Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

HÃY ĐỐI MẶT VỚI QUÁ KHỨ BẰNG CÁCH TÔN TRỌNG SỰ THẬT - TRƯỜNG HỢP CỦA ĐẠI HỌC FULBRIGHT

 (Tác giả: Mark A.Ashwill. Nguồn: https://www.counterpunch.org/2019/08/02/coming-to-terms-with-the-past-by-honoring-historical-truth-the-case-of-fulbright-university-vietnam/

Biên dịch: Ngô Mạnh Hùng)
“Không có người nào trên toàn thế giới có thể thay đổi sự thật. Người ta chỉ có thể tìm kiếm sự thật, tìm thấy nó và phục vụ nó” - Dietrich Bonhoeffer (1906-1945)
Tôi được biết rằng Đàm Bích Thuỷ, chủ tịch sáng lập của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), năm 2019 này đã đến Carthage College, một trường cao đẳng nghệ thuật nhỏ ở Wisconsin, để quảng bá cho nó. Trong chuyến thăm của mình, cô Thủy đã trò chuyện trực tiếp với Chủ tịch Carthage John Swallow về tình trạng giáo dục đại học ở Việt Nam. Dưới đây là một đoạn trích tiết lộ từ một tờ báo của Wisconsin cho thấy một số hiểu biết đáng lo ngại trong quan điểm của Thuỷ về đất nước của mình, về cuộc Chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và trong nhận thức về phản biện của cô.
MỘT BÀI HỌC LỊCH SỬ
Trong khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã được cải thiện trong thời gian gần đây, bức tranh toàn cảnh đã hoàn toàn khác cách đây nửa thế kỷ. Thủy cho biết Đại học Fulbright Việt Nam đã sử dụng việc hướng dẫn nghiên cứu lịch sử như một lăng kính cho sinh viên để nhìn sâu hơn vào xung đột giữa các quốc gia.
Tình huống cụ thể: Học sinh của Thủy đã được xem một tập phim tài liệu của Ken Burns về “Chiến tranh Việt Nam”. Kết thúc tập phim, Thuỷ cho biết nhiều người đã khóc nức nở và xúc động về câu chuyện mà họ đã xem. Thủy nói rằng các sinh viên đã trao đổi lại với cô ấy: “chúng tôi chưa bao giờ biết người Mỹ phải chịu đựng nhiều đến như vậy. Trước đây chúng tôi chỉ nghĩ người Việt Nam chịu thiệt thòi”.
Nói về tầm quan trọng của tư duy phản biện, Thủy nói: “Bạn cần nhìn mọi thứ từ một lăng kính khác - đặc biệt là đối với lịch sử. Có rất nhiều cách giải thích về lịch sử”. Thủy đã trích dẫn một câu về sức mạnh biến đổi của giáo dục lịch sử: “Giáo dục là cách tốt nhất để hàn gắn quá khứ”.
Mặc dù đúng là có rất nhiều cách giải thích về lịch sử, nhưng điều cốt yếu là bối cảnh và sự thật lịch sử là bất biến, nhưng lại thường bị gạt sang một bên nếu chúng không phù hợp với bất kỳ cái rìu ý thức hệ nào của người kể chuyện, trong trường hợp này là nước Mỹ - người đã quyết định lập ra trung tâm Đại học này.
Thật ra, bản chất của tư duy phê phán mà cô Thủy đề cập đến là một phần và một mục đích của một thế giới quan đổi màu, tham gia vào chủ nghĩa xét lại lịch sử và làm sai lệch sự thật. Có lẽ Thuỷ cần phải xem lại các định nghĩa về tư duy phê phán, trong đó bao gồm cả những phân tích hợp lý, hoài nghi, không thiên vị, phải đánh giá thông qua bằng chứng thực tế.
Mặc dù có lẽ Thủy tin vào chính những gì cô nói, nhưng những bình luận của cô cũng là một ví dụ về việc gây lệch lạc cho đám đông, cô chỉ nói với sinh viên tham dự những gì mà người Mỹ muốn nói, trong khi hầu hết đám đông đó không biết có bao nhiêu người Việt Nam đã phải chết và bao nhiêu người đang tiếp tục phải chịu đựng vì những di sản chiến tranh như bom mìn chưa nổ (UXO) và chất độc màu da cam. Đó là câu chuyện cũ đầy máu. Hoa Kỳ đã chiếm đóng, hủy diệt và bỏ đi, không hề có trách nhiệm hay nhận thức tập thể cần phải nhớ về quá khứ cũng như không chịu học hỏi từ nó.
Bởi vậy, lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại những sai lầm của chính nó, bởi nghệ thuật quảng cáo mà không có sự thật hay giá trị giáo dục nào.
BỨC TRANH LỚN
Có lẽ các sinh viên đã xem tập phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” đó nên được yêu cầu đọc cuốn sách “Giết tất cả những gì động đậy: Cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam” (Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam) của Nick Turse, được dịch sang tiếng Việt sau vài tháng kể từ khi xuất bản ở Mỹ. Cuốn sách này, mà tôi khuyên độc giả nên đọc chậm từng ít một, và hãy đặt sang một bên nếu thấy bị trầm cảm, đã uống rượu hoặc trước khi đi ngủ, bởi nó mô tả chi tiết về việc sát hại, hành hạ các cơ thể con người mà lính Mỹ coi như một thước đo cho sự chiến thắng trong cuộc chiến, với lý thuyết “nếu chúng bị giết, chúng chắc chắn là Việt Cộng”!
Có lẽ ai đó cần phải thông báo cho các sinh viên rằng lẽ ra đã có một cuộc bầu cử quốc gia của Việt Nam vào năm 1956 theo các điều khoản của Hiệp định Genève năm 1954, sau thất bại nặng nề của người Pháp tại Điện Biên Phủ. Nhưng có một thực tế nổi bật nhất là Hoa Kỳ đã phá hoại điều khoản đó để tạo ra một “quốc gia” tay sai ở nửa phía nam của Việt Nam, kéo dài chiến tranh trở thành moitj cuộc chiến khác.
“Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ nhận được 80% phiếu bầu phổ thông”, theo hồi ký của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, “do đó, sẽ thống nhất đất nước của ông và ngăn chặn Chiến tranh Đông Dương lần thứ 2”. Nếu không có sự đau khổ, chết chóc và hủy diệt mà chiến tranh gây ra, chủ yếu là từ năm 1965 đến năm 1972, bởi Hoa Kỳ, tay sai Sài Gòn và các đồng minh như Úc, Hàn Quốc và các nước khác, Việt Nam sẽ có một giai đoạn phát triển rất khác , rất có thể sẽ vượt lên ngang hàng Singapore. Điều quan trọng nhất là, 3,8 triệu người Việt Nam, hơn một nửa trong số đó là dân thường, và 58.300 người Mỹ sẽ không mất mạng.
Có lẽ ai đó cần phải đưa ra sự thật rằng những người Việt Nam chiến đấu chống Mỹ là những người yêu nước đấu tranh cho nền độc lập của đất nước họ, và họ đã chết cho lý tưởng đó. Trong khi hầu hết các binh sĩ Hoa Kỳ chiến đấu không vì điều gì ngoại trừ bản thân họ với hy vọng mãnh liệt rằng họ sẽ được trở về nhà với đầy đủ chân tay và không phải nằm trong một chiếc quan tài phủ cờ.
Nếu sự đau khổ của người Mỹ là bi thảm, thì nó vẫn rất mờ nhạt so với mất mát của người Việt Nam. Hãy dành những giọt nước mắt của sư tử cho họ và những hy sinh mà họ đã chịu đựng để đánh bại Hoa Kỳ, trong một loạt những kẻ xâm lược nước ngoài đáng gờm. Nói một cách đơn giản, ngay từ đầu Hoa Kỳ đã không có quyền ở Việt Nam, không có người Mỹ và vũ khí chiến tranh của Mỹ thì sẽ không có đau khổ.
Thật là một sự đồi bại của lịch sử, khi những người ở FUV tập trung vào sự đau khổ của Hoa Kỳ trong một cuộc chiến mà nó không bao giờ nên tiến hành. Nhưng sự trớ trêu đáng buồn này không đáng ngạc nhiên khi nó đến từ một tổ chức mà các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ cho rằng đó là điều cần làm, thực sự đáng khen ngợi khi chỉ định Bob Kerrey, thủ phạm gây ra tội ác thảm sát ở Thạnh Phong làm chủ tịch hội đồng quản trị của nó (sau đó, họ đã phải trả giá PR cho quyết định PR đáng khinh này về mặt đạo đức).
TỰ BẮC CHẢO CHIÊN TRÊN LỬA
FUV đã tiếp tục sai lầm đó bằng cách lại bổ nhiệm người bạn của Bob Kerrey, Thomas Vallely, làm chủ tịch hội đồng quản trị. Vallely, người từng gọi FUV là “bộ xe lửa điện” của mình, ghi lại rằng ông đã không xem trường hợp của Kerrey là một sai lầm và rất ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội xảy ra sau đó. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 Vallely nói rằng, Thạnh Phong, theo nghĩa đen là hiện trường của tội ác chiến tranh của Kerrey nhưng không phải là một nguyên nhân gây lo ngại: “Tôi không nghĩ rằng Thạnh Phong là một tiêu cực. Tôi nghĩ rằng Thạnh Phong là một di sản”. Ông đã gọi Bob Kerrey là một anh hùng vì anh ta xử lý các hậu quả với đạo đức của mình và bởi vì Kerrey hiểu con người có thể làm gì với nhau khi họ trở nên vô nhân đạo. Sự thật hiển nhiên là chỉ những người lính Mỹ được vũ trang tốt mới là người vô nhân đạo đối với thường dân Việt Nam không vũ trang, bằng cách giết họ bằng vũ khí và dao tự động.
Tự đào sâu hơn nữa, Vallely lập luận chống lại việc chỉ trích Kerrey vì các hành vi bạo lực đối với dân thường ở Việt Nam, nhưng đặc biệt chỉ nhấn mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đông dân, trong khi còn hàng triệu người Việt bị tàn sát ở những nơi khác. Ông ta coi Thạnh Phong chỉ là “một giọt nhỏ trong một cái xô rất lớn chứa đầy máu”.
Sự kiêu ngạo của Vallely bắt nguồn từ chủ nghĩa chủng tộc thượng đẳng đã được thể hiện đầy đủ khi ông đề cập đến quyền tự chủ trên thực tế của FUV và 2 đại diện của trường đại học: một là chính phủ Hoa Kỳ, và một là Harvard, những đại diện này rất hữu ích. Ý tưởng trong tuyên bố này là khái niệm cho rằng FUV đứng trên mọi sự chỉ trích, như đối với Bob Kerrey, bởi vì nó là một tổ chức giáo dục đại học nổi tiếng nhất!
QUAN NIỆM CỦA HOA KỲ VỀ LỊCH SỬ LÀ TRUNG TÂM TUYÊN TRUYỀN CỦA FUV
Sự giải thích có chọn lọc, lấy quan điểm của Hoa Kỳ làm trung tâm trong đánh giá về lịch sử này không có gì mới, từ FUV hoặc những người gần gũi với nó. Một ví dụ là một bài đăng trên blog vào tháng 7 năm 2016 có tựa đề “Tranh luận về vai trò thời chiến của Bob Kerrey, Việt Nam đối mặt với những con quỷ trong quá khứ” xuất hiện trên trang web của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một think tank có ảnh hưởng lớn thuộc Washington. Được viết bởi một cô gái Việt Nam trẻ tuổi được đào tạo ở Hoa Kỳ có quan hệ mật thiết với lãnh đạo của FUV, đó là một nỗ lực khập khiễng để xoay chuyển tình thế với Việt Nam, như tôi đã nêu trong một bài báo tháng 5 năm 2017. Cô gái đã viết về việc bổ nhiệm Kerrey làm chủ tịch hội đồng quản trị của FUV và cuộc tranh cãi là một phước lành được ngụy trang bởi vì nhờ cuộc tranh luận đã giúp vượt qua các giá trị đạo đức về việc một người lính ra lệnh giết dân thường trong Chiến tranh Việt Nam, để đạt được sự phát triển quan trọng ở Việt Nam liên quan đến quan hệ Mỹ-Việt.
Tác giả đã phát ra âm thanh của một người Mỹ đang đi trên đường phố Hoa Kỳ với sự thiếu hiểu biết đáng kinh ngạc về lịch sử của chính đất nước mình. Khi ôm lấy phe Hoa Kỳ, cô ấy đã bao vây và cố làm mất trí nhớ của các nạn nhân trong cuộc tàn sát Thạnh Phong được thực hiện vào tháng 2 năm 1969, qua đó đã phản bội lịch sử, bênh vực thủ phạm thay cho nạn nhân, thậm chí đổ lỗi cho nạn nhân!
BẢO NINH, NGƯỜI COI CUỘC CHIẾN TRANH CỦA HOA KỲ Ở VIỆT NAM LÀ NỘI CHIẾN
Thật trùng hợp, cùng tháng mà chủ tịch FUV, Đàm Bích Thủy ở Mỹ, Bảo Ninh - tác giả “Nỗi buồn chiến tranh”, bay đến thành phố Hồ Chí Minh và xuất hiện trước công chúng để nói chuyện với các sinh viên và giảng viên của FUV. Trong một bài viết chính thức của FUV, có lẽ được viết bởi một sinh viên, tác giả lưu ý rằng hầu hết các câu hỏi đến từ các sinh viên đại học, người ta có thể dễ dàng nhận ra những người hỏi là những người đọc chu đáo với các mối quan tâm về văn hóa và xã hội. Có thể còn quá sớm để dự đoán những sinh viên năm nhất này có thể làm gì trong suốt những năm đại học và sau đó, nhưng những gì họ hỏi trong cuộc trò chuyện với tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh” mang đến cho chúng ta niềm vui và hy vọng về một thế giới hòa bình và đồng cảm. Tình cảm đó là đáng khen ngợi nhưng tôi quan tâm đến chính xác những gì Bảo Ninh đã nói với họ về cuộc chiến là gì? Đó có phải là thứ gì đó phù hợp gọn gàng nhằm củng cố mô hình của các tuyên bố và hành động lấy tiêu chuẩn Hoa Kỳ làm trung tâm trong việc tuyên truyền của FUV không?
Trong tập thứ chín của bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lynn Novick, nói về giai đoạn chiến tranh từ tháng 5 năm 1970 đến tháng 3 năm 1973, Bảo Ninh đã mô tả Chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam như là một cuộc nội chiến của 2 phe trong bối cảnh sau: “chúng tôi ăn cùng một loại gạo, uống cùng một loại nước, chia sẻ cùng một nền văn hóa, cùng một loại âm nhạc. Chúng tôi đã hèn nhát theo cùng một cách, chúng tôi đã dũng cảm theo cùng một cách, không khác nhau. Đó là một cuộc nội chiến” - Bảo Ninh đã nói như thế, nhìn nghiêm trang vào camera, với sự chắc chắn tuyệt đối.
Một đồng nghiệp lưu ý Bảo Ninh rằng anh ta đã hoàn toàn bỏ qua tác động áp đảo có mục đích của quân đội hùng mạnh nhất thế giới và các mưu mô chính trị của Hoa Kỳ, đã buộc người Việt Nam phải đưa ra lựa chọn mà họ không hề muốn phải đối mặt. Bảo Ninh đã lúng túng, thực tế là anh ta đã gian dối ngay từ đầu trong việc giấu giếm một con voi khổng lồ trong một căn phòng nhỏ, với việc coi cuộc kháng chiến chống Mỹ của người Việt Nam là cuộc chiến đọ sức của người Việt Nam ở miền Nam chống lại đồng bào từ miền Bắc của họ.
Mặc dù sự thật là có những người Việt từ một vùng này của đất nước đã chiến đấu và giết chết người Việt ở vùng khác, nhưng đó không phải là một cuộc nội chiến, dựa đúng theo định nghĩa về nội chiến. Nhưng những người Việt trẻ, bao gồm sinh viên FUV, đã ấn tượng về điều được nghe từ Bảo Ninh, họ không nhận ra bản chất khác biệt quan trọng này và do đó tiếp thu những câu chuyện sai lệch, trong một số trường hợp được truyền lại từ những gia đình có mối liên hệ với Việt Nam Cộng hòa, rằng cuộc chiến thực sự là một cuộc nội chiến giữa Bắc và Nam, là một trận chiến của các ý thức hệ đối lập.
Hầu hết các thành viên nhỏ tuổi trong số khán giả của Bảo Ninh có thể không nhận thức được thực tế lịch sử rằng cuộc chiến sẽ không bao giờ xảy ra nếu Hoa Kỳ chấp nhận ký kết và tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954.
PHỤC VỤ SỰ THẬT
Các cá nhân và các quốc gia không thể vượt qua quá khứ, có nghĩa là cuộc đấu tranh để vượt qua những đau khổ và mọi vấn đề trong quá khứ, bằng cách xét lại và bào chữa cho nó. Vết thương chỉ có thể được chữa lành bằng sức mạnh của sự thật lịch sử, chứ không phải bằng cách sửa đổi lịch sử cho phù hợp với những câu chuyện giả, tự chế tác.
Một đồng nghiệp Hoa Kỳ của tôi, người biết rất rõ về Việt Nam, cũng quan tâm vấn đề này, hoàn toàn không phải là “tư duy phản biện” và “học thuật tự do” theo cách hiểu của FUV rằng sinh viên Việt Nam đang học để nhận ra “người Mỹ cũng phải chịu đựng đau khổ nhiều như người Việt Nam”! Vâng, thực sự, ngay cả từ con số lạnh lùng 58.000 sinh mạng và 3,8 triệu sinh mạng. “Với một 'trường đại học' như thế, bạn không cần phải có Joseph Goebbels”, anh ấy nói thêm (Joseph Goebbels là trùm tuyên truyền phát xít Đức).
Một sinh viên Việt Nam tại Đại học Yale-National Singapore (NUS), người đã tham gia một hội nghị tháng 4 năm 2019 tại FUV về việc tiến hành cách tiếp cận mới trong giáo dục đại học ở Châu Á đã viết: di sản của Mỹ ở Việt Nam - cả những biểu hiện bạo lực và “nhân từ” của nó - bao trùm toàn bộ sự thành lập của FUV, FUV là một sản phẩm của Chiến tranh Hoa Kỳ ở Việt Nam, và bây giờ nó hoạt động như một địa chỉ mà thông qua đó lợi ích, chính sách đối ngoại của Mỹ tiếp tục được mở rộng. Vượt xa cả sự tức giận cá nhân của tôi về sự kiện Bob Kerrey, tuyên bố của FUV với tư cách là một tổ chức độc lập cũng rất đáng nghi ngờ. Chúng ta (Yale-NUS) có muốn tham gia là một tổ chức đồng lõa trong việc duy trì các chính sách đối ngoại đế quốc của Mỹ ở Việt Nam hay không?
Giáo dục là một cách để hàn gắn quá khứ, nếu nó là khách quan, toàn diện và trung thực. Tuy vậy, FUV (Đại học Fulbright Việt Nam) vẫn chưa thực hiện đúng cam kết của mình là một trường đại học với sứ mệnh dựa trên nền tảng tự do của kiến thức. Nếu nó muốn thực sự trở thành một trường đại học quốc tế độc lập, nó phải từ bỏ việc tiêm nhiễm chủ nghĩa biệt lệ của Hoa Kỳ vào suy nghĩ và hành động của các thành viên (sinh viên và giảng viên), kể cả ở cấp cao nhất. Nếu không, điều đó chính là nguyên nhân gây ra những nghi ngờ về việc tổ chức này thực tế là một con ngựa thành Troy của Hoa Kỳ nhằm xâm nhập Việt Nam.
===

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét