Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Bức ảnh và hành trình lưu lạc 22 năm

 Nguyễn Xuân Lết, (sau đổi là Niết, rồi Ninh) sinh năm 1934, tại Lạc Viên, TP Hải Phòng. Ngày 20-10-1946, cậu bé Lết vinh dự được đứng trong Đội Thiếu niên Thành phố ra tận cảng đón Bác Hồ từ Pháp trở về. Niềm vui sướng ấy đọng lại trong trái tim non trẻ của Lết chưa được bao lâu thì ngày 20-11-1946, thực dân Pháp bội ước, cho quân đánh phá Hải Phòng.

Nhà bị giặc đốt, Lết theo mẹ tản cư sang Vĩnh Bảo (Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng). Mấy tháng sau, tuy mới tròn 12 tuổi, Lết vẫn xung phong vào làm liên lạc cho công binh xưởng A (thuộc Ban vũ khí- Chiến khu 3, đóng tại Thái Bình). Được 2 năm, Lết chuyển xuống “Ban thuốc nổ”, làm công việc nấu thuốc và nhồi thuốc vào đạn moóc-chi-ê (mortier: súng cối) và các loại mìn. Công việc vô cùng nguy hiểm nhưng được anh Trần Văn Goòng là thợ giỏi lại tốt tính, tận tình dạy bảo cả về lý thuyết lẫn thực hành nên Lết mến và quý anh lắm…
Ngày 22-8-1949, Lết đến hiệu ảnh ở thị trấn Quỳnh Côi (Thái Bình) chụp một “pô” ảnh. “Tặng anh Goòng trong những ngày vui, khổ ở Công binh xưởng Phan Thanh” (mật danh của Công binh xưởng A”). Mặt sau tấm ảnh, Lết đề thế.
Tháng 3-1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình. Công binh xưởng Phan Thanh cũng bị chúng tấn công. Đơn vị được lệnh chia làm hai bộ phận. Một bộ phận vào Thanh Hóa (trong đó có Lết). Một bộ phận lên Việt Bắc (anh Goòng đi với bộ phận này).
Đầu năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta chuyển sang giai đoạn Tổng phản công. Lính trẻ Quân giới, không phân biệt cán bộ, chiến sĩ, công nhân đều ra tiền tuyến. Lúc này, Lết vừa tròn 18 tuổi đời, 6 tuổi quân nên được biên chế vào Đại đội 311, Tiểu đoàn 444, Trung đoàn công binh 151, Đại đoàn 351, trực tiếp cầm súng chiến đấu tại mặt trận Điện Biên phủ. Anh Goòng được cử sang Trung Quốc học về cao xạ pháo. Kết thúc khóa học, anh về nước, được biên chế vào Trung đoàn 367 - cùng sư đoàn với Niết (Lết vừa mới đổi tên). Vào giữa mùa chiến dịch, anh Goòng hy sinh trong một trận đánh ác liệt… Còn Niết may mắn sống sót, trở về.
Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta, Niết đổi tên là Ninh. Ngày 18-1-1959, anh rời quân đội. Đến ngày 22-2-1959, anh vào nhà máy xi măng Hải Phòng, làm phó quản đốc phân xưởng sửa chữa phương tiện vận tải - kiêm bí thư chi bộ. Ở đây, có anh Trần Văn Bạch (anh em họ xa với anh Goòng-vốn là bộ đội Nam tiến cũng chuyển ngành về đây, làm thợ điện). Năm 1969, anh Bạch chẳng may bị tai nạn, qua đời. Hai năm sau, anh Ninh thay mặt đơn vị về quê anh Bạch cùng gia đình cải táng cho anh.
Gần 22 năm trôi qua, nay anh mới có dịp trở lại nơi này (thôn Lương Qui, xã Quốc Toản, huyện An Dương, tỉnh Kiến An; nay là quận Kiến An, TP Hải Phòng). Cảnh vật thay đổi nhiều. Người thân anh Goòng chẳng còn ai. Nghe nói có chị Trần Thị Lí, em gái anh Goòng (lấy chồng tại TP Hải Phòng) cũng về; anh Ninh tìm gặp. Do xa nhau lâu ngày nên hai anh em không nhận ra nhau. Sau, vợ anh Bạch giới thiệu, Lí mới nhào đến ôm chầm lấy anh Ninh mà khóc: “Ngày lên đường, có cả anh Goòng em và anh cùng đi. Sao bây giờ chỉ có anh trở về? Mỗi khi nhớ đến anh Goòng, em lại nghĩ đến anh. Anh có phải là anh Niết không? Đúng rồi! Anh đúng là anh Niết rồi!" (Lí chưa biết anh Niết đã đổi tên là Ninh). Sau một hồi hàn huyên, Lí chợt nhớ ra: “À, anh Niết này! Anh có một vật rất quý mà anh đã tặng anh Goòng. Gia đình em vẫn còn giữ đến bây giờ…”.
Anh Ninh hồi hộp, thảng thốt: “Cái gì thế, cô Lí”? Lí nhắc: “Anh nhớ không, tấm ảnh của anh tặng anh Goòng em ngày 22-8-1949 ấy. Khi anh Goòng em hy sinh, mọi di vật của anh em đều được đơn vị bảo quản, giữ gìn cẩn thận, chu toàn; trong đó có tấm ảnh của anh. Đến gần ngày tiếp quản Hải Phòng (13-5-1955), đơn vị mới chuyển về cho gia đình. Tội quá, anh Goòng em hy sinh mà chưa có vợ con gì…”.
Nghe Lí nói, Ninh thấy sống mũi mình cay cay. Mấy phút sau, nén xúc động, anh mới hỏi: “Thế, bố mẹ bây giờ ở đâu?”. “Bố mẹ em cũng mất cả rồi. Ở đây, người thân chẳng còn ai nên di vật của anh Goòng và cả tấm ảnh của anh, em cũng mang theo về quê chồng ở TP Hải Phòng. Vợ chồng em và các cháu chẳng biết anh ở đâu mà trao lại. May quá, hôm nay, gặp anh ở đây, chúng em mừng lắm! Khi nào, có dịp, mời anh lại gia đình chúng em chơi. Anh nhớ nhé! Nhà em ở phố Cầu Đất, số nhà 20, TP Hải Phòng… À, anh chưa biết nhỉ, chúng em lấy nhau sau khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng, anh ạ!".
Anh Ninh bồi hồi nhớ lại những tháng, năm binh lửa đã qua và những kỷ niệm giữa anh và anh Goòng. Anh không nghĩ là anh Goòng lại mang theo ảnh mình đi khắp các chiến trường, từ Khu 3 vào Khu 4, lên Tây Bắc, sang Trung Quốc, rồi lại trở về Tổ quốc, cùng nhau “bước” vào chiến dịch. Cho đến khi anh hy sinh, tấm ảnh của Lết vẫn bên anh như hình với bóng, không hề rời nhau nửa bước. Sau 22 năm “lưu lạc” bức ảnh lại trở về với Nguyễn Văn Lết thuở nào.
LÊ HOÀI THAO
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Ninh)
Tấm ảnh Nguyễn Văn Lết tặng anh Goòng ngày 22-8-1949.
Nguồn: QĐND
Có thể là hình ảnh về trẻ em và đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét