Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

DÙNG VŨ KHÍ ĐỊCH ĐÁNH ĐỊCH

 Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam nói chung đã có nhiều câu chuyện về việc lấy vũ khí địch đánh địch. Trận đầu ra quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần quân ta đã đoạt súng của lính Pháp, trang bị cho mình.

Thuở hàn vi nhất của cuộc kháng chiến khi chiến thuật còn đơn sơ, vũ khí thiếu thốn, đã xuất hiện tấm gương người du kích nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) Nguyễn Thị Chiên mưu trí dũng cảm, phục kích bất ngờ xông ra cướp súng và bắt sống tên lính Pháp (sau bà được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân).
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bộ đội và du kích ta lấy vũ khí địch tiếp tục đánh địch diễn ra phổ biến. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến Phi đội Quyết thắng dùng máy bay A37 của Mỹ (trang bị cho ngụy quân) do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975. Nhưng chắc chưa nhiều người biết rằng bộ đội ta cũng đã mưu trí, nghiên cứu sử dụng thành thạo xe tăng địch đánh địch ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày toàn thắng 30-4 lịch sử.
Theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, kể lại thì sáng 10-3-1975, quân ta bất ngờ tấn công thị xã Buôn Ma Thuột. Đại đội 9 xe tăng thuộc Trung đoàn Xe tăng 273 có nhiệm vụ đột phá tấn công trụ sở sư đoàn bộ binh chủ lực số 23 của địch. Khi chiếc xe mang số hiệu 980 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng dẫn đầu vào đến cửa mở thấy anh em bộ binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 đang chiến đấu rất dũng cảm. Địch ngoan cố chống trả quyết liệt nên một số quân ta bị thương vong. Bộ đội nhanh chóng kéo sang hai bên đường để mở lối cho xe tăng. Xe tăng của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng trúng quả đạn M-79 khiến pháo thủ Nguyễn Văn Vĩnh bị thương mất một tay, chỉ còn 3 người trên xe tiếp tục chiến đấu. Bộ binh và xe tăng giữ vững đội hình hỗ trợ nhau quần thảo với địch, mãi đến chiều mới chiếm được khu gia binh và khu truyền tin. Có chuyện không ngờ là do đạn làm mất mấy chữ “khu truyền tin” mà chỉ còn mấy chữ “sư đoàn 23” nên bộ đội ta tưởng đây là sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy đã báo cáo với Trung đoàn trưởng Trung đoàn Xe tăng 273 là Đại đội 9 xe tăng cùng Tiểu đoàn 4 bộ binh đã chiếm được sư đoàn 23, nhưng sau đó biết là nhầm.
Đến sáng 11-3, địch tăng cường nhiều máy bay ném bom vào đội hình của ta, yểm trợ cho quân tại chỗ ngoan cố chống trả. Xe tăng ta vừa đánh địch dưới mặt đất, vừa dùng 12,7mm bắn máy bay trên trời. Sau khi đánh chiếm khu vận tải và khu tham mưu thì đã khoảng 10 giờ, Đại đội trưởng Đại đội 2 đi cùng xe tăng phát hiện chính xác cổng sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy. Quân ta tập trung hỏa lực đánh trực diện vào cổng chính, bắn cháy một chiếc xe bọc thép M-113 của địch đang án ngữ ở đó và bắn vỡ một bên trụ cổng. Các xe tăng mang số hiệu 980, 815 và 703 cùng bộ binh xông lên chiếm trụ sở sư đoàn 23 giữa lòng thị xã Buôn Ma Thuột. Xe tăng lượn một vòng trên sân rồi dàn thế bảo vệ cho bộ đội Tiểu đoàn 4 lên tháo cờ địch, hãnh diện treo lá cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh trên cột cờ cũ của sư đoàn 23 ngụy. Ngay sau đó các anh lại nhận lệnh đưa xe tăng ra phối hợp với Trung đoàn 95B, Sư đoàn 316 đánh chiếm khu vực ngã năm, ngã sáu, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.
Ngay trước ngày giải phóng miền Nam, địa danh Cầu Bông (nay là cầu An Hạ) được báo chí hai phía nhắc đến nhiều vì chiến sự nóng bỏng ở đây. Cầu Bông là vị trí chiến lược trên đường quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng tây bắc. Địch chủ trương phá Cầu Bông để ngăn chặn đường tấn công của quân ta. Đương nhiên, ta phải giữ cầu. Từ những ngày trước bộ đội đặc công, biệt động và bộ binh đã phối hợp chiến đấu diệt địch, bảo vệ cầu. Nhưng địch quyết phá nên đã tăng cường lực lượng mạnh hòng đánh bật bộ đội ta.
Với bộ đội Quân đoàn 3 (mới được thành lập ngày 27-3-1975 trên cơ sở lực lượng chủ lực Mặt trận B3-Tây Nguyên), sau cả nghìn cây số trận mạc, từ Tây Nguyên đánh xuống đồng bằng ven biển miền Trung, rồi lại lật lên Nam Tây Nguyên thần tốc vào miền Đông Nam Bộ chuẩn bị cho những trận cuối cùng, dù mệt mỏi nhưng ai cũng phấn chấn, hừng hực khí thế vào trận. Đêm 28-4-1975, Đại đội 9 xe tăng của Trung đoàn Xe tăng 273 vẫn đang phối hợp cùng Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 chuẩn bị tiến về đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất theo kế hoạch. Điều khác biệt là Đại đội 9 lúc này sử dụng 4 xe tăng made in USA chính hiệu mà bộ đội ta thu được của địch từ khi truy kích, đánh chặn quân đoàn 2 ngụy tháo chạy ở Đường số 7-Cheo Reo, Củng Sơn tháng trước. Một tháng, vừa hành quân đường dài, vừa mày mò tìm hiểu để biết mọi tính năng, vận hành thông thạo xe tăng của địch. Phát huy truyền thống, ý chí ham học hỏi, vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ, toàn đơn vị tự tin sẵn sàng dùng vũ khí địch để đánh địch. Như thế sẽ tạo yếu tố bất ngờ, hiệu quả hơn. Trận đánh phía trước là một minh chứng điển hình.
Khoảng 3 giờ sáng 29-4-1975, có lệnh từ chỉ huy trung đoàn giao Đại đội 9 khẩn cấp hành quân về phía Cầu Bông để chi viện cho đặc công và bộ binh Trung đoàn 64 đánh chiếm, làm chủ Cầu Bông, quyết không cho địch phá cầu vì đây là con đường chính Quân đoàn 3 sẽ tiến vào nội thành từ hướng tây bắc. Mặc dù từ tối 28-4, đặc công Trung đoàn 198 cùng bộ binh Trung đoàn 64 đã tiến công đánh địch, giữ Cầu Bông nhưng địch phản công dữ dội, gây nhiều khó khăn cho ta. Không được chậm trễ, toàn đại đội lên đường ngay. Xe của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đi trước, xe Chính trị viên Huỳnh Rịch đi sau, không có bộ binh đi cùng như các trận đánh khác, vừa đi vừa tận dụng ánh sáng đèn dù để phán đoán đường. Có lúc đi qua gần mấy chốt địch sát căn cứ Đồng Dù mà không được đánh, không được để lộ. Phải nhắm tới mục tiêu là Cầu Bông. Vượt mấy cánh đồng, may mà ruộng khô nên không gặp khó khăn, giữ được đội hình. Tang tảng sáng, cả đại đội xe tăng ra tới Quốc lộ 22 (Quốc lộ 1 bây giờ). Trên đường tiếp tục gặp địch mà vẫn phải bỏ qua. Xe không cắm cờ nên có chuyện thú vị là khi cách Cầu Bông khoảng 1km có một nhóm người cả thường phục, cả mặc quần áo lính ngụy nhào ra giữa đường chặn xe quát: “Bọn mày ở thiết đoàn nào về vậy”? Bộ đội ta không trả lời, dấn ga vượt qua.
Đến cách Cầu Bông khoảng 300m thì có đoàn xe tăng cả M-113, thiết giáp và một xe tải của địch từ hướng Hóc Môn tiến ra. Địch đông quá (tất cả khoảng 23 chiếc), thật chênh lệch lực lượng, nhưng anh em bình tĩnh, tự tin vì ta có yếu tố bất ngờ. Đại đội cho xe dạt sang hai bên đường, lợi dụng địa hình tại chỗ triển khai thế trận, chờ cho chiếc cuối cùng của đoàn xe địch qua cầu mới bắt đầu nổ súng nã vào chiếc đi đầu và chiếc đi cuối. Hai xe đầu và cuối bốc cháy làm cả đoàn xe địch hoảng loạn không biết chạy đi đâu, đành nhào xuống ruộng tìm cách chống trả. Đại đội có 4 xe nhưng cứ bắn xong lại dịch khoảng 10-15m nên được bảo toàn, tuy cũng bị một phát đạn từ khẩu ĐKZ trên một chiếc M-113 bắn lại làm hỏng khẩu 12,7mm trên nóc xe của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng. Sau khoảng gần một giờ đồng hồ chiến đấu, cả 23 chiếc xe tăng, thiết giáp của địch bị tiêu diệt trên cánh đồng Tân Phú Trung. Bộ đội đặc công và bộ binh đang bảo vệ Cầu Bông nhận ra quân ta đánh yểm trợ kịp thời chạy đến ôm nhau chúc mừng.
Trận đánh thắng giòn giã đã hỗ trợ các đơn vị bạn không bị tổn hao thương vong mà giữ được Cầu Bông chờ đón đại quân tiến vào từ hướng tây bắc. Đại đội 9 xe tăng dùng xe của địch đánh địch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp bảo vệ Cầu Bông. Ngay sau đó, đại đội lên đường tiến thẳng về hướng sân bay Tân Sơn Nhất như kế hoạch tác chiến từ đêm 28-4. Trên đường vẫn thuận lợi vì đây là 4 xe tăng của ngụy quân do Mỹ sản xuất, ta sử dụng chiến lợi phẩm một cách thông minh và rất dũng cảm. Quá trưa ngày 29, đại đội đến ngã ba Bà Quẹo, định tiến thẳng vào nội đô. Nhưng cấp trên có lệnh mới, yêu cầu Đại đội 9 xe tăng quay trở lại phối hợp với Trung đoàn 28 bộ binh đánh chiếm trung tâm huấn luyện Quang Trung. Thế là hôm sau, sáng ngày 30-4, Đại đội 9 xe tăng cùng năm cánh quân đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất non sông.
Đây là câu chuyện cụ thể về Đại đội 9, Trung đoàn Xe tăng 273 dùng xe tăng địch đánh địch. Đó cũng là một phần thành tích từ kinh nghiệm chiến đấu, ý chí dũng cảm, mưu trí của bộ đội tăng thiết giáp từ Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971 phối hợp bắt sống đại tá Thọ hay noi gương sáng kíp xe tăng 377 anh hùng của Trưởng xe Nguyễn Nhân Triển trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972. Những đơn vị xe tăng này cũng như các đơn vị xe tăng Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 đã đi vào lịch sử chiến thắng oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cựu chiến binh NGUYỄN NHÂN TỎ - QĐND
Ảnh 1: Quân Giải phóng trên xe tăng M48A3 chiến lợi phẩm trên đường tiến vào Sài Gòn.
Ảnh 2: Bộ binh và xe tăng Mặt trận Tây Nguyên đột kích đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc ngày 11-3-1975. Ảnh tư liệu
1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét