60 năm sau chiến thắng lẫy lừng ở Biên giới năm 1950-tiền đề cho chiến thắng Điện Biên Phủ, tại buổi Hội thảo khoa học “Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 - Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” nhân dịp kỷ niệm chiến thắng và vinh danh những người lính...
QĐND - 60 năm sau chiến thắng lẫy lừng ở Biên giới năm 1950-tiền đề cho chiến thắng Điện Biên Phủ, tại buổi Hội thảo khoa học “Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 - Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” nhân dịp kỷ niệm chiến thắng và vinh danh những người lính, những chứng nhân lịch sử đã làm nên trận đánh được ghi nhận là trận đánh lớn của nhân loại, tôi may mắn được gặp và tiếp chuyện với người mà quân viễn chinh Pháp hễ nghe tên là khiếp hồn, bạt vía. Đó là “Hùm xám đường 4”
Người lính già quê ở Diễn Châu, Nghệ An ấy nay tuy đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và đôi mắt luôn ánh lên niềm kiêu hãnh khi kể lại những kỷ niệm hào hùng cùng đồng đội trong những tháng ngày chiến đấu trên Đường số 4 - con đường của lửa.Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, bố và ông nội đều làm quan trong triều đình Huế dưới thời vua Bảo Đại. Ông chưa từng được đào tạo ở một trường quân sự chính quy. Từng là sinh viên Y khoa của trường Đại học Y Hà Nội, vì nỗi nhục mất nước và tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông về lại miền Trung tham gia phong trào thanh niên cướp chính quyền ở Huế. Người đầu tiên hạ cờ Bảo Đại, treo lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ Phú Văn Lâu trước khi Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm cho cách mạng chính là ông.
Năm 1945, ông được cấp trên tin tưởng giao Chỉ huy trưởng mặt trận Đường 9 Nam Lào. Năm 1946, làm Tham mưu trưởng trên mặt trận Đường số 7 và được điều ra Bắc làm cán bộ huấn luyện võ bị. Năm 1947, khi Pháp tấn công Việt Bắc, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp điều lên làm đặc phái viên mặt trận Đường số 4. Danh tiếng “hùm xám Đường 4” gắn liền với cuộc đời ông từ đó.
Với vốn kiến thức về văn hóa và khả năng tính toán của một cậu học trò giỏi toán, cùng với ý chí quyết tâm giành độc lập cho đất nước, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt cùng với đồng đội của mình đã làm nên những chiến công hiển hách từ những trận đánh nhỏ đến những trận đánh lớn, từ dễ đến khó.
Với sở trường đánh phục kích, tài tính toán và tổng kết kinh nghiệm, ông đã chỉ huy trung đoàn đánh thắng 116 trận trong tổng số 120 trận.
Ông bồi hồi nhớ lại thời kỳ căng thẳng và ác liệt đó khi 3 trung đoàn lính Lê dương thiện chiến, tinh nhuệ mạnh hơn ta nhiều lần, có nhiệm vụ giữ Đường 4, ngăn cho ta không quan hệ được với bên ngoài. Trung đoàn 174 được lệnh phá thế bao vây. Những người lính với trang bị thiếu thốn, chân đi đất (Trung đoàn trưởng thì có thêm đôi giày), cùng chiếc áo trấn thủ và vài quả lựu đạn, nhưng với ý chí quyết tâm và gan dạ, đã làm nên một sức mạnh thần kỳ. Trong muôn vạn khó khăn, toàn quân và dân đoàn kết xông lên đánh giặc, mặt trận Đường số 4 tiếng súng vang rền suốt ngày đêm trong 3 năm. Ta đã giáng hàng trăm trận vào đầu địch, có nơi đánh đi đánh lại nhiều lần, trận sau khó hơn trận trước nhưng địch vẫn thua và thua to hơn trận trước. Từ những trận đánh nhỏ, ta đã dần lớn mạnh. Trận Bông Lau – Lũng Phầy, Trung đoàn đã tiêu diệt 133 xe, quét sạch quân thù khỏi Đường số 4. Ngày 2-9-1949, chính thức buộc địch chấm dứt việc đi lại bằng đường bộ trên Đường số 4, mở cánh cửa nối Việt Nam sang Trung Quốc.
Ngày 16-9-1950, Trung đoàn 174 và 209 chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, uy hiếp cứ điểm Thất Khê. Chiến thắng lịch sử năm 1950 đã mở toang cửa ngõ biên giới, tạo bước ngoặt lịch sử hết sức quan trọng, mở ra một chân trời rộng mở bao la để Việt Nam giao lưu với toàn thế giới về chính trị, ngoại giao, văn hóa…
Sự xuất hiện của “Hùm xám Đường 4” tại Lạng Sơn nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 đã nhận được những tràng pháo tay chào đón không ngớt. Người lính già ấy luôn tâm đắc và sống theo một câu nói “10 con số không, 1 con số có”, đó là không sợ chết, không tham lam quyền chức, không tham nhũng, không xu nịnh, không chạy theo phù phiếm… để có một con số có duy nhất là “tiếng thơm” để đời.
Ôn lại kỷ niệm xưa cũng là lúc ông bồi hồi xúc động nhớ về đồng đội đã cùng chung những phút vinh quang và gian khổ, nay có mặt còn rất ít. 60 năm, Trung đoàn 174 đã trải qua 30 đời trung đoàn trưởng nhưng người trung đoàn trưởng đầu tiên ấy vẫn may mắn và hạnh phúc sống đến hôm nay, để thấy đất nước đã thay da đổi thịt, con đường máu lửa năm xưa nay đã nở hoa.
Những ngày tháng, những trận đánh mãi còn in đậm trong tâm trí ông. 60 năm sau, trở lại chiến trường xưa, nơi ông đã cùng bao đồng đội vào sinh ra tử, tung hoành trên Đường 4 khiến kẻ thù khiếp sợ và kính nể, “Hùm xám” ngày nào giờ đã già nhưng nét oai phong và tiếng thơm muôn đời sẽ còn mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét