Sau khi toà sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt các bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, trên Internet xuất hiện cái gọi là “Kiến nghị phản đối bản án Đồng Tâm”, với những luận điệu kiểu như: “Hàng ngàn người ký tên kiến nghị phản đối bản án Đồng Tâm”; “dư luận phản đối mạnh mẽ trước bản án nặng nề”, “phản đối bản án bất công”, “phản ứng dư luận trước án tử hình trong vụ xử Đồng Tâm”…
Chứng kiến những luận điệu này, bản thân tôi đang tự đặt ra câu hỏi, thế nào là bản án bất công? Dư luận nào đang phản đối bản án này, họ là ai? Vì sao các đối tượng trong vụ án đều đã cúi đầu nhận tội, xin hưởng lượng khoan hồng và pháp luật đã rất nhân văn, nhân đạo khi chuyển tội danh cho 19 bị cáo để giảm nhẹ hình phạt, vậy bất công chỗ nào, bản án nặng nề chỗ nào?...
Được nói lời sau cùng tại toà, từ Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh cho đến Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển… đều đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cúi đầu xin pháp luật cho hưởng lượng khoan hồng và xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ Công an hy sinh. Vậy, xin hỏi bất công chỗ nào?
Lê Đình Chức khi nói lời sau cùng đã nói rằng: "Lời đầu tiên, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ Công an hi sinh. Cho dù bị cáo sau này phải chết hay được trở về thì vẫn mong các gia đình tha thứ, để lương tâm bị cáo được thanh thản phần nào".
Còn Lê Đình Công thì nói rằng: "Về sự hi sinh của ba chiến sĩ Công an, bị cáo không hay biết gì. Sau khi biết tin, bị cáo vô cùng hối hận, đã thành khẩn, ăn năn hối lỗi về những sai lầm của mình. Bị cáo kính mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng”.
Bùi Viết Hiểu, một trong những người hoạt động tích cực nhất trong tổ Đồng Thuận thì cũng đã cúi đầu nhận tội và nói rằng: "Nhận thấy cáo buộc của Viện kiểm sát về mọi hành vi và sai phạm vừa qua của mình là rất đúng”.
Những người bị tuyên phạt tử hình như Lê Đình Công, Lê Đình Chức hay những người cầm đầu, tích cực như Bùi Viết Hiểu đều đã cúi đầu nhận tội, thừa nhận cáo trạng là đúng, xin hưởng lượng khoan hồng. Vậy, xin hỏi những người vẽ ra cái “kiến nghị” kia, bất công chỗ nào? Bất công cái gì?...
Đặc biệt, tại phiên toà, một số bị cáo đã từ chối việc luật sư tiếp tục bào chữa cho mình. Lý do mà những bị cáo này đưa ra về việc từ chối luật sư tiếp tục bào chữa cho mình là bản cáo trạng, bản luận tội của Viện Kiểm sát đã đúng người, đúng tội, đúng sự thật nên họ không cần tiếp tục được bào chữa. Vậy, xin hỏi những ai đang rêu rao, và ký tên vào cái bản “kiến nghị” kia là bất công cái gì, bất công chỗ nào?
Tội ác của các đối tượng trong vụ án này, nhất là tội ác của Lê Đình Công, Lê Đình Chức là không thể tha thứ, pháp luật cần phải nghiêm trị để đảm bảo tính nghiêm minh. Với những bị cáo khác, nếu chiếu theo đúng những gì họ đã gây ra thì hình phạt cho họ đáng lẽ phải nghiêm khắc hơn, nhưng pháp luật đã cho họ hưởng những sự khoan hồng nhất định để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Đó là sự nhân văn, nhân đạo đối với những người ăn năn, hối lỗi.
Thật nực cười cho những ai đó đang rêu rao, gào thét về cái gọi là “Kiến nghị phản đối bản án Đồng Tâm” bởi đó là một trò hề lố bịch. Cũng xin được nói thêm rằng, nghe thấy vài nghìn người ký tên vào bản “kiến nghị” này so với hơn 90 triệu người dân Việt Nam thì chỉ là con số quá nhỏ bé nên đừng lấy gì làm to tát, ầm ĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét