Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

NHỚ ĐỂ LÀM GÌ?

 Nãy mình có tìm kiếm những bài viết chủ đề chiến tranh Việt Nam trên Quora, có một người nước ngoài đặt câu hỏi: “Người Mỹ luôn muốn quên và hạn chế nhắc lại cuộc chiến tại Việt Nam vì 53 ngàn người Mỹ đã ra đi, đó là sự mất mát quá lớn và kinh khủng với người Mỹ. Vậy tại sao người Việt Nam lại luôn muốn con cháu ghi nhớ cuộc chiến đã khiến hàng triệu người Việt thiệt mạng?”.

“Gần 20 ngàn lính Mỹ đã chết tại Việt Nam, đó là nguyên nhân lớn nhất khiến người Mỹ phát động phong trào phản chiến vào những năm 1960. Cùng thời điểm đó, đã có hàng trăm ngàn lính Bắc Việt hy sinh. Tôi tự hỏi rằng, liệu có phong trào phản chiến nào diễn ra tại Bắc Việt không? Thật lạ là không. Họ có những cuộc biểu tình chống Mỹ và chính quyền VNCH, nhưng không hề biểu tình phản chiến, không người dân nào muốn rút quân khỏi miền Nam. Họ, những người lính và cả người nhà của họ, như những con thiêu thân lao đầu vào lửa vậy”.
Người Mỹ có lãng quên những chiến công của những người lính Mỹ tại Nội chiến Mỹ, tại hai cuộc Thế chiến không? Câu trả lời là không. Người Mỹ có ngày Chiến sĩ trận vong - tưởng nhớ những binh lính đã hy sinh cho nước Mỹ, và ngày Cựu chiến binh - vinh danh tất cả những cựu chiến binh từng cống hiến cho quân đội Mỹ, bất kể còn sống hay tử vong. Thực tế, người Mỹ chưa từng quên cuộc chiến tại Việt Nam, mà người Mỹ hạn chế và không muốn nhắc lại mà thôi.
Trên Vietnam War Stories có một bình luận nói sự sự “chênh vênh” trong thái độ của người Mỹ khi nhắc đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam: “Người Mỹ đứng giữa một lằn ranh mong manh rằng, trong hai cuộc Thế chiến, họ chiến đấu để bảo vệ người dân Mỹ, đem lại nền hòa bình cho thế giới. Vậy còn tại Việt Nam thì sao? Họ đến đó làm gì, khi không có người Việt nào đe dọa người Mỹ, họ đến đó tiêu diệt ai, khi không có bất cứ máy bay hay tàu chiến Việt Nam nào bắn vào nước Mỹ - như người Nhật từng làm tại Trân Châu Cảng. Lãnh đạo của họ, Hồ Chí Minh, nhiều lần đến Mỹ và mong muốn người Mỹ ủng hộ cho nền hòa bình của họ, còn chúng ta đã đáp lại như thế nào? Bằng việc vượt Thái Bình Dương, nã súng vào người dân của họ…”
“Năm 1945, nhân dân Việt Nam tuyên bố nền độc lập của mình... Họ được Hồ Chí Minh lãnh đạo. Dù họ đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ vào bản Tuyên ngôn độc lập của họ, chúng ta vẫn từ chối công nhận họ. Thay vào đó, chúng ta quyết định ủng hộ Pháp trong việc tái chiếm thuộc địa cũ... Chúng ta đã bác bỏ một chính phủ cách mạng đang đi tìm quyền tự quyết, một chính phủ được thành lập bởi chính những lực lượng bản xứ…” - mục sư vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ, người truyền cảm hứng, lãnh đạo phản chiến Martin Luther King.
Sau khi Martin Luther King mất do bị ám sát, nhiều người Mỹ đã xuống đường đấu tranh “viết tiếp một giấc mơ đang dang dở” của ông. Bấy giờ, người Việt cũng có “một giấc mơ đang dang dở”, khi mà Việt Nam chưa thống nhất, và người Việt sẵn sàng đánh đổi tất cả để hoàn thành giấc mơ ấy.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng: “Chúng ta sẽ không ngừng việc tìm kiếm cho đến khi 1253 binh lính Mỹ mất tích được trở về nhà”. Tại Việt Nam, còn khoảng 300 ngàn quân nhân mất tích, chưa được quy tập, một nỗi đau mà không có một quốc gia khác ngoài Việt Nam phải trải qua.
Tại đài tưởng niệm chiến tranh ở Washington, người Mỹ làm một bức tường đen ghi tên 5800 binh lính Mỹ thiệt mạng, mất tích tại Việt Nam. Nhưng các bạn biết không, nếu cần một bức tường như thế ghi tên những người lính và cả dân thường Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh, thì bức tường đó sẽ dài khoảng 15 cây số.
Tại sao người Việt Nam “nhớ” chiến tranh? Vì phần đông những gia đình ở Việt Nam đều có những tấm di ảnh tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh vì chiến tranh. Vào những ngày đặc biệt, người Việt thường làm cơm, lau dọn bàn thờ, nhắc nhở con cháu về những con người ấy, những con người mà khi ra trận, họ gần như biết rằng sẽ khó có thể mà trở về được.
Tại sao người Việt Nam phải “nhớ” chiến tranh? Như Cựu Tổng thống Bill Clinton từng nói: “Dù là người Mỹ hay người Việt Nam, tôi nghĩ rằng chúng ta đều mong muốn được biết về nơi mà những người thân yêu của chúng ta đã nằm xuống. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều muốn được tưởng nhớ họ và thăm viếng nơi an nghỉ của những người thân yêu”.
Tại sao người Việt cần “nhớ” chiến tranh? Vì đã xuất hiện những câu chuyện xét lại lịch sử, như những người Ukraine từng tạt nước những người lính Hồng quân từng tham gia giải phóng Ukraine và từ chối nói về cuộc chiến “Vệ quốc vĩ đại”. Khi nhìn những hình ảnh ấy, người ta lo ngại rằng, liệu có xuất hiện một bộ phận người Việt, sẽ ném trứng, giật đổ những tượng đài tưởng niệm, những ngôi mộ của những quân nhân Việt Nam đã hy sinh hay không?
Chiến tranh, dù vì bất cứ nguyên nhân nào, cũng sẽ gây ra những bi kịch… Nhưng người Việt chấp nhận bi kịch ấy, cho Tổ Quốc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, như mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bích: “Tôi mất đi năm người con, nỗi đau là rất lớn nhưng vô cùng vẻ vang. Con của tôi và của nhiều người mẹ khác đã góp phần tạo nên niềm vui thống nhất đất nước".
“Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn…” - Bức thư gửi những người đang sống của Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
“E pluribus unum” - từ rất nhiều đến một, là một phương châm sống của nước Mỹ, có nghĩa là mỗi người đều góp phần tạo dựng lên quốc gia. Với công cuộc Thống nhất đất nước vĩ đại, hàng triệu người Việt đã chiến đấu, dù còn sống hay ngã xuống, thì họ đều phải được ghi nhận, không ai bị quên lãng, không có gì bị lãng quên.
---
Phục chế màu bởi FB Tri Minh Duong
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng, ngoài trời và văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét