Tôi nhập ngũ trong tháng Chín 1952. Thời đó còn chưa có nghĩa vụ quân sự, những người tòng quân đều là tình nguyện cả thôi. Tình đồng đội của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi luyện tập dưới những điều kiện sống rất khó khăn, đói ăn. Nhưng chúng tôi vẫn hăng hái học bắn súng, ném lựu đạn, đào hào và chiến đấu theo đội hình.
Khi chuẩn bị cho Điện Biên Phủ, tôi là một người lính bộ binh bình thường. Tuy chúng tôi không biết nhiều về chiến lược, nhưng chúng tôi cảm nhận được là công việc chuẩn bị được tiến hành rất tốt. Tinh thần của chúng tôi cũng rất tốt, chúng tôi tập luyện tại một địa điểm bí mật để làm sao mà phá vỡ được một pháo đài. Các điều kiện xung quanh cũng tốt, có đủ gạo, đủ thuốc men, đủ đạn dược và quân lính. Ví dụ như đơn vị tôi được tăng cường tới năm lần. Ngoài ra, phối hợp giữa các đội hình cũng rất tốt. Các đơn vị hậu cầu hành quân giống như nước chảy vậy, người trong đủ loại quần áo, nói đủ các thứ tiếng. Tinh thần thật là tuyệt vời.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc chuẩn bị cho trận đánh là kéo các khẩu đại bác lên núi. Là bộ binh, tôi tham gia vào việc đó ngay từ đầu. Các khẩu đại bác đấy nặng hàng tấn; mang chúng lên đỉnh núi đã là không đơn giản rồi, nhưng dùng dây thả chúng xuống núi lại còn khó khăn hơn nữa. Và đâu phải chỉ là một ngọn núi thôi, đó là nhiều dãy núi, tổng cộng dài đến mười kilômét! Chúng tôi làm mọi việc với sức người, chúng tôi cần một đại đội cho một khẩu đại bác. Ở trên đỉnh núi, chúng tôi cột chặt hai sợi dây thừng và rồi đẩy các khẩu đại bác lên từng chút một. Rồi khi chúng tôi không cẩn thận lúc thả xuống thì một khẩu đại bác như thế kéo cả đại đội xuống theo. Tuy mọi việc diễn ra rất chậm, nhưng bằng cách này thì chúng tôi đã thành công trong việc mang các khẩu đại bác ra chiến trường.
Người Pháp biết các hoạt động của chúng tôi, tổ chức những cuộc hành quân phá rối. Chúng tôi xây chiến hào, họ lấp lại, chúng tôi lại đào lên. Chúng tôi đến càng gần thì họ lại càng sợ nhiều hơn. Rồi họ xông ra với xe tăng, máy bay trực thăng và bộ binh. Trận đánh Điện Biên Phủ bắt đầu ngay từ lúc chuẩn bị.
Ngày đầu tiên của chiến dịch là ngày 13 tháng Ba 1954. Kéo dài 55 ngày cho tới khi bắt được viên chỉ huy người Pháp de Castries vào ngày 7 tháng Năm. Chúng tôi đã huy động những đơn vị tốt nhất của chúng tôi cho trận đánh này. Bây giờ thì chúng tôi hưởng thành quả từ công việc chuẩn bị tốt của chúng tôi. Tất nhiên là người Pháp cũng sử dụng hầu như tất cả mọi thứ ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi biết là họ được huấn luyện rất tốt và làm chủ được kỹ thuật của họ; chỉ riêng việc xây pháo đài đấy thôi thì đã là một thành tích xuất sắc rồi. Nhưng chúng tôi tin chắc vào chiến thắng của chúng tôi, điều đó mang lại thêm nhiều sức mạnh cho chúng tôi.
Tất nhiên là tôi cũng phải trải qua việc nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Nhưng tôi cũng trải nghiệm được lòng dũng cảm của họ. Ví dụ như có một người đồng đội bị thương ở cả hai chân và tay và mặc dù vậy vẫn bò vào chiến hào. Anh ấy không muốn để cho băng bó vì nghĩ rằng trước sau gì thì cũng chết, nên dùng bông băng cho những người khác. Hay một người khác, bắn liên tục 90 quả lựu đạn, hay người chỉ huy đó, bị bắn thủng má, không còn có thể nói được và ra mệnh lệnh của mình bằng cách viết tay. Trận chiến rất dữ dội, hai bên không nhường nhau điều gì cả. Chúng tôi giành giật từng ngọn đồi một. Có lúc chúng tôi chia với người Pháp một ngọn đồi, rồi liên tục giành giật qua lại.
Trong đêm rạng sáng ngày 7 tháng Năm, chúng tôi nhận mệnh lệnh tổng tấn công vào trung tâm pháo đài. Được giao hẹn trước là sau khi khối bộc phá 1000 kílô phát nổ thì tất cả chúng tôi sẽ xung phong. Nhưng khối bộc phá đó được chôn sâu ở dưới đất, người ta hầu như không nghe được tiếng nổ. Thế là trận tấn công không được tất cả các đơn vị cùng tiến hành và đã thất bại. Sau đó, người Pháp đã dùng những lực lượng cuối cùng để khởi động một trận phản công. Tôi chưa từng bao giờ trải qua một trận pháo kích có quy mô như vậy. Họ bắn từ chiều tối cho tới sáng sớm. Chỉ riêng đơn vị tôi đã mất một phần ba quân số trong đêm đó.
Vảo buổi sáng ngày 7 tháng Năm, chúng tôi phát hiện có những động thái mất kiểm soát của quân địch trong pháo đài. Tuy chúng tôi không biết chính xác có việc gì xảy ra, nhưng chẳng bao lâu sao đó chúng tôi nhận được lệnh tấn công. Vào lúc 14 giờ, tất cả các đơn vị đều tiến về trung tâm của pháo đài. Đầu tiên, chúng tôi phải chiếm đồi 507, việc mà chúng tôi đã không thành công trong đêm trước đó. Nhưng bây giờ thì chúng tôi nhìn thấy rằng đạn pháo của chúng tôi đã quét sạch mọi dây thép gai và những thứ bảo vệ khác. Chúng tôi có thể đơn giản là chạy vào. Qua lần tấn công chớp nhoáng này, người Pháp đầu hàng. Tất cả họ còn đứng ở trong các chiến hào của họ, nhưng quân lính chúng tôi tới từ hai phía.
Sau khi đáng thắng đồi 507 thì tới 508 và 509. Ở đó chống cự rất yếu ớt. Bên kia hầu như không có bắn trả. Nằm trên các đồi này chủ yếu là những người bị thương. Nhiều người trong số họ đầu hàng, những người khác chạy về hướng pháo đài. Chúng tôi đuổi theo họ cho tới cây cầu bắc qua sông Mường Thanh. Người Pháp đặt khẩu súng máy bốn nòng mới của họ ở đây; chúng tôi phải dừng lại và chỉnh đốn đội ngũ. Tôi với đơn vị tôi ở hàng đầu, thế là tôi ra lệnh ném lựu đạn. Nhờ khói và những cột nước trên sông bảo vệ, chúng tôi xung phong lên, tiêu diệt khẩu súng máy mở đường.
Chúng tôi là đơn vị đầu tiên tiến vào trung tâm pháo đài. Khắp nơi đều có chiến hào. Chúng tôi bắn, hét to và chạy về phía trước. Rồi chúng tôi tới một điểm cao và nhìn thấy bốn chiếc xe tăng ở đó. Chúng tôi không biết đó đã là bộ chỉ huy của tướng de Castries. Đồng đội tôi và tôi không biết tiếng Pháp. Chúng tôi chờ cho tới khi người ta bắt được một trong số những người Việt cộng tác với Pháp. Từ người này chúng tôi mới biết rằng chúng tôi đang đứng trước hầm của viên chỉ huy. Chúng tôi quyết định tấn công.
Lúc đầu, chúng tôi sợ những chiếc xe tăng; trước đó tôi còn chưa từng bao giờ nhìn thấy một chiếc. Đặc biệt là tiếng ồn của động cơ và dây xích khiến cho chúng tôi e sợ. Tuy là chúng tôi đã học cách làm sao chống lại xe tăng, nhưng trong hai lần đầu thì chúng tôi không thành công. Lúc tấn công lần thứ ba, một đồng đội và tôi quẳng hai gói bộc phá ngay trước nó, rồi nó nghiên sang một bên. Trong lúc đó, chiếc xe tăng thứ nhì bị trúng đạn pháo, hai chiếc còn lại bỏ chạy. Cùng với chúng, toàn bộ đơn vị Pháp có nhiệm vụ bảo vệ bộ chỉ huy cũng bỏ chạy mất.
Chúng tôi đứng trước cửa hầm và kêu gọi những người lính hãy đi ra, tất nhiên là bằng tiếng Việt. Nhưng họ không hiểu chúng tôi, và thế là chúng tôi bắn và ném lựu đạn. Khi không có phản ứng, tôi ra lệnh ném một khối bộc phá vào. Vì chúng tôi chỉ muốn cảnh cáo nên chúng tôi đặt khối bộc phá này không sâu lắm. Vụ nổ gây ra rất nhiều khói và mảnh bay tứ tung, rồi sau hai phút có một sĩ quan Pháp xuất hiện trong bộ quân phục đầy đủ, tay cầm cờ trắng. Ông ấy dùng tiếng Việt nói cho chúng tôi hiểu, rằng viên chỉ huy của pháo đài Điện Biên Phủ chờ một sĩ quan cao cấp của Việt Minh để đầu hàng. Tôi thật sự là giật mình, vì khái niệm “sĩ quan” vẫn còn chưa tồn tại ở chúng tôi, và tôi cũng không biết đầu hàng phải ra làm sao. May mắn là có một viên chỉ huy của chúng tôi đi tới. Ông ấy ra lệnh cho hai người lính canh giữ mặt sau của công sự, rồi chúng tôi bước vào. Tôi là người đầu tiên đi vào, sau đó là viên chỉ huy và đồng đội của tôi là người cuối cùng. Người Pháp trong công sự nhìn thấy chúng tôi đi vào và cứ tiếp tục lui về phía sau, đứng giơ tay lên ở đó. Chỉ có tướng de Castries là ngồi bất động và không có phản ứng. Viên chỉ huy ra lệnh cho tôi bắt ông ấy. Trong khoảng khắc đó, tôi sực nhớ lại hai từ trong tiếng Pháp, và thế là tôi nói: “Giơ tay lên!” Ông ấy giật mình, đứng dậy, lui lại hai bước, giơ tay lên và tuyên bố rằng ông đầu hàng.
Nói thật, vào lúc đầu, chúng tôi chưa hiểu được tầm quan trọng chiến thắng của chúng tôi ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi chỉ muốn nhận lệnh cho những trận tấn công mới, để có thể giải phóng toàn bộ quê hương. Chúng tôi lúc nào cũng tin vào một chiến thắng, nhưng việc nó mang một tính quyết định tới như vậy thì lúc đó chúng tôi thật không biết.
Nguồn: Phóng viên Đức phỏng vấn ông Hoàng Đăng Vinh - một trong tổ 5 người đã bắt sống tướng De Castries (Đờ Cát) - Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều ngày 7-5-1954. Đoạn trích dịch trên của tác giả Phan Ba từ cuốn "Apokalypse Vietnam" của nhà xuất bản Rowohlt, Berlin, 2000 [phanba.wordpress.com]. Cuốn sách trên là tổng hợp các cuộc phỏng vấn các nhân vật nhiều bên trong bộ phim tài liệu cùng tên của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung Đức (MDR)
(Ảnh) Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh
Đại tá AHLLVT Hoàng Đăng Vinh qua đời ngày 22-10 - 2019 . Tại nhà riêng do đột quỵ. Ông là nhân chứng sống cuối cùng trong 5 người xông vào hầm bắt tướng De Casteri!
NVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét