Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

“XẢ RÁC” VÀO… LỊCH SỬ LÀ ĐIỀU KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỢC!

 Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 14-9-2020, tại trang 2 có bài: “Dấu ấn lớn của Trương Vĩnh Ký với báo chí Việt Nam” của tác giả Mai An cho rằng: “cuộc đời Trương Vĩnh Ký (1837 -1898) gắn liền với sự phát triển của chữ quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, trên sách… bằng chữ quốc ngữ. Tồn tại hơn 44 năm, Gia Định Báo đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi của nhà bác học Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông…”

Quá bức xúc, tôi viết mấy dòng này đến quý đồng chí. Sự thật có đúng như Mai An viết không ? Sự thật hơn 10 năm qua tuần báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bài viết về Trương Vĩnh Ký, nay tôi không lặp lại nữa. Chúng ta cùng xem Giáo sư sử học – Nhà giáo Nhân dân – Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Trần Văn Giàu viết về Trương Vĩnh Ký như sau:

“Đơn giản và hay ho hơn” mấy đi nữa mà tiếp tay cho kẻ xâm lược, chống lại độc lập thì nhân dân Việt Nam ta quyết không tán thành. Đừng nói P. Ký… là “làm cách mạng sớm quá”; họ là tay sai của Tây chứ “cách mạng” gì… “Với những ai suy tôn Trương Vĩnh Ký như người “tiên phong” của văn hóa Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, thì ta trích dẫn vài đoạn sau đây của Bouchot. Nhằm tán dương công lao của Pétrus Ký, Bouchot viết:

“Tất cả những gì ông đã dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ đều không có mục đích nào khác hơn là làm cho người Nam chấp nhận mẫu tự la tinh và giảm bớt dùng chữ Hán”. Và: “Việc đó của ông Trương Vĩnh Ký đáp ứng đúng với những yêu cầu mà các đô đốc, thống đốc đã từng bày tỏ ngay từ lúc Pháp mới chinh phục Nam Kỳ, những điều mà ông Vi-al giám đốc phòng nội chính đã nói lên, và ông Vi-al đã đánh giá là trở ngại do chữ Hán gây ra giữa người Pháp và người Nam”. Chắc chắn là nhà bác học họ Trương có đẩy mạnh sự tiến bộ của chữ quốc ngữ, mà càng chắc hẳn là ông đã phục vụ đắc lực cho sự bình định của Pháp bằng việc dịch thuật và sáng tác với chữ quốc ngữ!

Ảnh hưởng về sau của quốc ngữ đối với phong trào dân tộc là một việc hoàn toàn ngoài ý muốn của những kẻ sử dụng và truyền bá quốc ngữ la tinh khi Pháp mới xâm lược và “bình định”.

Việc dịch chữ Nôm, chữ Hán ra quốc ngữ và việc sáng tác bằng quốc ngữ có tác dụng hai mặt:

Mặt thứ nhất là, bằng cách đó, Pháp tăng uy tín cho quốc ngữ; công cụ xâm lược văn hóa thống trị của nó bấy lâu nay, đánh lùi uy thế các nhà nho.



Mặt thứ nhì mà Pháp không tính trước nổi là, qua những sách quốc ngữ dịch từ Nôm, Hán, người yêu nước Việt Nam hé thấy rằng quốc ngữ có khả năng tiếp tục công việc mà chữ Nôm đã bắt đầu thành công nhất là trong hơn một trăm năm trước khi Pháp đến. Người yêu nước Việt Nam hé thấy quốc ngữ có nhiều khả năng văn hóa chớ không phải chỉ là một thứ chữ thứ yếu dùng để cho bình dân giao dịch hằng ngày mà thôi. Nhận định sơ bộ này được củng cố thêm khi những tờ “ Gia Định báo”(lập năm 1865), “Nông cổ mín đàm”(lập năm 1900), “Đại Việt tân báo”(lập năm 1905) góp phần làm cho chữ quốc ngữ tiến bước và đem lại một số kiến thức mới về phương Tây và các nước ngoài.

Càng ngày càng có nhiều sĩ phu nhận ra rằng chữ quốc ngữ trong tay người Pháp thì lợi cho Pháp thực dân, hại cho dân Việt Nam, còn nếu chữ quốc ngữ ở trong tay dân Việt Nam thì nó sẽ là một công cụ đắc lực cho việc khai dân trí, chấn dân khí nhằm mục đích chống đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc.
(còn tiếp)

Tác giả: Trịnh Phi Long, bút danh Hoàng Phương, hội viên Hội Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Cựu chiến binh, hội viên Hội Luật gia, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét