Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

CHÂN TƯỚNG NGUYÊN NGỌC, NHÀ VĂN THOÁI HÓA BIẾN CHẤT

 Toà án mới xử xong vụ Đồng Tâm, không chỉ những người có lương tri mà ngay cả những bị cáo cũng công nhận phiên toà này xử công minh. Thế nhưng vẫn có những ý kiến phản đối phiên toà này. Còn Nguyên Ngọc, từ khi xảy ra hậu hoạ ở Đồng Tâm, trên RFA, 10-02-2020, đã đưa tin Nguyên Ngọc viết thư tố cáo có đoạn sau:

“Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới. Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu”.

Ông ta giải thích:

“Trên đất nước này rõ ràng đã có một vụ án giết ông Lê Đình Kình… Giữa tình hình truyền thông nhà nước đang đơm đặt và bẻ cong ý nghĩa về sự sát hại cụ Lê Đình Kình, tôi mong là lời tố cáo của tôi một lần nữa sẽ khuấy động được dư luận nhìn lại sự kiện này. Tôi cũng hy vọng giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, với lương tâm của mình, cũng sẽ cùng hợp sức kêu gọi nhà nước phải mở một cuộc điều tra rõ ràng, độc lập và minh bạch trước tội ác này”. (Hết trích)



Xin tóm lược về vụ Đồng Tâm, “cụ Kình” là người sai đầu tiên khi làm chủ tịch xã đã ký giấy bán đất của sân bay cho người dân. Sau đó “cụ” lại sai tiếp khi kích động người dân đòi đất không phải của mình, gây ra những hành động phạm pháp nghiêm trọng của một nhóm người, như bắt giam công an, quay và phát tán video quá trình chuẩn bị vũ khí và kêu gọi giết công an, rồi cuối cùng đỉnh điểm là “trận chiến” chống lại công an khi họ làm nhiệm vụ, gây ra hậu hoạ nghiêm trọng không chỉ cho chính “cụ Kình” và gia đình mà còn giết chết ba cán bộ chiến sĩ công an. Theo ý của một số bạn Việt kiều thì ở Mỹ không bao giờ có chuyện người dân thách thức và chống lại cảnh sát như vậy, sẽ bị “đòm” ngay lập tức!

Như vậy, sự thật hoàn toàn không phải như Nguyên Ngọc tố cáo, nghĩa là ông ta đã xuyên tạc sự thật.

Chúng ta có thể phản đối, thậm chí kiện những cá nhân và cơ quan kết án oan sai cho người dân, đó là chuyện buồn cho xã hội, chuyện đau cho nạn nhân. Nhưng không phải buồn, không phải đau, mà là thật nguy hiểm khi sống trong một đất nước mà người ta được tự do xuyên tạc. Nếu theo Nguyên Ngọc, người dân được tự do bắt giam công an, tự do kích động và giết công an thì không có một xã hội nào có thể tồn tại.

Tôi đã viết rất nhiều về Nguyên Ngọc như về một người khác, đó là Thu Uyên. Thu Uyên và Nguyên Ngọc là hai người hoàn toàn khác nhau nhưng tôi thấy đều có một điểm chung là để thực hiện mục đích của mình đều xuyên tạc sự thật.

Tôi là người đầu tiên chỉ ra những sai trái của Nguyên ngọc, buồn cười là một bạn đọc đến tận giờ tôi vẫn không biết làm ở đâu cứ tha thiết bảo tôi gỡ bài vì cho Nguyên Ngọc là một trí thức lớn, có chút bất mãn chứ chưa đến nỗi phản động. Tôi dứt khoát trả lời: “Không gỡ!”. Nhưng rồi bạn kia cứ năn nỉ, còn bảo: “Bác đang có uy tín đấy, nên theo em bác gỡ bài là hơn”. Cuối cùng tôi đã gỡ bài. Nhưng rồi Nguyên Ngọc càng ngày càng hiện nguyên hình, làm nhiều người “trắng mắt ra”, chính người bạn kia lại tha thiết “xin bác cho ý kiến” về Nguyên Ngọc.

Đến nay đã có nhiều người phê phán Nguyên Ngọc. Có thể họ viết rất đúng, rất hay, nhưng tiếc là hầu hết họ chả có danh gì, nên thành ra sự phản bác Nguyên Ngọc của họ không có trọng lượng. Hội Nhà Văn VN là nơi “có danh”, nơi hiểu Nguyên Ngọc nhất, có điều không chỉ hầu hết nhà văn vô cảm trước sai trái của Nguyên Ngọc mà còn có những người ủng hộ Nguyên Ngọc. Thậm chí Ban Lãnh đạo HNV VN vẫn còn đề nghị nhà nước trao giải HCM cho Nguyên Ngọc nhưng bị chính Nguyên Ngọc phản đối; chưa hết ban lãnh đạo HNVVN cũng đề nghị nhà nước trao Giải thưởng Nhà nước cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bôi đen cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sản phẩm “văn chương đổi mới lộn ngược” theo tư tưởng Nguyên Ngọc.

Đời quả là có nhiều chuyện nhố nhăng và buồn nên hôm nay tôi đăng lại bài này.

CHÂN TƯỚNG NGUYÊN NGỌC

Sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo, Nguyên Ngọc viết:
“… tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay… để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

PGS.TS. Chu Hảo là một trí thức lớn... Tôi vinh dự và tự hào là bạn thân của ông, đã cùng ông làm việc và tham gia các hoạt động xã hội trong nhiều năm nay.

Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp…”.
Vậy Nguyên Ngọc là ai?
***
Nguyên Ngọc từng giữ cương vị Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà Văn VN, với bản “Đề dẫn” cũng đã biết dẻo mồm hứa hẹn:
“Hôm nay, trong hội nghị này, chúng ta… với tư cách là những người cầm bút của Đảng, tức là những người vừa là những người chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn học, vừa là bộ phận tham mưu của Đảng trên mặt trận này, chúng ta nhận rõ hơn trách nhiệm của mình, cố gắng cùng nhau khắc phục những thiếu sót đó, đưa văn học ta tiến lên ngày càng ngang tầm nhiệm vụ của nó”.

Nhưng khi triển khai vào thực tế, giữa lời nói và việc làm của Nguyên Ngọc lại ngược nhau. Vì vậy Nguyên Ngọc đã bị “sa thải” rồi trở thành người bên lề, luôn quấy rối và chống phá.
***
Khởi thủy khi nắm quyền Nguyên Ngọc cho đăng và lăng xê những tác phẩm bôi đen lịch sử. Sau đó Nguyên Ngọc luôn duy trì tư tưởng đó. Trên VietNam.net, trong bài “Vì sao Phạm Xuân Ẩn không bị lộ?” Nguyên Ngọc đã cho, trong chiến tranh, chúng ta đã nhìn sai về sự xâm lược, cho sự căm thù giặc là “không bình thường”; rồi cho dạy lịch sử không nên “bồi đắp chủ nghĩa yêu nước” nữa vì bị chính trị hóa và cũng không nên ca ngợi các Bà mẹ VN Anh hùng quá vì sẽ làm đau lòng các bà mẹ lính VNCH.
***
Phạm Xuân Nguyên viết về sự truyền bá tư tưởng của Nguyên Ngọc:
“Ông đã từ văn hóa nghệ thuật đến văn hóa tư tưởng… khi đất nước mở cửa hội nhập đòi hỏi phải có những trang bị hiểu biết về nhân loại, của nhân loại… Ông có một cơ bản tiếng Pháp vững, và trên hết là một lòng say mê đọc và truyền bá tri thức nhân loại cho đồng bào mình”.

Về khoa học xã hội thì trên thế giới các nước lớn vẫn muốn áp đặt khuôn mẫu của mình cho các nước nhỏ. Với văn hóa nghệ thuật, quan niệm về cái hay, cái đẹp, cái tốt có những cái giống nhưng cũng có cái khác do thuần phong mỹ tục, môi trường sống và lịch sử mỗi nước mỗi khác nhau. Vì vậy người ta thường nói phải gạn đục khơi trong, chọn lựa những gì phù hợp, chọn những tinh hoa của thế giới là vì thế. Từ đó, cái quan trọng nhất là phải truyền đạt cho đúng. Mà cái công cụ chủ yếu là khả năng dịch thuật. Nhưng trước những vấn đề học thuật thì biết ngoại ngữ là chưa đủ; người ta còn cần một thứ quan trọng hơn, đó là nền tảng tri thức để hiểu, để dịch cho đúng.

Khi dịch cuốn “Le Degré zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques” của Barthes là Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc đã dịch sai l'écriture thành lối viết, trong khi Barthes quan niệm l'écriture biểu thị sự dấn thân của nhà văn. Vì thế nên dịch l'écriture là “chữ nghĩa” bởi bản thân l'écriture cũng có nghĩa là “chữ viết”, còn thêm chữ “nghĩa” là “nghĩa lý” vào thành “nghĩa lý của câu chữ”, sẽ nói lên được sự dấn thân của nhà văn, đúng như sự định nghĩa l'écriture của Barthes.
Nhà văn cần phải dấn thân thì đúng rồi, nhưng dấn thân theo hướng nào mới là quan trọng; Nguyên Ngọc dấn thân vào cái ác, vào cái băng hoại, phản đạo lý, phản lịch sử v.v… thì dấn thân làm gỉ?

Nguyên Ngọc cũng sai khi dịch câu của Kundera “la sagesse de l’ambigui” là sự hiền minh của tính nước đôi. Sagesse nghĩa Việt là trí tuệ, Nguyên Ngọc dịch là “sự hiền minh” thì không hợp. Sự hiền minh nói về khả năng nhận thức của các nhà hiền triết. L’ambigui theo từ điển là sự mơ hồ. Mà sự mơ hồ thì hoàn toàn không phải là nước đôi. Sự mơ hồ chỉ cái chưa rõ ràng, còn nước đôi chỉ sự lưỡng lự giữa hai cái. Câu trên Kundera muốn nói về phẩm chất quan trọng nhất của tiểu thuyết, nhà văn phải thấy được cái mà người thường không thấy, tức những gì còn mơ hồ. Vì vậy la sagesse de l’ambigui nên dịch là sự hiểu biết về những điều mơ hồ thì đúng hơn.
Nhan đề cuốn “L'Insoutenable légèreté de l'être” cũng của Kundera, Nguyên Ngọc đã dịch là “Nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh”.
“L'Insoutenable légèreté” dịch đúng là “sự nhẹ không thể chịu nổi”, ý này thể hiện sự e ngại của Kundera về sự biến mất cái tôi trong thế giới hiện đại mà con người ngày một sống chen chúc hơn. Nên Nguyên Ngọc dịch là “Nhẹ bồng” (bồng trong phiêu bồng) cũng sai, bởi nó chỉ sự phiêu du nhẹ nhàng, ngược với cái sự nhẹ không chịu nổi nói trên. Theo tôi để dịch thoát ý và Việt hóa nên dịch là “Nhẹ bẫng phận người”. Bởi nó chỉ số phận con người bị coi nhẹ như không có, rất sát với ý tứ của Kundera.
***
Kundera rất “mê” Hiện tượng học, Nguyên Ngọc lại rất mê (mụ) Kundera. Hiện tượng học không chỉ là “mốt” của nhóm “văn sĩ chuộng lạ” ở nước ta, mà ngay cả Kundera cũng từng lấy nó làm cơ sở triết lý cho văn chương của mình. Nếu Descartes cho sự tồn tại của con người là sự suy tư "Cogito, ergo sum" thì Hiện tượng học của Husserl còn đi xa hơn: “Cogito, ergo cogito cogitatum”. Nghĩa là suy tư về cái tôi khi nó suy tư về sự suy tư. Hiện tượng học có thể có ý nghĩa khi ta khuôn nó trong một phạm vi nghiên cứu riêng về phân tích tâm lý: trước cùng một sự vật hoặc sự việc, tùy theo từng người, sẽ “tự sinh” các cảm nhận khác nhau. Nó có thể rất có ích cho các nhà văn xây dựng chiều sâu tâm trạng, thế giới tinh thần phong phú của nhân vật. Nhưng coi nó là triết học cao hơn cả duy tâm, duy vật, coi ý thức của cái tôi là nguyên lý cao nhất của nhận thức thì không phải. Chủ nghĩa Hiện sinh ra đời sau Hiện tượng học đã chịu ảnh hưởng nhiều từ nó. Đó là một chủ nghĩa đề cao cái tôi, cái hiện sống, cho con người không phải chịu ràng buộc bởi tự nhiên cũng như xã hội. Khi cực đoan, một số người đã đua nhau sống theo bản năng, tự nhiên chủ nghĩa, có thời thanh niên ở một số nước phương Tây đã đua nhau để nguyên râu tóc, lũ lượt kéo nhau lên rừng sống bằng rau trái, tự nhiên khỏa thân, tự do chung chạ v.v… Sau nữa, Chủ nghĩa Thực dụng ra đời cũng dựa trên cái Tôi “Không có cái gì gọi là chân lý khách quan mà chỉ có chân lý của cái tôi. Chỉ có cái gì có lợi cho tôi sẽ là chân lý”!

Trong lĩnh vực tri thức cao sâu, người ta cũng ham của lạ, cũng chạy theo những khái niệm lấp lánh, kêu beng beng của nước ngoài, nhưng thực chất chẳng hiểu gì về chúng. Nguyên Ngọc chính là người trong số đó.

Vì mê mụ vọng ngoại như thể, Nguyên Ngọc luôn ủng hộ, ca ngợi những tác giả, tác phẩm đề cao cái tôi chủ quan, dù là cực đoan, lập dị, lộn ngược, thậm chí phản động. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên VietnamNet, Nguyên Ngọc viết:
“…Dân chủ không phải là cái đem cho, dân chủ đem cho thì không phải là dân chủ, dân chủ là giúp cho người ta vùng lên tự giải phóng. Hơn ở đâu hết, trong Giáo Dục điều ấy càng rõ và thiết yếu”.

Một người luôn phản bác sự “chính trị hóa” vậy mà ở đây khi bàn về giáo dục Nguyên Ngọc cũng lại tranh thủ tuyên truyền chính trị cho con đường “đấu tranh” của mình, với những ý khiên cưỡng có tính kích động. Bản thân ông thời gian gần đây luôn ủng hộ những hành động viết bậy, nói bậy, quấy rối làm càn và cho đó là dân chủ thì với những ý trên, chẳng khác gì ông ta đã đi gieo mầm phản loạn độc hại, nguy hiểm trong tâm trí trong sáng của các em học sinh. Thực tế ông đã bênh Nhã Thuyên, một giáo viên ở Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội nhưng lại làm luận văn thạc sĩ ca ngợi thơ của nhóm Mở miệng, một thứ thơ nổi loạn. Ông cũng có tên trong danh sách 144 vị trí thức mà tôi gọi là “trí thức bầy đàn” đã ký tên ủng hộ cô sinh viên Phương Uyên cùng Nguyên Kha rải truyền đơn chống phá Nhà nước và cờ VNCH; chế tạo chất nổ dự định sẽ cho nổ tượng đài Hồ Chí Minh ở Cần Thơ!

ĐÔNG LA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét