới có huân chương, như thế là không đúng… các chú không được quan niệm cấp dưỡng, lái xe… là không có tiền đồ”(3).
Thứ hai, Trường Hậu cần phải luôn bám sát mục tiêu dạy “cách quản lý, sản xuất, cấp phát quần áo, gạo tiền, thực phẩm đến tay bộ đội”. Người nhấn mạnh: “Phải làm như thế nào để một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”(4). Theo Bác, để thực hiện được trọng trách đó, “Trường Hậu cần thì phải học cách quản lý, sản xuất, cấp phát quần áo, gạo tiền, thực phẩm đến tay bộ đội”(5). Bác cho rằng, ngành quân nhu có vai trò rất quan trọng quyết định đến sức chiến đấu của bộ đội. Bác khẳng định: “Môn này cần lắm đấy. Mấy năm kháng chiến, bộ đội ta đủ sức chiến đấu dẻo dai là nhờ dân ủng hộ, đặc biệt là nhờ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm tốt việc này đây. Quân đội lên chính quy, hiện đại cũng phải có cái ăn, cái mặc. Có biết làm cấp dưỡng thì quân mới khỏi đói, luôn luôn được ăn cơm dẻo, canh ngọt”(6).
Thứ ba, Trường Hậu cần phải tích cực tăng gia, thực hành tiết kiệm, thực hiện nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chống làm ẩu. Đến thăm trường, Bác căn dặn: “…các chú còn phải nuôi nhiều hơn nữa, không được tự mãn là nhiều lắm...” và “…phải lao động, phải tiết kiệm, các chú còn phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chứ không làm nhanh hóa chậm, làm nhiều hóa ít, rẻ thành đắt, tốt thành xấu”... “vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo cán bộ hậu cần”. Bác biểu dương việc xây dựng cơ sở vật chất, ăn ở ngăn nắp, nhưng Bác cũng phê bình: “…việc tăng gia chưa tốt. Còn nhiều đất bỏ hoang, không có đàn gia súc. Như vậy là lãng phí, chưa thật đúng bản chất của ngành hậu cần”(7).
Những lời dạy của Bác đối với cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Hậu cần năm xưa là di sản tinh thần vô giá đối với ngành hậu cần quân đội nói chung, Học viện Hậu cần nói riêng. Lời dạy của Người được các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện qua các thời kỳ quán triệt, cụ thể hóa thành quan điểm, chủ trương, phương châm, mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. Thực hiện lời dạy của Bác, 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, xây dựng Học viện trưởng thành về mọi mặt. Học viện Hậu cần đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để tiếp tục quán triệt, vận dụng thực hiện có hiệu quả lời Bác dạy đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ của Học viện Hậu cần, thời gian tới, Học viện Hậu cần đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị, xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức, kỷ luật đối với học viên. Trong thời kỳ mới, bên cạnh những thuận lợi, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đang đứng trước thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ cấp bách, Học viện tăng cường, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức, kỷ luật cho học viên.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật. Trong đó, thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, kịp thời định hướng tư tưởng cho các đối tượng, trọng tâm là đối tượng học viên đào tạo cử nhân hậu cần cấp phân đội. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên, giúp cán bộ, học viên xác định động cơ nghề nghiệp đúng đắn, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người cán bộ hậu cần có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho học viên, đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giờ nghỉ, ngày nghỉ, các ngày lễ, Tết; tham quan, giáo dục truyền thống, tuyên thệ, báo công.
Chủ động tiến hành công tác tư tưởng đối với học viên, kịp thời định hướng, phát hiện và xử lý hiệu quả những vấn đề tư tưởng nảy sinh, khắc phục, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn không để các tệ nạn xâm nhập vào Học viện. Chủ động phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện nghiêm chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với học viên.
Những năm tới, yêu cầu xây dựng quân đội và ngành hậu cần quân đội đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, mục tiêu yêu cầu đào tạo sát thực tế; nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học. Do vậy, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình sát từng đối tượng đào tạo, theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành. Thực hiện phương châm “Đơn vị và thực tiễn ngành hậu cần quân đội đặt hàng, Học viện đáp ứng “sản phẩm” chất lượng”.
Chú trọng đổi mới nội dung các môn học, nhằm trang bị kiến thức cơ bản, hệ thống, đồng thời kịp thời cập nhật những nội dung mới cho người học. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào đổi mới phương pháp dạy học. Thực hiện một bài giảng áp dụng nhiều phương pháp dạy học, kết hợp tốt các phương pháp cả truyền thống và hiện đại tạo hứng thú, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Chú trọng huấn luyện nâng cao kỹ năng thực hành, tập bài dã ngoại, diễn tập, thực tập cuối khóa cho học viên.
Triển khai nghiên cứu đề tài khoa học có tính ứng dụng cao liên quan trực tiếp đến các vấn đề: Ăn, mặc, ở, cơ động, môi trường, bảo đảm hậu cần đối với các lực lượng, nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngành hậu cần quân đội giai đoạn mới. Coi trọng việc chuyển giao, ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học. Việc đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cần lấy hiệu quả ứng dụng thực tiễn làm cơ sở, chống hình thức, chạy theo số lượng đơn thuần.
Cùng với đó, Học viện tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 401 của Đảng ủy Học viện Hậu cần về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Trong đó, thực hiện tăng gia sản xuất phân tán, lấy tiểu đoàn quản lý học viên cử nhân phân đội để đầu tư, xây dựng mô hình điểm về tăng gia sản xuất cấp tiểu đoàn. Mở rộng diện tích đất canh tác, ao thả cá, chuồng trại chăn nuôi, vườn, giàn, tạo mô hình: Vườn, ao, chuồng khép kín. Triệt để tận dụng nguồn nhân lực ngày nghỉ, giờ nghỉ, sản phẩm thừa để chăn nuôi, trồng rau xanh quanh bếp, quanh nhà; thực hành tiết kiệm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Xây dựng đề án, tổ chức lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất, gắn nhiệm vụ tăng gia tập trung với nhiệm vụ huấn luyện. Xây dựng vườn rau chuyên canh, trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, tạo mô hình mẫu phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, tham quan, học tập; tạo sản phẩm tăng gia, chăn nuôi góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội.
Ghi sâu lời Bác Hồ dạy, thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần hôm nay nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và ngành hậu cần quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.295.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, tr.296.
(3) Hồ Chí Minh, Những bài viết và nói về quân sự, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1987, tr.352.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, tr. 514.
(5), (6), (7) Nguyễn Việt Phương, Suy ngẫm lời Bác hỏi - Một thời để nhớ, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2004, tr.21-23.
Đại tá, TS LÊ THÀNH LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét