Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

VÌ SAO MỸ, ANH, ĐỨC PHẢN ĐỐI YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

 Ngày 16/9, Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hợp quốc, phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc về chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Đây là công hàm mới nhất gửi lên Liên Hợp quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sau một loạt các công hàm tương tự được gửi đi từ các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Australia.
Trong công hàm này, các nước Anh, Pháp, Đức khẳng định việc các quốc gia cần phải tuân thủ Công ước về Luật biển của UN (UNCLOS), đồng thời bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi khẳng định đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa của Việt Nam và "quyền lịch sử" mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở dựa trên UNCLOS.
Anh, Pháp, Đức nhấn mạnh: “Các đòi hỏi (về chủ quyền) liên quan đến quyền lịch sử ở Biển Đông là không đúng với luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, đồng thời khẳng định điều này trong phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm 2016 bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển. Công hàm chung nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, 'quyền lịch sử' Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982.
Công hàm nhấn mạnh quyền đi lại không gây hại, tự do hàng hải và hàng không như đã nêu trong UNCLOS phải được tôn trọng, đặc biệt tại Biển Đông.


Anh, Pháp, Đức cũng kêu gọi: "Các tranh chấp yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp đã được đưa ra trong UNCLOS". Đồng thời, khẳng định:
"Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của công ước".
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang tiếp tục có những bước đi liều lĩnh nhằm hiện thức hoá giấc mơ độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, việc làm phi pháp này của họ đang vấp phải sự phản đối của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Dù công hàm của Anh, Pháp, Đức không nói họ đứng về phía ai nhưng có thể thấy rằng, họ đang đứng về lẽ phải và lên án các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Trung Quốc lúc này không chỉ đang phải đối mặt với cuộc chiến thương mại gay gắt với Mỹ mà còn đang phải hứng chịu rất nhiều sức ép quốc tế chính quyền của họ gây ra nhằm hiện thức hoá giấc mộng bá chủ thế giới trong tương lai gần. Liệu Trung Quốc có hiện thực hoá được giấc mơ này hay không? Vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề mang tính quyết định. Bởi vậy, họ sẽ tiếp tục đưa ra các tuyên bố phi pháp về chủ quyền ở vùng biển này. Hơn lúc nào hết, thế giới cần đồng lòng để ngăn chặn sự lộng hành và những tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Việt Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét