Konstantin Simonov (1915-1979) là nhà thơ, nhà văn Xô viết nổi tiếng, quá quen thuộc với độc giả Việt Nam với bài thơ "Đợi anh về", qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu.
K.Simonov đã trải qua cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1977, tại một buổi nói chuyện với khá đông cử tọa, ông có nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi thăm Việt Nam vào năm 1970, "Tôi đã ở Việt Nam, chứng kiến những gì xảy ra ở đó, rất nặng nề...Tôi thử hình dung mình là một người Việt Nam, nhớ về cuộc chiến tranh của chúng ta...". Rồi Simonov đọc một bài thơ của ông, rút từ trong tập"Việt Nam-Mùa đông năm bảy mươi...". Trong bài thơ, nhà thơ mô tả mình tự trải nghiệm cuộc chiến tranh Việt Nam, không nhờ phim, nhờ các bức ảnh mà tự mình nằm trên đồng lúa, dưới làn bom, và bồi hồi thấy như mình thời 20 tuổi, năm 1941, trên cánh đồng ở Borisov, trong một trận đánh ác liệt...
Năm 1941 đó, hẳn đã hằn sâu vào trí nhớ của Konstantin Simonov...
Năm 1941, ngay sau chiến tranh nổ ra, Simonov đã ra mặt trận với tư cách phóng viên chiến trường. Ông viết bài cho các báo Sao đỏ, Sự thật, Sự thật thanh niên...
Sau này, ông viết :"Tôi chưa từng là người lính, tôi chỉ là phóng viên, nhưng tôi có một địa danh mà sống cả thế kỷ cũng không thể nào quên. Đó là một cánh đồng ở Mogilyov, nơi tôi lần đầu tiên vào tháng 7/1941 đã chứng kiến quân ta trong 1 ngày đã tiêu diệt 39 chiếc tăng Đức...". Đây là trận chiến đầu tiên trong cuộc đời Simonov mà sau này ông đã viết lại trong tác phẩm "Những người sống và những người chết"(Живые и мёртвые). Cánh đồng đó có tên là Buinichi.
....Chỉ 2 năm sau khi đọc bài thơ về Việt Nam, năm 1979, Konstantin Simonov đã vĩnh biệt mọi người.
Theo di chúc của nhà thơ, tro thi hài của ông đã được rải trên cánh đồng Buinichi. Một người sinh ra ở Petrograd (Leningrad), mất tại Moskva nhưng đã nguyện hòa lẫn mình vào đất đai Mogilyov, một mảnh đất "cả thế kỷ không thể nào quên" ở Belorussia.
Trên cánh đồng đó, bên cạnh xác những chiếc xe tăng Đức năm xưa, còn có một tảng đá lớn có khắc chữ ký của Simonov. Mặt bên kia của tảng đá có gắn một tấm biển đồng, trên có dòng chữ "«Всю жизнь он помнил это поле боя 1941 года и завещал развеять здесь свой прах»( Cả đời mình ông luôn nhớ đến cánh đồng nơi diễn ra trận chiến năm 1941 và di chúc rắc tro cốt của mình tại đây".
Konstantin Simonov đã từng sang Việt Nam, đã từng nằm trên đồng lúa dưới làn bom đạn, để thấy rằng "nỗi đau này không phải của riêng ai", như tên một tập thơ và kịch bản một bộ phim tài liệu ông viết về chiến tranh Việt Nam. Và khi nằm xuống, ông cũng hòa lẫn với đất đai của một cánh đồng, nơi từng xảy ra trận chiến khốc liệt với kẻ thù trên quê hương Xô viết của ông.
Câu chuyện này hôm nay mình mới biết nên viết lại để chia sẻ với những ai yêu văn học. Cứ ngỡ là ông đang nằm đâu đó trong một nghĩa trang, như ở Novodevichie chẳng hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét