Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

KHÂM PHỤC MỘT VỊ TƯỚNG ĐI LÊN BẰNG NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG!

 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 1962 tại Gò Công, Tiền Giang. Ông sinh ra trong một gia đình có bảy người con và ông là con thứ sáu nên cái tên Sáu Nghĩa gắn bó với ông từ thuở lọt lòng. Nối gót truyền thống ông bà, ba mẹ anh tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, tổ chức mạng lưới giao liên hoạt động ngầm trong lòng địch. Gia tộc và gia đình ông là “cách mạng nòi”.

Khi ông mới được 4 tuổi thì cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ của gia đình ông ở trong rừng bị lộ vì bọn chỉ điểm. Trong lúc bị địch bao vây, ba ông đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng chí của mình. Mẹ ông lúc đó đang mang thai. 5 năm sau, khi Sáu Nghĩa bắt đầu ý thức được nhiệm vụ mà ba mẹ và chị Hai đang làm thì một lần nữa, cơ sở cách mạng lại bị lộ. Cũng giống như ba ông, người mẹ yêu thương dù đang nuôi con nhỏ, vẫn anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chấp nhận hy sinh tính mạng để giữ bí mật tuyệt đối cho tổ chức cách mạng.
Sau khi ba mẹ mất, ông sống cùng với cô. Trong ký ức của cậu bé Sáu Nghĩa ngày đó chỉ có một mong ước là lớn nhanh, đi bộ đội để chiến đấu trả thù cho ba má. Khi đã 17 tuổi, có cả ba và má là liệt sĩ, ông được ưu tiên đi học ở nước ngoài nhưng đã nhất quyết nhường lại suất đi học cho người khác và nhập ngũ, lên đường chiến đấu ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Cậu bé Sáu Nghĩa năm nào giờ đây đã trở thành một vị tướng, một lãnh đạo cấp cao của Quân đội.
Và bây giờ ông là một Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam! Xin chúc mừng ông.
HANGLE
Có thể là hình ảnh về 1 người và quân phục

NGƯỜI ĐỌC BẢN TIN CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 30/4/1975

  15 phút sau khi xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và Dương Văn Minh chính thức đầu hàng…bản tin chiến thắng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong ngày 30/4/1975 đã được Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Cúc đọc lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

MAY MẮN ĐƯỢC LỊCH SỬ LỰA CHỌN
“Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”- đây là bản tin chiến thắng ngắn gọn, chỉ chiếm gần 1 phút trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây 46 năm. Gần 1 phút đọc bản tin trong hàng nghìn phút của nghề phát thanh viên, nhưng với NSƯT Kim Cúc, đó là 1 phút lịch sử của cuộc đời bà.
Giọng bà vẫn rung lên khi đọc lại từng chữ của ban tin chiến thắng ngày ấy và cho đến hôm nay, bà chia sẻ rằng chưa từng quên cảm xúc trong ngày 30/4/1975.
NSƯT Kim Cúc kể: “Hôm ấy, vào đúng ca trực nhận tin của phóng viên Anh Trang. Cô Trang nhận được tin từ Bộ Tổng tham mưu báo có tin chiến thắng, đề nghị sang nhận ngay, lại được nhắc nhở tin đặc biệt quan trọng. Bình thường các phóng viên sẽ đạp xe sang Lý Nam Đế nhận tin nhưng hôm ấy cô Trang được điều động ô tô.
Vừa đến đầu đường Lý Nam Đế không hiểu vì lý do gì, xe phanh gấp, cô Trang bị đập đầu vào xe, chảy máu đầu. Dù đau nhưng cô Trang vẫn nén đau, ôm đầu chạy đến Bộ Tổng tham mưu nhận tin. Khi về, một tay cô cầm tờ tin chiến thắng, một tay ôm đầu, chạy đến gần cầu thang của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cô gục xuống ngất xỉu vì máu chảy nhiều quá”.
Nhận bản tin từ tay phóng viên Anh Trang, phát thanh viên Kim Cúc khi ấy xuống ngay hầm phát trực tiếp, đọc thẳng tin chiến thắng. Bà cho biết, đến tận khi cầm tờ bản tin trên tay bà mới biết đó là tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Lúc đó tôi run người vì hạnh phúc và vui sướng. Nhưng để truyền tin đến hàng triệu đồng bào, tôi phải kìm nén cảm xúc”- NSƯT Kim Cúc kể.
Hôm ấy, cùng ca trực với bà còn có phát thanh viên Kim Túy, người miền Nam. Hai người cùng hồi hộp khi ngồi xuống chiếc ghế đọc, phát trực tiếp lên sóng phát thanh, trước mặt là dòng chữ “hàng triệu người đang nghe ta” thì chỉ biết động viên nhau kìm nén cảm xúc. “Khi đó, hai chị em ngồi cạnh nhau, nắm tay nhau để cùng giữ bình tĩnh và cũng là cách để nhắc nhở nhau, mọi cảm xúc, tình cảm đều phải kìm nén để cảm xúc không được dâng lên, có thể ảnh hưởng đến dây thanh đới, tin chiến thắng sẽ không được đọc trọn vẹn. Và điều quan trọng nhất, phải đọc để truyền tải được sự hào hùng của chiến thắng, sự hào sảng và tâm thế của người chiến thắng”- NSƯT Kim Cúc bồi hồi.
“Chị Kim Túy đứng trước micro, bắt đầu cất giọng đọc. Giọng chị thật truyền cảm. Vừa đọc, chị vừa nắm chặt tay tôi không rời. Chưa bao giờ tôi thấy chị đọc truyền cảm đến thế, điều đó xóa tan nỗi lo âu của tôi là chị đang xúc động nên có thể đọc không rõ lời. Khi vừa dứt bản tin, chị chuyển ngay sang để tôi đọc lần thứ hai. Khi đó tôi cũng phải nắm tay chị Túy để giữ bình tĩnh khi đọc”- NSƯT nhớ lại.
NSƯT Kim Cúc chia sẻ: “được đọc tin chiến thắng 30/4/1975 với bà là một may mắn của đời làm nghề phát thanh viên. Lịch sử đã chọn thời điểm ấy tôi trực và đọc tin, đó không phải là vinh dự mà tôi tự tạo được cho mình mà là vinh dự được lịch sử lựa chọn”.
Ngay sau khi bản tin chiến thắng phát trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, người dân Hà Nội đã đổ ra đường reo hò, phất cờ, mừng chiến thắng. “Tin chiến thắng được người Hà Nội nghe qua loa lắp đặt trong nhà (thường để nghe báo động máy bay), ngay khi bản tin phát xong, tôi đã thấy bên kia đường mọi người hoan hô, vỗ tay, và hét vang: Chiến thắng rồi! Đại sứ quán Cu-Ba ở ngay gần phòng thu của Đài, họ cũng đổ ra đường nhảy múa, cầm xoong cầm nồi khua tứ tung, và họ cũng hô vang “Viva Việt Nam! Viva Việt Nam (Việt Nam muôn năm)”. Rồi suốt những ngày sau đó, cả Hà Nội không ngủ, cả Hà Nội vui như hội. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp, đi ra đường, ra Bờ Hồ để ăn mừng chiến thắng… Cả đất nước hân hoan, rộn ràng mừng lịch sử dân tộc sang trang mới”- NSƯT Kim Cúc kể lại.
VẪN TRUYỀN LỬA QUA GIỌNG ĐỌC
Không chỉ là “người được lịch sử lựa chọn” để đọc bản tin chiến thắng trong ngày giải phóng 30/4/1975, mà trước đó, trong suốt những ngày tháng cao điểm của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các bản tin chiến thắng được phát đi liên tục qua giọng đọc của bà đã trở thành những ký ức không thể nào quên.
Bà kể, mỗi khi có tin bắn rơi máy bay hoặc bắt được một tên địch, Bộ Tổng tham mưu lại thông báo cho các phóng viên đến nhận tin, chuyển đến đài và đọc luôn. Những bản tin ngắn “Xin mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi vừa mới nhận được…” được phát liên tục vào mỗi đầu giờ.
Mỗi bản tin được phát đi tuy chỉ chưa đầy 30 giây, nhưng chứa đựng trong đó là biết bao mong mỏi của hàng triệu con tim Việt Nam đang cùng một ý chí hướng về miền Nam ruột thịt. Và rồi sứ mệnh lịch sử đã chọn bà, đó không chỉ là niềm hạnh phúc, tự hào mà với bà cũng như hàng triệu trái tim được nghe tin chiến thắng qua giọng đọc của bà thời điểm đó và bây giờ cũng sẽ mãi không thể nào quên…
NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bà đã đọc rất nhiều bản tin. Ngoài bản tin chiến thắng lịch sử đến bây giờ vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, bà cũng rất ấn tượng với những bản tin đọc cho ngụy quyền Sài Gòn. Để có thể đọc chạm đến tâm can, tình cảm của “những người bên kia”, bà đã phải nhiều lần tiếp xúc với tù nhân Mỹ để tìm hiểu và để hiểu họ hơn.
Bởi mục đích tối thượng là truyền tải thông tin và cảm xúc vào những bản tin của mình, để những bản tin ấy “bắn thẳng vào trái tim” những người lính bên kia. Bà còn nhớ hình ảnh những người lính cầm dao còn lúng túng, chứng tỏ họ là những công tử được chiều chuộng nhưng vì số phận, họ buộc phải cầm súng…
Chính từ những quan sát và suy nghĩ này, mỗi khi đọc bản tin cho ngụy quyền, từng lời bà vang lên như thủ thỉ, tâm tình, khuyên nhủ… Nhiều “người lính bên kia” đã từng nói với bà rằng, mỗi khi nghe những gì bà đọc qua đài tiếng nói, họ đều muốn buông súng quay về.
Sau giải phóng miền Nam, thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam trên cả nước hẳn không thể quên được giọng đọc truyện đêm khuya của NSƯT Kim Cúc vào 22 giờ đêm. “Sau đây mời thính giả nghe chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam”. Câu nói ấy đã trở thành một phần ký ức của thế hệ 7x trở về trước.
Bây giờ, ở thất thập cổ lai hy, nhưng NSƯT Kim Cúc vẫn bận rộn với nghề phát thanh viên. Không chỉ giảng dạy thêm tại trường Đại học sân khấu Điện ảnh, bà cũng đi lại liên tiếp giữa hai miền Nam, Bắc để hướng dẫn, đào tạo nghề phát thanh. Bà chia sẻ, năng lượng để luôn có thể sáng tạo, hứng khởi mỗi ngày là niềm tin, niềm vui với cuộc sống, với nghề mình đã lựa chọn./.
PMC. BCHT.
Có thể là hình ảnh về 1 người

“TRƯỚC HẾT, QUÂN ĐỘI NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ ANH HÙNG. LÚC KHÁNG CHIẾN CÓ ANH HÙNG, SAO NAY LẠI KHÔNG CÓ ANH HÙNG? KHI KHÁNG CHIẾN ANH HÙNG CÁCH KHÁC... CÓ PHẢI KHÔNG CÓ CHIẾN TRANH THÌ QUÂN ĐỘI KHÔNG CÓ ANH HÙNG?”

 Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chuẩn bị Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua năm 1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số thiếu sót trong việc phong danh hiệu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua. Người khẳng định, một yêu cầu tất yếu là trong quân đội phải có anh hùng, anh hùng không chỉ trong thời chiến, mà trong thời bình cũng phải có, đó có thể là những người tham gia xây dựng quân đội vững mạnh, là những chiến sĩ không ngừng học tập, huấn luyện, sản xuất... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta còn làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, xây dựng quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, làm chủ các loại vũ khí, khí tài hiện đại, trình độ chỉ huy, tác chiến, nghệ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và chiến thắng trong điều kiện tác chiến địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giành thành tích cao nhất để ngày càng có nhiều gương anh hùng, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực công tác, xứng đáng với tình cảm và mong muốn của Bác đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
QĐND
Có thể là hình ảnh về đang đứng, ngoài trời và tượng đài

NGƯỜI NỮ TỬ TÙ CỘNG SẢN KHIẾN KẺ THÙ KHIẾP ĐẢM

 Năm 1947 khi mới 14 tuổi, chị Võ Thị Sáu gia nhập đội Công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với mong muốn trừng trị bọn ác ôn để trả thù cho đồng bào quê hương. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát, phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng, trong đó có vụ dùng lựu đạn giết một tên quan Ba Pháp.

Tháng 2-1950, chị không may bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì. Tháng 4-1951, địch đưa chị ra Tòa án binh. Địch khép chị phạm tội can dự vào các vụ “giết hại các nhà chức trách ở Đất Đỏ”. Tên đại tá quan tòa Pháp hỏi chị có nhận tội như cáo trạng không, chị không trả lời mà hỏi lại: “Là quan tòa, ông có thể kết tội những người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp không?”.
Tên quan tòa đứng dậy lắc chuông: “Bị cáo chỉ có thể trả lời có hoặc không”. Chị Sáu nói: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là tội”. Quan tòa lại rung chuông ngắt lời chị, luận tội Võ Thị Sáu can tội “giết người, phá rối trị an, có hành vi chống lại nền bảo hộ của nước Pháp” và tuyên án “tử hình, tịch thu toàn bộ gia sản”. Chị đã thét vào mặt y: “Tao còn mấy thùng rác ở Khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!”. Tiếp đó chị hô to: “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Bản án tử hình chị Sáu đã gây xôn xao dư luận đương thời, nhiều ý kiến phản đối lên Quốc hội Pháp. Đã có những tranh luận nảy lửa, cho rằng hành hình phụ nữ là trái với luật pháp nước Pháp và truyền thống văn minh Pháp. Có người lại sợ rằng, việc hành hình sẽ dẫn đến những hậu quả xấu là Việt Minh sẽ trả thù, bắn tù binh Pháp… Tuy nhiên cuối cùng thủ tướng Pháp nói: “Để thắng trong cuộc chiến tranh này, nước Pháp không từ một thủ đoạn nào”- một điều thật mỉa mai thay cho một đất nước từng có nền dân chủ, văn minh và luật pháp tiến bộ và mang danh “tự do, bác ái, nhân quyền” đi bảo hộ cho các nước thuộc địa!
Ngày 21-1-1952, tức chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Thìn, kẻ địch lén lút đưa chị Võ Thị Sáu lên tàu ra Côn Đảo - “địa ngục trần gian” để thi hành bản án. Ngay buổi sáng 22-1, Ban Chấp hành Liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo đã phổ biến chỉ thị của Liên đoàn về hình thức phản đối cuộc hành hình Võ Thị Sáu với nhiều hình thức mạnh mẽ và đồng loạt, bởi Võ Thị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo, là thiếu nữ bị bắt và bị kết án tử lúc còn tuổi vị thành niên.
Suốt đêm 22-1, trong khi bị giam tại xà lim Sở Cò Côn Đảo, chị Sáu đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: “Lên đàng”, “Tiến quân ca”, “Cùng nhau đi hùng binh”, “Tiểu đoàn 307”… Cũng trong đêm đó, Chi bộ nhà tù Côn Đảo đã kết nạp chị Sáu là đảng viên chính thức. Bốn giờ sáng ngày 23-1-1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án trước sự chứng kiến của chúa ngục Côn Đảo, một cố đạo nói với chị Sáu: “Bây giờ cha rửa tội cho con”. Chị gạt phắt lời cha cố: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội…”. Ông ta kiên nhẫn thuyết phục: “Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”. Chị nhìn ông ta và tên chánh án, trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước!”.
Hàng ngàn tù chính trị trong các khám đã thức suốt đêm, khi nghe thấy bước chân bọn đao phủ giải chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca - bài hát thời ấy dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.
Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị Sáu: “Còn yêu cầu gì trước khi chết?”.
Chị nói: “Không bịt mắt tôi. Hãy để cho tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng”.
Tên chánh án từ chối, với lý do là luật pháp đã quy định khi thi hành án tử hình.
Chị Sáu hỏi lại hắn: “Vậy ông không nhìn nhận rằng bản án tử hình áp dụng cho một người phụ nữ chưa đủ tuổi thành niên là một ngoại lệ của luật pháp nước Pháp sao?”.
Tên chánh án lúng túng cuối cùng nói: “Tất nhiên là có ngoại lệ, song tôi sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cô”.
“Không sao. Tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người” - chị Sáu dõng dạc nói, và bắt đầu cất cao tiếng hát. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ thiết tha bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình.
Khúc hát vừa dứt, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị nhìn thẳng vào bảy tên đao phủ cách chị mười thước và thét lớn:
“Đả đảo thực dân Pháp!”; “ Việt Nam độc lập muôn năm!”; “ Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Cuộc đời cách mạng cùng cái chết bất khuất ở tuổi đôi mươi của người con gái Đất Đỏ trở thành huyền thoại.
Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hy sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát.
(Trích thơ Phan Thị Thanh Nhàn- 1976)

THẦY GIÁO KÝ CAM KẾT: BỆNH VIỆN CỨ MỔ CHO HỌC SINH CỦA TÔI, MÁU KHÔNG THIẾU

 Lúc 13h45 phút, ngày 26/4, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận đã tiếp nhận một ca TNGT khá đặc biệt mà bệnh nhân là một học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tánh Linh. Nguyên nhân ban đầu do em tránh chiếc xe tải đi ngược chiều và tự tông vào chậu kiểng nhà dân bên đường. Người đưa em vào viện cấp cứu lại chính là thầy giáo Võ Văn Cư hiện đang dạy em ở trường.

Thầy Cư kể lại: Trên đường đi dạy, thấy có vụ tai nạn giao thông nên tôi ghé lại xem có ai là người quen hay học sinh của mình để chăm sóc. Bất ngờ thấy một học sinh nằm bên đường, có một số người dân đứng xung quanh lót cặp lên đầu cho em nằm. Nhìn em trên người lại không xây xát, trầy trụa gì nhưng mặt mày tái mét và thở rất mệt.
Mọi người nói chờ người thân xuống nhưng thấy em trong tình trạng nguy kịch, mặc dù đang có tiết dạy nhưng tôi vẫn quyết định nhờ một em học sinh khác ngồi sau để chở em đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa gần đấy. Bệnh viện nơi đây sơ cứu ban đầu và nói phải chuyển gấp đi Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cấp cứu nếu không em sẽ chết. Lúc này, người thân cũng không liên lạc được với ai, gấp quá tôi gọi xe cấp cứu chở em lên Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cách khoảng 50 km.
Các bác sĩ của bệnh viện nhanh chóng cấp cứu. Sau khi siêu âm, chụp X quang, bác sĩ chuyên khoa 2, Phó giám đốc bệnh viện, Hồ Ngọc Sơn chẩn đoán: "Em Hải bị vỡ gan, phải mổ để sơ cứu và cần có ngay từ 4 - 6 đơn vị máu. Có 2 phương án, một chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, hai là mổ tại chỗ. Nhưng, nếu chuyển viện vào Sài Gòn, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi. Nếu mổ tại đây thì hiện tại bệnh viện đang thiếu máu".
Để cứu học trò, thầy Cư đã không ngần ngại ký vào bản cam đoan chịu trách nhiệm thay cho cha mẹ em Hải chưa đến kịp. Thầy bảo: "Bệnh viện cứ mổ cho em. Tôi bảo đảm máu không thiếu". Lời nói chắc như đinh đóng cột này đã tạo động lực và niềm tin cho bác sĩ Sơn và cả ê kíp hôm ấy. Ngay lúc đó, thầy Cư nhắn thông tin cần máu để cứu giúp em Hải lên group giáo viên và báo cáo sự việc cho thầy Nguyễn Tấn Nha, Hiệu trưởng nhà trường biết.
Ngay lập tức, thông tin được phát đến tất cả thầy cô giáo và học sinh toàn trường. Thầy cô và học sinh có nhóm máu O, B đã tự nguyện lên xe nhà trường thẳng tiến bệnh viện để hiến máu cứu trò, cứu bạn. Bác sĩ, Hồ Ngọc Sơn và ê kíp đã hoàn tất ca mổ sau gần 2 giờ đồng hồ. Sáng ngày 27/4, bác sĩ Sơn đã vui mừng thông báo em Hải đã vượt qua cửa tử và hồi tỉnh.
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Hồ Ngọc Sơn nói rằng công việc của bác sĩ chỉ là công việc thường quy phải làm, là nhiệm vụ bình thường để cứu sống bệnh nhân. Điều đặc biệt ở đây là người thầy đưa đi cũng là người thầy cho máu. “Hồi hôm tôi đến thăm bệnh có 2 người thầy ngồi cả đêm với em. Sáng nay, vẫn có một cô với một trò đến viện tiếp tục cho máu”.
Được biết, gia đình em Nguyễn Thanh Hải khá khó khăn. Ba, mẹ làm thuê nhưng công việc cũng không ổn định. “Sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ vận động những nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm tiền viện phí cho em”, thầy Cư cho biết.
VTV
Có thể là hình ảnh về 1 người

NHỮNG NGÀY THÁNG 4 NĂM 1975.

 (Hồi ký: nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)

Sau một thời gian ngắn ở Trung ương Cục, đầu năm 1975 tôi được lệnh phải trở ra miền Bắc gấp để đi một chuyến công du nước ngoài. Lần này ra thì nhanh hơn, tuy có bị máy bay của Sài Gòn bắn hai lần. Nhưng cảnh tượng Trường Sơn lại đặc biệt nhộn nhịp.
Đổ vào chiến trường tấp nập ngày đêm rất nhiều xe thiết giáp, xe vận tải chở đạn…, và cuồn cuộn những đoàn quân nối tiếp nhau, những chiến sỹ còn rât trẻ từ các tỉnh phía Bắc đi ra chiến trường mà như đi trảy hội. Chiến dịch mùa Xuân 1975, trận cuối cùng của cuộc chiến 21 năm đang được ráo riết chuẩn bị.
Trên chiến trường, tương quan địch-ta thay đổi nhanh chóng, có lợi cho ta. Ở vùng tạm chiếm, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, đặc biệt trong giới trí thức tư sản , tôn giáo, kể cả giới Sài Gòn, nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và phân hóa đối phương. Mặt khác, sau khi ký Hiệp định Paris, với điều khoản "Mỹ phải rút hết quân, thành lập Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc ba thành phần" nhiều chính khách ở Sài Gòn, kể cả một số cựu bộ trưởng của Sài Gòn, nhân danh "lực lượng thứ ba" đã hoạt động rất tích cực. Tình hình quân sự và chính trị trong nước đều thuận lợi.
Vận động dư luận thế giới
Trước thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn trên các mặt trận, một số phần tử diều hâu ở Mỹ đã nói đến việc phải đưa quân trở lại để cứu đồng minh. Cần tố cáo ý đồ nguy hiểm đó của chúng. Cần làm rõ Sài Gòn không chịu thi hành Hiệp định Paris chính là vì Mỹ vẫn giúp đỡ họ kéo dài chiến tranh. Vận động dư luận thế giới lúc này là rất quan trọng. Tôi ra Hà Nội tháng 2/1975 liền được giao nhiệm vụ cùng ba đồng chí khác đi một số nước châu Âu và châu Phi để làm nhiệm vụ này.
Lúc đó tôi cũng chưa biết được thật rõ âm mưu của chính quyền Nixon, chỉ biết rằng theo chỉ thị của lãnh đạo phải thông báo cho bạn bè quan tâm, cảnh giác để khi cần thiết có thể ủng hộ chúng ta kịp thời. Qua nhiều tài liệu tiết lộ sau này, đặc biệt qua cuốn sách của Lary Berman Không hòa bình, chẳng danh dự (*), mới thấy rõ chính quyền Nixon không phải là không có ý đồ dùng B52 ném bom miền Bắc trở lại để cứu quân ngụy Sài Gòn đang rệu rã. Nhưng chúng đã không làm được việc đó: vụ bê bối Wartergate khiến Nhà Trắng rối bời, và quan trọng hơn nữa là thái độ của đa số nhân dân Mỹ thể hiện qua các ý kiến của các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ kiên quyết không tiếp tục cuộc chiến hao người tốn của và thất bại, bị cả thế giới lên án.
Tôi sang Pháp, gặp một số báo chí, từ đó liên lạc với các bạn ở Mỹ, Canada, Thụy Điển…, rồi sang Algérie. Gặp các bạn ở đây, họ hết sức vui mừng vì chiến dịch mùa Xuân đã bắt đầu và Quân giải phóng tiến như chẻ tre. Các bạn Algérie nói: Chúng tôi theo dõi trên bản đồ, thấy mỗi ngày Quân giải phóng giải phóng một tỉnh, nhưng sau rồi các chiến sỹ của các bạn đi quá nhanh, chúng tôi không còn theo kịp nữa!
Khi quân ta bắt đầu tấn công Buôn Ma Thuột, bắt đầu chiến dịch mùa Xuân 1975, tôi hiểu rằng Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai năm 1975-1976, sau chiến thắng Phước Long, đặc biệt sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị quyết định nắm thời cơ chính thức mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Trên mặt trận ngoại giao
Trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam (CPLTCHMN) liên tiếp thu được thắng lợi lớn. Trước những chiến thắng dồn dập của quân dân ta, dường như nhiều chính phủ đã thấy cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ sớm thắng lợi nên họ đã nhanh chóng công bố công nhận ngoại giao CPLTCHMN. Đến ngày thống nhất đất nước, CPLTCHMN được 65 nước công nhận ngoại giao.
Sau Algérie, biết có một hội nghị lớn của các nước châu Phi (OUA) sắp họp tại Tanzania, chúng tôi bay đến đó, đề nghị với các bạn cho tôi phát biểu tại hội nghị vì có tình hình quan trọng muốn được thông báo. Theo quy chế của OUA không ai được phát biểu tại hội nghị này ngoài các nước châu Phi. Tôi năn nỉ các bạn nước chủ nhà Tanzania. Cuối cùng bạn đồng ý khi bàn hết các vấn đề của hội nghị, sẽ cho tôi 15 phút.
Tôi và đồng chí Lê Mai ngồi từ 6 giờ chiều đến mãi 5 giờ sang hôm sau mới được phát biểu. Không ăn không uống cả một đêm, đến khi lên diễn đàn, cổ tôi như nghẹt lại, nói gần như không ra tiếng. Nhưng chúng tôi đã đạt được yêu cầu: thông báo được tình hình đang diễn ra ở Việt Nam và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn nguy cơ Mỹ đưa quân trở lại. Đến ngày 15/4, chúng tôi nhận được điện trong nước gọi về ngay. Không đủ tiền mua vé về nước và ở Tanzania chưa có Đại sứ quán Việt Nam. Chúng tôi đành đến Đại Sứ quán Trung Quốc yêu cầu giúp đỡ, và đã được đáp ứng nhiệt tình.
Về đến Hà Nội, ta đã giải phóng Đà Nẵng, đại quân đang tiến về Sài Gòn. Tôi được chỉ thị vào Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và nhiều vị khác của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã có mặt ở đây. Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CMLT) ra nhiều tuyên bố quan trọng và đón tiếp một số đoàn quốc tế và các nhà báo.
Thành phố Đà Nẵng vừa mới được giải phóng, nhân dân từ Quảng Trị,Thừa Thiên, Quảng Ngãi dồn về đông nghịt, nhưng chỉ vài ngày sau, trật tự đã được thiết lập và bộ máy chính quyền mới đã hoạt động đàng hoàng.
Sài Gòn được giải phóng!
Tối 29/4/1975, tôi đang tiếp vợ chồng nhà sử học Mỹ Gabriel và Joyce Kolko thì đài Giải phóng ra lời kêu gọi chính quyền và quân đội Sài Gòn đầu hàng. Tôi nghe mà xao xuyến. Vợ chồng nhà sử học Mỹ cảm động, ứa nước mắt. Chúng tôi cầm tay nhau, siết chặt. Thế là ngày hôm sau - 30.4, việc phải đến đã đến! Sài Gòn được giải phóng! Như một tin sét đánh! Các đài, thông tấn báo chí thế giới đều đưa tin: Sài Gòn thất thủ! "Việt cộng" đã chiến thắng! Nhân dân cả nước đổ ra đường, ôm nhau mà khóc, những giọt nước mắt vui sướng! Đây là kết quả tất yêu của sự hy sinh của cả dân tộc, là thành quả huy hoàng và công lao chung của cả dân tộc, từ các lực lượng vũ trang, các lực lượng chính trị hoạt động công khai hoặc bí mật, từ những em bé dẫn đường đến bà con mọi tầng lớp, những người anh hung có tên tuổi và triệu triệu người vô danh. Không ai có thể nói phần này do anh, phần này do tôi. Và trong lúc này,tôi lại nghĩ đến vai trò của hậu phương lớn, miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Gọi hậu phương mà cũng là tiền phương. Nhớ có lần đến thăm các bạn Palestine trong các trại tị nạn, gặp lãnh tụ Yasser Arafat , mọi người đều hỏi nhờ đâu mà Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi đều trả lời: " Có ba điều: Chúng tôi có Hồ Chí Minh, lãnh tụ xuất chúng của Việt Nam đã suốt đời phục vụ sự nghiệp đấu giành độc lập, tự do cho đất nước; chúng tôi có sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ; và chúng tôi có cả miền Bắc, một nửa đất nước xã hội chủ nghĩa làm hậu phương lớn vững chắc." Các bạn Palestine liên hệ với tình hình của mình, thấy đúng những điểm đó là chỗ yếu của các bạn.
Chiến thắng hoàn toàn và nhanh chóng của Việt Nam đã làm cho cả thế giới vui mừng và kinh ngạc. Theo tôi hiểu, ngay cả Liên Xô và Trung Quốc, hai bạn chí cốt của Việt Nam có lẽ cũng bất ngờ. Trung Quốc từng khuyên ta nên " trường kỳ mai phục" vì địch rất mạnh. Liên Xô thì lo ta không đủ sức chiến thắng, có thể chiến tranh lan rộng, làm tình hình thế giới thêm phức tạp. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến đấu kiên cường, anh dung của nhân dân Việt Nam và thắng lợi cuối cùng của chúng ta đã góp phần làm cho vị thế của phe xã hội chủ nghĩa lúc đó lên cao trên trường quốc tế. Chúng ta tự hào đã cổ vũ lòng tự tin, quyết tâm của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Chúng ta cũng không bao giờ quên trong thắng lợi vĩ đại của Việt Nam có sự đóng góp to lớn, quý báu, không thể thiếu được của nhân dân các nước Xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Và chúng ta biết mở đầu chiến tranh, tiến hành chiến tranh cực kỳ anh dũng và thông minh, thì cũng biết cách kết thúc chiến tranh thật tuyệt.
(Trích từ cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, Nxb Tri Thức)
Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người

ĐẤT MẸ MỞ RỘNG VÒNG TAY ĐÓN CHÀO

 <Quê Choa>

“Không ai bị bỏ lại phía sau” đó là quan điểm rõ ràng của Chính phủ Việt Nam cùng đồng hành với người dân Việt Nam đang ở trong nước và cả những người sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tình hình dịch Covid 19 ngày càng bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã tích cực, nỗ lực dập dịch ở trên mọi trận tuyến với sự vào cuộc của bộ máy từ trung ương đến cơ sở để dịch Covid 19 không lây lan trong cộng đồng, với các đợt dịch ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, các quy trình khoanh vùng, dập dịch đã được thể hiện đồng bộ, dứt khoát và kịp thời đã góp phần quan trọng vào công tác chống dịch.
Mặc dù, số đối tượng chống đối chính trị, phản động vẫn bày tỏ các quan điểm bất đồng với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí còn có những thông tin cho rằng Việt Nam độc đoán trong việc dập dịch, không đảm bảo các quyền tự do của người dân, không đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yêu của người dân trong các đợt dịch... nhưng đó là quan điểm của những kẻ ngoài cuộc, chống đối. Còn người dân Việt Nam thì những gì mà chính quyền đã nỗ lực chống dịch Covid 19 trong thời gian vừa qua là niềm tin, đó là niềm tự hào về một đất nước mặc dù đang phát triển nhưng bản lĩnh, khả năng phòng, chống dịch còn hơn gấp nhiều lần các quốc gia giàu có, minh chứng cụ thể cho điều này được thể hiện qua con số người bị nhiễm Covid 19, số ca tử vong đến thời điểm hiện tại.
Bối cảnh dịch Covid 19 với những biến thể mới lây lan nhanh trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Ấn Độ, Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng đưa tất cả người Việt từ Ấn Độ về nước để đảm bảo sự an toàn tính mạng cho đồng bào. Với hơn 1000 Việt Nam sinh sống, làm việc tại Ấn Độ họ đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid 19 là rất lớn, với tình hình căng thẳng do hệ thống chăm sóc y tế của Ấn Độ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn thì giải pháp đưa đồng bào về với quê hương là đảm bảo sự chắc chắn nhất. 6 chuyến bay đưa gần 1000 người Việt về nước, nay chỉ còn khoảng 100 người ở lại đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ Việt Nam, thể hiện sự đồng hành cùng người dân để giúp đỡ họ trong lúc khó khăn.
Sự cố gắng, nỗ lực đồng hành của Chính phủ Việt Nam đối với người dân đó là câu trả lời “Đắt” cho tất cả những kẻ phản động, chống đối luôn tuyên truyền, xuyên tạc về công tác chống dịch ở Việt Nam. Có lẽ rằng, sau tất cả những gì mà người dân nhận được thì niềm tin của họ đối với chính quyền ngày càng đủ lớn để đánh bay tất cả những hoài nghi bởi sự lừa bịp, dối trá của những kẻ phản động, chống đối chính quyền.
Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng