Có bạn gửi cho tôi link bài viết của một blogger, xong rồi bạn nhắc lại lại câu hỏi – rằng: “Người Mỹ luôn muốn quên và hạn chế nhắc lại cuộc chiến tại Việt Nam vì 53 ngàn người Mỹ đã ra đi, đó là sự mất mát quá lớn và kinh khủng với người Mỹ. Vậy tại sao người Việt Nam lại luôn muốn con cháu ghi nhớ cuộc chiến đã khiến hàng triệu người Việt thiệt mạng?”
Bạn hỏi vì sao vậy?
Tôi nghĩ rất đơn giản thôi, xét trên tâm lý học thì kẻ thủ ác khi ăn năn, luôn muốn quên đi quá khứ tội lỗi, để bản thân không mãi chìm trong ác mộng. Ở chiều ngược lại, con người chúng ta luôn có xu hướng nhớ lại một thời kỳ vàng son oanh liệt, bất kể là bi tráng hào hùng thì đều cần khắc cốt ghi tâm câu "ân đền oán trả phân minh". Chưa nói đến yếu tố lịch sử, văn hóa giữa một bên là “Hợp chủng quốc”, với một bên là một dân tộc “bốn ngàn năm văn hiến”, thì khác nhau cơ bản đó là về tính chính nghĩa.
Có người lại nói, người Mỹ có ngày Chiến sĩ trận vong để tưởng nhớ những binh lính đã hy sinh cho nước Mỹ. Rồi có ngày Cựu chiến binh nhằm vinh danh tất cả những cựu chiến binh từng cống hiến cho quân đội Mỹ, bất kể còn sống hay tử vong. Vậy tại sao người Mỹ lại cố tình muốn lãng quên cuộc chiến tranh ở Việt Nam?
Xin thưa: Những ngày lễ vinh danh giả tạo, những ngày tưởng niệm dối trá gì đó tất cả để che mắt thế gian, ngụy biện cho những cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô đạo đức mà người Mỹ (Hoa Kỳ) đã tạo ra. Bạn không thể biết tự hào, nếu như không có truyền thống. Bạn không thể hiên ngang ngẩng cao đầu nếu như quá khứ toàn là tội ác.
Trong suốt mấy trăm năm tồn tại và phát triển, Hoa Kỳ đã khơi mào ra hàng trăm cuộc chiến tranh, tất cả đều là phi nghĩa, hoặc ít nhất không mang động cơ tốt đẹp. Vậy người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có gì để mà tự hào, có gì để mà tưởng nhớ các cuộc chiến tranh phi nghĩa của họ? Tự hào vì đã diệt chủng hàng triệu người da đỏ để cướp đất của họ, tự hào vì đã xâm lược nhiều quốc gia nhỏ yếu và tàn sát hàng triệu người dân vô tội ư?
Việt Nam chúng ta thì lại khác, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta.”
Sai lầm tệ hại nhất của Mỹ là: Mỹ đã vì lợi ích mà “bất chấp” hay “vô tình” đối đầu với một dân tộc có truyền thống chống giặc ngoại xâm quật cường, anh dũng “thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Vậy nên chúng ta đã thành công “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, Nói như cụ Nguyễn Trãi: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có. Việt Nam chúng ta có thể nghèo, nhưng dân tộc này chưa bao giờ hèn yếu. Vậy nên, chúng ta thà “đốt cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành được độc lập” như lời hiệu triệu non sông của Hồ Chủ tịch vĩ đại.
Và thế là suốt 30 năm trường chinh gian khổ, những người Bộ đội Cụ Hồ kiên cường đã hành quân hàng chục km trong đêm tối chỉ bằng sức của một bát cơm, đã sẵn sàng cống hiến cả đời người chỉ bằng vào niềm tin tất thắng. Bao nhiêu máu xương đã đổ, thật nhiều nước mắt đã rơi. Ngàn người đã ngã xuống và triệu người lại tiếp tục vùng lên, tất cả chỉ để cho chúng ta có được cuộc sống tự do, hòa bình như thế này đấy các bạn ạ!
Có người lính
Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo
Việt Nam ơi! Việt Nam!
Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Việt Nam ơi! Việt Nam!
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn.
Trận chiến năm xưa đã kết thúc từ lâu, những thế hệ Việt Nam sinh ra từ sau thời khắc đó cũng đã trở thành lứa trung niên, cũng như không thể đếm hết những người lính đã hóa thân vào đất đai, cây cỏ, núi sông của Tổ quốc chúng ta...
Đất nước Việt Nam giờ đã thanh bình, không còn những cảnh chia li, không còn những giọt nước mắt đau thương... Nhưng ở phía chân trời xa ấy, “màu hoa đỏ” vẫn ngời lên như màu của lửa để nhắc nhớ thế hệ mai sau hiểu hơn về giá trị của bình yên hôm nay.
Có bạn lại hỏi, nhớ để làm gì?
Nhớ, không phải là để nuôi dưỡng lòng hận thù, nhớ để trân trọng quá khứ, để mai này chúng ta có thể tha thứ chứ không được phép lãng quên.
Bao năm qua, chiến tranh đã lùi xa, bom đạn đã nằm yên trong quá khứ… nhưng mỗi “Mùa hoa đỏ” về, tôi vẫn xin nhắc lại cùng các bạn, nhắc để nhớ rằng: “Tự do, hòa bình không phải dễ, có được bây giờ cố gắng mà giữ.”
Hòa bình độc lập mà có dễ thế, thì hàng triệu anh linh đã hi sinh trong 9 năm đánh Pháp, và 20 năm đánh Mỹ và tay sai là trò đùa hay sao? Hòa bình độc lập mà dễ thế, thì những câu chuyện về một thế hệ “gan vàng dạ ngọc”, sẵn sàng hy sinh tất cả để trả về non sông một dải gấm hoa là bịa đặt hay sao?
Nhưng liệu lớp trẻ bây giờ, có phải ai cũng đều biết nhớ về công ơn của họ. Không, xã hội này luôn có những đứa trẻ ích kỷ và vô ơn, chúng hoàn toàn không biết nhớ. Rồi một mai những cựu chiến binh cuối cùng ấy trở về đất mẹ, người ta sẽ nhìn nhận về cuộc chiến năm xưa thế nào đây? Liệu còn mấy ai biết nhớ về “màu hoa đỏ” với ký ức một thời rực lửa của dân tộc, những câu chuyện về lòng hi sinh, về sự quả cảm của tuổi trẻ, và cả sự mất mát chia ly.
Nên nhớ rằng, hòa bình độc lập có được ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng biết bao máu xương của thế hệ cha anh đi trước, lớp cháu con phải biết trân trọng để cố mà giữ gìn. Như lời của anh hùng LLVT, liệt sỹ Vũ Xuân: “Tôi chỉ mong một câu nói mãi vang bên tai thế hệ mai sau là: đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.
Ce: Đạo sĩ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét