Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

CHUYỆN CÔ GÁI TRẺ NGỒI TRÊN XE TĂNG DẪN ĐƯỜNG CHO BỘ ĐỘI TIẾN VÀO GIẢI PHÓNG SÀI GÒN

 Tại căn nhà nhỏ thuộc khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhân chứng lịch sử Nguyễn Thị Ngọc Mỹ kể lại câu chuyện năm xưa ngồi trên xe tăng dẫn đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (hay cô Hai Mỹ, sinh năm 1951) trông trẻ khỏe so với tuổi của mình. Sinh ra và lớn lên ở ấp Phú Hội, xã Vĩnh Phú, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), cô Hai Mỹ đã từng nghe cha mẹ kể nhiều về những tháng năm gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày ấy, do hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 2, Hai Mỹ đã nghỉ học ở nhà giúp ba mẹ và làm “liên lạc viên” cho các cô chú là cơ sở cách mạng. Đến năm 1967, mới 16 tuổi, Hai Mỹ đã chính thức trở thành "người cách mạng", được giao nhiệm vụ thông báo tin cho các cô chú đang hoạt động trong vùng địch.
Với lợi thế là cô gái 16 tuổi, trẻ đẹp, Hai Mỹ dễ dàng tiếp cận đám lính để nghe ngóng, khai thác thông tin nắm tình hình hoạt động của ngụy quân, ngụy quyền rồi báo tin cho cán bộ cách mạng; đồng thời vận động thanh niên trong làng tích cực tham gia các hoạt động quần chúng giúp cơ sở cách mạng.
Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Hai Mỹ đã hăng hái tham gia may cờ chuẩn bị cho nhân dân xuống đường, cùng với quần chúng đến các điểm giao nhận lương thực, thực phẩm để chuyển vào căn cứ. Hai Mỹ còn tham gia chuyển thương binh, vận chuyển tiếp tế đạn phục vụ bộ đội, du kích chiến đấu.
Trong những ngày đầu tháng Giêng Tết Mậu Thân, Hai Mỹ đã cùng quần chúng vận chuyển thương binh từ nội thành Sài Gòn ra, vận chuyển thương binh và dân công trong xã bằng xe bò, khiêng cáng bộ vào chiến khu D, là căn cứ cách mạng dưới bom đạn ác liệt của quân địch.
Những ngày sau Tết Mậu Thân, địch điên cuồng phản kích ác liệt ở nội đô lẫn vùng ven Sài Gòn. Một số cơ sở cách mạng trong xã Vĩnh Phú bị địch bắt. Để đảm bảo an toàn "thông báo tin”, Hai Mỹ được đưa vào làm nhiệm vụ tại chiến khu Thuận An Hòa, nay thuộc phường Thuận Giao của thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trong thời gian ở đây, Hai Mỹ được cử đi học lớp y tá bốn tháng do Quân Y Dĩ An mở ở ven Sông Bé. Khi học gần hết khóa, địch bất ngờ mở đợt tấn công càn quét vào vùng căn cứ, Hai Mỹ được đưa về hoạt động ở xã Tân Thới, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một, nay thuộc phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Những ngày đầu năm 1969, địch liên tục mở các cuộc càn quét dữ dội ở vùng ven sông Sài Gòn. Trong một trận càn của địch, Hai Mỹ lúc đó 18 tuổi, đã bị địch bắt. Sau tám ngày tra tấn, hỏi cung, địch không khai thác được gì nên buộc phải trả tự do cho cô. Đầu năm 1970, Hai Mỹ được tổ chức cách mạng bố trí về lại gia đình, hoạt động bán công khai, làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên xã Vĩnh Phú.
Cuối tháng 3/1970, Hai Mỹ một lần nữa bị địch bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, thậm chí dùng cả roi điện chích vào người để buộc cô khai ra tổ chức cách mạng. Tuy nhiên, cô đã kiên cường vượt qua mọi tra khảo của địch, tuyệt đối giữ bí mật cho cơ sở cách mạng khiến cho địch tức giận tống giam vào ngục tối. Hai tháng trong ngục tối, Hai Mỹ nhất quyết không khai báo lời nào nên địch buộc phải trả tự do cho cô vào tháng 5/1970.
Khi ra khỏi ngục, Hai Mỹ về nhà tiếp tục tham gia các hoạt động hợp pháp, nắm tình hình địch và xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Đến đầu tháng 5/1973, Hai Mỹ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong năm này, Đảng viên Hai Mỹ bị một tên chiêu hồi chỉ điểm. Địch đã tổ chức lực lượng truy lùng hòng bắt cho cô.
Trước tình hình này, Hai Mỹ phải rời gia đình vào rừng và được tổ chức cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Huyện Đoàn Lái Thiêu. Năm 1974, Hai Mỹ được bầu làm Bí thư Huyện Đoàn Lái thiêu.
Trong thời gian này, tình hình ở Lái Thiêu rất ác liệt, chính quyền Sài Gòn từng tuyên bố “rừng Cò My còn thì Sài Gòn mất”, nên địch tăng cường vây ráp dữ dội. Việc đi lại để nắm tình hình các cơ sở cách mạng gặp nhiều khăn. Tổ chức phân công Hai Mỹ về Tân Thới nay là Lái Thiêu bám trụ ngay giữa lòng địch để trực tiếp nắm rõ hơn tình hình địch, báo cáo cơ sở kịp thời chỉ đạo tác chiến.
Tối 29/4/1975, tiếng súng ở các nơi nổ dồn dập, Hai Mỹ đang cùng cơ sở cách mạng may cờ giải phóng để kịp phát cho người dân. Đêm đó, rất nhiều người dân sống ở Lái Thiêu bỏ nhà chạy ra đường nhưng họ cũng không biết đi đâu, về đâu tạo ra cảnh hoảng loạn bất an. Hai Mỹ cùng những người trong cơ sở cách mạng đi vận động bà con ở trong nhà, không nên ra ngoài đường. Tình hình tương đối ổn định, Hai Mỹ tiếp tục đạp xe xuống các cơ sở cách mạng nắm bắt thêm thông tin.
Khi ghé vào cơ sở nhà má Sáu Ngẫu, Hai Mỹ gặp Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 27. Qua trao đổi, Hai Mỹ biết lực lượng chủ lực đang ém quân tại ngã tư Hòa Lân, Thuận Giao. Tuy được má Sáu Ngẫu cung cấp tình hình, chỉ rõ từng vị trí đóng quân địch chốt giữ và còn đánh dấu trên tấm bản đồ nhưng các anh cũng còn khó khăn trên thực địa vì không rành đường sá.
Thấy được khó khăn đó, cô gái trẻ Hai Mỹ tình nguyện lên xe tăng ngồi dẫn đường cho bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhờ có bản đồ của má Sáu Ngẫu chuẩn bị, lại có thêm cô gái trẻ ở địa phương trực tiếp dẫn đường, Trung đoàn 27 nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn địch ở Củ Chi mới tăng viện về bảo vệ chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt và buộc địch ở trung tâm huấn luyện phải đầu hàng. Đồng thời, lực lượng tác chiến nhanh chóng đánh chiếm Vĩnh Bình và cầu sắt Lái Thiêu.
Sau ngày 30/4/1975, trải qua nhiều vị trí công tác với những chức vụ khác nhau, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, với bản tính cách mạng của người chiến sĩ kiên trung, cô Hai Mỹ luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trở thành tấm gương mẫu mực của người đứng đầu, luôn giữ gìn lối sống, nếp sinh hoạt giản dị cho đến ngày nghỉ hưu, tháng 11/2002.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cô Hai Mỹ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đáng chú ý trong đó, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày”; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen cho người bị nhiễm chất độc hóa học đã có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiều phần thưởng khác.
Nói về cô Hai Mỹ, Bí thư Đảng ủy phường Lái Thiêu, Trần Đình Minh Phước cho biết, Cô Hai Mỹ sớm giác ngộ cách mạng, trong quá trình tham gia hoạt động từng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhưng vẫn thể hiện bản lĩnh cách mạng trung kiên không khai báo, vẫn bảo vệ tổ chức, bảo vệ cách mạng. Hiện nay, dù tuổi cao, cô vẫn tham gia các đóng góp xây dựng đảng, chính quyền và phát triển kinh tế tại địa phương. Cô luôn thể hiện là một người cán bộ, đảng viên gương mẫu, có đạo đức, lối sống giản dị, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng địa phương.
Ngưỡng mộ tấm gương của cán bộ lão thành cách mạng Hai Mỹ, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Lái Thiêu Lê Thị Kim Ngân xúc động nói: “Thời gian qua, cô Hai Mỹ đã truyền ngọn lửa truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn phường. Noi gương cô, thế hệ trẻ hôm nay luôn cố gắng phấn đấu để trở thành những người công dân có ích cho xã hội, không ngừng học tập rèn luyện, trưởng thành, ra sức xây dựng quê hương, đất nước”./.
• Ảnh 1: Cô gái Nguyễn Thị Ngọc Mỹ đội nón tai bèo ngồi trên xe tăng hướng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
• Ảnh 2: Cô gái Nguyễn Thị Ngọc Mỹ đội nón tai bèo ngồi trên xe tăng hướng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
• Ảnh 3: Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ giới thiệu tư liệu truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét