Ngày 23/5/2021 tới đây, một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng sẽ diễn ra đó là Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (gọi chung là Cuộc bầu cử). Những ngày này, trên khắp cả nước, không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử khẩn trương và được tiến hành dân chủ, chặt chẽ, bài bản, đúng quy trình. Đặc biệt, mong muốn và cũng là nguyện vọng chung của cử tri là lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài, toàn tâm vì đất nước.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện-cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Vì thế, mỗi cử tri cần phát huy quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc bầu cử, thể hiện trên những phương diện cụ thể sau:
Trước hết, mỗi cử tri cần nắm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử. Đó là, góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, mỗi cử tri cấn hiểu biết được quyền và trách nhiệm của công dân khi tham gia bầu cử; nắm bắt được các quy định, quy trình, thời gian triển khai công tác bầu cử để tích cực tham gia bầu cử, lựa chọn được những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Mỗi lá phiếu của cử tri chứa đựng tâm tư, tình cảm và niềm mong mỏi của nhân dân lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Kiên quyết không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và lập nhiều thành tích chào mừng Cuộc bầu cử.
Thứ tư, trước, trong và sau Cuộc bầu cử, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị sẽ tăng cường các hoạt động chống phá, xuyên tạc Cuộc bầu cử. Mỗi cử tri cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước.
Để Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực sự là Ngày hội của toàn dân, mỗi cử tri hãy phát huy cao nhất trách nhiệm của mình, góp phần thực hiện thành công Cuộc bầu cử, chung tay, góp sức xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét