Là một sinh viên Việt Nam được Chính phủ Hoa Kỳ cấp học bổng du học tại Mỹ, nhưng ngay trên đất Mỹ, Nguyễn Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động, yêu cầu nhà cầm quyền Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, rút hết quân đội về nước.
Ngọn lửa anh thắp lên khiến giới cầm quyền hiếu chiến Mỹ lo sợ và bày mưu sát hại anh. Ngày 30-4-2010, Nguyễn Thái Bình đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Đều là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng miền Đông, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi đi theo cánh quân phía đông, còn Trọng Ân (sau này trở thành Phó giáo sư, giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; đã nghỉ hưu) thì bám theo đội hình đánh vào phía tây bắc Sài Gòn. Tôi còn nhớ, khi bước vào căn phòng làm việc của tướng ngụy Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18 ngụy tại sở chỉ huy, quạt trần vẫn quay, giấy tờ rải trắng nền nhà bay như bươm bướm do bị gió quạt thổi. Trên bàn làm việc, chiếc đài bán dẫn vẫn ọ ẹ nói, quyển lịch bàn ghi đến ngày 18 với dòng chữ “áp lực cộng quân phía đông rất mạnh”. Chiếc gạt tàn đựng đầy mẩu thuốc lá, một cái tàn thuốc dài như xác con sâu nằm vắt trên đó. Viên tướng trẻ này trước khi vội vã lên trực thăng chạy về Sài Gòn lo cuống đến mức châm thuốc mà không còn tâm trí để hút. Rời khỏi nơi đó, tôi lại theo đoàn quân hành tiến tiếp. Cái không khí nóng bỏng trên suốt chặng đường với bao hy sinh mất mát, người chết, xe pháo bị cháy... thôi thúc, nên khi cuộc chiến vừa kết thúc, tôi muốn ngay tức khắc ngồi vào bàn, mặc phố phường Sài Gòn người người đang reo mừng chiến thắng.
Vào tiếp quản Sài Gòn, tôi và Trọng Ân vội tìm một nơi yên tĩnh để ngồi viết. Nơi chúng tôi đến tá túc là nhà anh Hưng, chị Liên trong cư xá Ngân hàng bên kia cầu Tân Thuận. Anh Hưng là lao động tự do, chị Liên làm ở Ngân hàng Thương tín Sài Gòn, sáng sáng vẫn áo dài đồng phục chạy xe đi làm, cả hai đều khoảng hơn 40 tuổi. Anh chị rất vui và có chút tự hào với bà con xung quanh khi trong nhà xuất hiện hai chú bộ đội nhà báo. Họ dành cho chúng tôi căn phòng trên tầng hai, yên tĩnh, thoáng mát và lo cơm nước chu đáo những ngày lưu lại đó. Qua câu chuyện, chúng tôi biết anh chị chủ nhà cũng như người dân Sài Gòn ngày đó rất quan tâm tới cái chết của sinh viên Nguyễn Thái Bình và tuyên ngôn đầy khí phách trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Nixon: “... Hiện nay quả bom duy nhất của tôi là trái tim tôi. Trái tim này có thể nổ vì tôi chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa, để kêu gọi tình thương yêu, để khôi phục niềm tin của con người vào công lý”.
Nguyễn Thái Bình sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, cha anh làm thư ký cho Công ty Thương cảng Sài Gòn, mẹ anh là giáo viên tiểu học bỏ nghề. Tư chất thông minh, Nguyễn Thái Bình học rất giỏi, thi đậu cùng lúc vào 4 trường đại học, trong đó có những trường yêu cầu rất cao như: Trường y, trường dược, nhưng anh lại chọn học trường nông lâm súc với mong muốn trở thành một chuyên gia đem vốn liếng học được giúp đỡ những người nông dân, chia sẻ khó khăn với họ. Thành tích học tập nổi bật, Nguyễn Thái Bình được cấp học bổng du học Mỹ. Sau một năm học tại Đại học Cộng đồng Fresno (California), anh được chuyển đến Đại học Washington và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất tại đây. Mùa hè năm 1970, Nguyễn Thái Bình về nước, anh có dịp đi đến một số vùng nông thôn miền Nam, trực tiếp chuyện trò với người dân. Anh nhận ra rằng, người Mỹ đưa quân sang Việt Nam để duy trì sự đàn áp. Cùng chính quyền ngụy, họ đẩy người dân vào cảnh bần cùng, đem bom đạn tàn phá, giết hại những người yêu nước muốn mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.
Trở lại trường học, Nguyễn Thái Bình từ chối mọi lời mời gọi lợi danh, quyết dấn thân vào con đường đấu tranh, công khai vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Nixon trước trí thức và người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình. Anh đã vận động, cùng các du học sinh khác tổ chức những cuộc xuống đường biểu tình phản đối sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Cùng với 9 sinh viên, ngày 10-2-1972, anh đã đột nhập chiếm giữ tòa lãnh sự của chính quyền ngụy tại New York, yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức và quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện. Ngày 19-5-1972, giữa thủ đô nước Mỹ, anh đã cùng một số sinh viên yêu nước tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự ngỡ ngàng, cay cú của chính quyền địa phương.
Coi Nguyễn Thái Bình là một thanh niên mang trong mình dòng máu Việt Cộng, sẽ là “mầm mống” cho phong trào đấu tranh phản chiến đã và đang ngày càng lên cao ở Hoa Kỳ, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cắt học bổng, buộc Nguyễn Thái Bình phải về nước. Ngày 2-7-1972, trên chiếc máy bay của Hãng hàng không Pan Am (Pan American World Airways) từ Washington về Sài Gòn, người sinh viên yêu nước Nguyễn Thái Bình cảm nhận điều bất an sẽ đến với mình. Thực ra không phải đến lúc này mà ngay khi từ Việt Nam trở lại nước Mỹ để tiếp tục chương trình học tập, tổ chức những buổi diễn thuyết tố cáo tội ác của quân đội Mỹ và dẫn đầu nhiều cuộc đấu tranh xuống đường, Nguyễn Thái Bình biết anh sẽ không tránh khỏi sự trả thù hèn hạ của những kẻ cầm đầu bộ máy chiến tranh nước Mỹ, nhưng anh không lùi bước. Và bây giờ là lúc chúng thực hiện âm mưu đen tối đó. Trong khi máy bay hạ cánh tiếp dầu ở đảo Guam, anh đã viết vội lá thư cho ba má: “Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cuộc sinh ly hay tử biệt này... Suốt mấy năm qua, con giằng co tâm não, để cuối cùng chọn con đường chông gai, khổ nhọc này và con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc. Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu. Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo, con có hy sinh thì cái chết này không phải là sự chấm dứt mà là sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai. Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ... Con yêu của ba má. Anh của các em thương. Nguyễn Thái Bình”.
Khi chiếc máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thái Bình đã bị một tên Mỹ mặc thường phục cùng đi trên chuyến bay xáp tới khống chế, nổ liên tiếp 5 phát súng ngắn từ phía sau lưng. Để che đậy cho hành động tội ác này, chúng đã vu cho anh là không tặc định cướp máy bay. Tin Nguyễn Thái Bình bị sát hại đã dấy lên phong trào đấu tranh phản đối chính quyền Nixon của sinh viên các trường đại học Mỹ và trên khắp miền Nam Việt Nam suốt nhiều tháng. Nhiều nhân vật có uy tín trên thế giới cũng không tiếc lời lên án những kẻ đã gây nên thảm kịch đó. Giờ đây, giữa Sài Gòn, tôi và Trọng Ân, ngoài câu chuyện của người dân còn được đọc các bài tường thuật trên các báo: Tin sáng, Công luận... về sự hy sinh anh hùng của người thanh niên, sinh viên yêu nước mà chúng tôi từng ngưỡng mộ.
Một buổi trưa, tôi và Trọng Ân quyết định đến thăm ba má Nguyễn Thái Bình. Không khó lắm, bởi cái chết của anh đã làm cả Sài Gòn sửng sốt và rơi nước mắt. “Dạ thưa... mấy chú tìm ai?”-dì Ba, mẹ Nguyễn Thái Bình đón chúng tôi bằng câu hỏi. “Dạ, chúng con là bộ đội Giải phóng quân đến thăm gia đình ạ”-Trọng Ân đỡ lời. Trong căn nhà đồ đạc rất đơn sơ của cư xá Thương cảng Sài Gòn, thuộc khu lao động xóm Chiếu, quận 4, bà tiếp chúng tôi với tình cảm thân mật, như người thân lâu ngày gặp lại. Ba anh và cả mấy người em đi vắng. Tuy hơi bất ngờ, song sự có mặt của chúng tôi lại làm bà như vui hơn. Bà kể cho chúng tôi nghe về người con trai rất đỗi yêu quý của mình, cung cấp cho chúng tôi tất cả những gì bà có liên quan tới anh. Hàng loạt bài báo trong và ngoài nước, những bức ảnh nói về thành tích học tập và hoạt động yêu nước của Nguyễn Thái Bình trên đất Mỹ. Đó là những tài liệu quý giúp chúng tôi hiểu thêm về anh. Tôi nhận ra trong giọng nói và cả trên gương mặt người mẹ ấy, ẩn sau sự tự hào là nỗi đau không gì có thể bù đắp. Dù thời gian qua đi đã mấy năm nhưng nỗi đau như vẫn còn đó. Vâng, đúng vậy, vinh quang và nỗi đau không bao giờ trở thành quá khứ. Chúng tôi lưu ý bà chỉ trao những tài liệu đó cho người có trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Sau này, bà đã trao lại cho một bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh.
Trước khi đến đây, chúng tôi đã xin đơn vị quân đội quản lý kho lương thực gần nhà một bao gạo 50kg xuất khẩu làm quà. Ở một thành phố mấy triệu dân như Sài Gòn, những ngày đầu giải phóng, đời sống sinh hoạt, trong đó có lương thực, không hề đơn giản. Nhất là với một gia đình nhiều miệng ăn, lại chỉ dựa vào suất lương duy nhất của chú Hai (bố Nguyễn Thái Bình) thì khó khăn như nhân lên. Nhưng khi thấy tôi và Trọng Ân ra xe khiêng bao gạo vào, dì Ba không dám nhận. Bà bảo trong thành phố nhiều gia đình còn phải ăn đong từng bữa, vả lại đấy là “tài sản” của chính quyền cách mạng, để phân phối cho những người xứng đáng hơn. Gia đình bà tuy khó khăn, song vẫn tự lo được. Giải thích rồi năn nỉ, năn nỉ rồi giải thích, cuối cùng bà đồng ý nhận nhưng đề nghị chúng tôi viết giấy chứng nhận “quà cứu trợ của chính quyền cách mạng chứ không phải đồ đi hôi hoặc giựt dọc”. Chúng tôi hiểu, trong cảnh nhốn nháo, tranh tối tranh sáng của thành phố vừa giải phóng, nhiều kẻ lợi dụng đục nước béo cò. Sự phòng xa của bà là điều dễ thông cảm và đáng trân trọng.
Ngoài trời nắng như đổ lửa, một buổi trưa Sài Gòn đáng nhớ trong cuộc đời cầm bút của tôi. Hiện nay, tại Long An- quê hương anh và TP Hồ Chí Minh có một phường, một con đường, nhiều cơ sở giáo dục mang tên Nguyễn Thái Bình. Điều đó thật xứng đáng.
LÊ VĂN VỌNG - QĐND
Ảnh 1: Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Ảnh tư liệu gia đình
Ảnh 2: Công viên - Tượng đài Nguyễn Thái Bình tại cửa ngõ vào thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: BIỆN CƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét