Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

BÁC HỒ VỚI NIỀM ĐAU ĐÁU VỀ NGÀY BẮC NAM SUM HỌP MỘT NHÀ

 Ngày 02/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng thực dân đế quốc vẫn tiếp tục chiến tranh xâm lược, phá hoại hòa bình, đất nước lâm vào tình cảnh bị chia cắt hai miền Nam Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn tất.

Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp tìm giải pháp cứu vãn hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam” và tin tưởng: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”. Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Bác luôn trăn trở: "Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi". Bác đã từng tâm sự: "Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao nǎm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn"..
Năm 1963, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa II, đúng vào dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 73 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu đã nhất trí đề nghị trao tặng Người Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Bác đã cảm ơn Quốc hội và nói: “Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam. Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc và xứng được tặng thưởng Huân chương cao quý này. Vì những lẽ đó tôi xin Quốc hội đồng ý thế này, chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho tôi Huân chương cao quý này. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
Tháng 8/1969, Bác nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nghe báo cáo tình hình chiến trường, vẫn theo dõi bản đồ chiến sự miền Nam. Mỗi khi tỉnh dậy sau cơn mệt nặng, bao giờ Bác cũng hỏi tin tức về miền Nam. Chưa vào được miền Nam, Bác yêu cầu hễ có đồng chí, đồng bào nào từ miền Nam ra thì phải cho Bác biết và đưa vào gặp Bác. Mỗi lần được gặp gỡ đại biểu từ miền Nam ra, Bác vui khỏe hẳn lên.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc để lại, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.
Thế nhưng, mong ước ấy của Bác đã không được thực hiện… Bác đi xa nhưng hình ảnh những người dân miền Nam chưa được hưởng độc lập, tự do… hình ảnh miền Nam ruột thịt vẫn đau đáu trong tim…
ảnh: Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Người. Ảnh Tư liệu.
Có thể là hình ảnh về đang đứng, cây và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét