Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội nói chung, đội ngũ chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) nói riêng. Những lời căn dặn, huấn thị của Người về tư cách, vị trí, vai trò… của người CTV luôn là “cẩm nang” nghề nghiệp đối với đội ngũ CU, CTV và cán bộ chính trị, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài viết xung quanh nội dung này, từ góc độ lý luận và những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn sinh động.
Trong lãnh đạo, xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định phương châm “người trước súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”, luôn xác định xây dựng người quân nhân cách mạng là nền tảng, cốt lõi của sự nghiệp xây dựng quân đội; công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) là “linh hồn, mạch sống” của quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm xây dựng các tổ chức và con người trong quân đội vững mạnh. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, do vậy, quân đội trước hết phải là một tổ chức chính trị được vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định bản chất, sức mạnh và mọi hoạt động của quân đội.
Theo định hướng trên, ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam), bên cạnh người Đội trưởng là đồng chí Hoàng Sâm, có CTV là đồng chí Dương Mạc Thạch. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 71, xác định tổ chức hệ thống CTV trong quân đội, theo đó “từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự, có CTV; cấp chiến khu có CTV. CTV ở mỗi đơn vị có trách nhiệm giúp người chỉ huy đơn vị ấy mọi việc, giải thích cho bộ đội và nhân dân thi hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nâng cao tinh thần cho bộ đội…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên lúc bình cũng như lúc chiến. Cán bộ coi đội viên như chân tay, đội viên coi cán bộ như đầu óc. Đội viên chưa có cơm ăn, chưa có áo mặc, chưa có chỗ ngủ… thì cán bộ không được ăn no, không được mặc ấm, không được ngủ yên…".
Với tư cách là người đại diện Đảng, chủ trì về chính trị ở các đơn vị, đội ngũ CU, CTV có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực CTĐ, CTCT, nhằm xây dựng, phát huy sức mạnh nhân tố con người, nhân tố chính trị tinh thần trong quân đội. Từ 6 đến 11-3-1948, Trung ương Quân ủy tổ chức Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai tại Chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến hội nghị (toàn văn bức thư đăng trên số báo hôm nay). Theo đó, một lần nữa, Người khẳng định sự cần thiết phải có đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội và đặc biệt nhấn mạnh tư cách của người đảm nhiệm công việc hệ trọng được giao: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”.
Người CTV trong quân đội ta có vị trí, vai trò rất quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là một công việc hệ trọng, quyết định sức mạnh của quân đội. Cùng với tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, đội ngũ cán bộ chính trị nói chung, CTV nói riêng là nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng được giữ vững, có hiệu lực. Đó là đòi hỏi khách quan, do vậy tư cách của người cán bộ chính trị, tư cách của CTV rất hệ trọng. Trong suốt 70 năm qua, việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ CU, CTV luôn được xác định là vấn đề chiến lược trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Thư gửi Hội nghị chính trị viên
Các đồng chí,
Nhân dịp Hội nghị, tôi gửi lời thân ái chúc các đại biểu mạnh khỏe. Sau đây là vài ý kiến của tôi đối với công tác của chính trị viên, để giúp anh em thảo luận:
Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt.
Vô luận ở cấp bậc nào, chính trị viên có ba nhiệm vụ chính:
Đối với bộ đội,
Đối với nhân dân,
Đối với quân địch.
1. Đối với bộ đội, chính trị viên phải sǎn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: Ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải sǎn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển vǎn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội.
Chính trị viên cần phải biết rõ và báo cáo cho cấp trên rõ số lượng và chất lượng của bộ đội mình.
Khen thưởng người tốt, trừng phạt người xấu, cũng là trách nhiệm của chính trị viên. Trong thời kỳ vừa qua, ít thấy chính trị viên nào đề nghị khen thưởng những binh sĩ có chiến công oanh liệt. Đó là một khuyết điểm lớn.
Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn.
2. Đối với nhân dân, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hǎng đánh giặc.
3. Đối với quân địch, gồm cả binh lính Pháp cùng những người ngoại quốc và người Việt Nam trong quân đội Pháp, chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta.
Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới. Trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng. Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc. Đó là những điểm chính.
Nay chúng ta đang tiến hành cuộc vận động Luyện quân lập công, chính trị là một động lực to trong cuộc vận động đó. Tôi mong rằng Hội nghị sẽ có chương trình và kế hoạch thiết thực rõ ràng, để làm cho cuộc vận động ấy đại thành công.
Sau nữa, tôi gửi lời khuyên gắng và hỏi thǎm các bộ đội, và tôi chờ các bộ đội báo cáo những chiến công vẻ vang sau này.
Chào thân ái và quyết thắng!
Tháng 3 nǎm 1948
HỒ CHÍ MINH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét