Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

ĐIỆN BIÊN PHỦ: VŨ KHÍ GÌ CỦA LIÊN XÔ KHIẾN QUÂN PHÁP KINH HỒN, BẠT VÍA?

 Khi âm thanh đó phát ra, những lính lê dương Đức ở Điện Biên Phủ chỉ kịp hét lên "Đạn pháo Stalingrad!", rồi ném vũ khí và trốn xuống đáy hào.

Quan sát viên của Đài tiếng nói nước Nga Aleksei Lenxov nhắc lại, ngay từ hồi tháng 9-10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Stalin một bức thư đề nghị Liên Xô 'hỗ trợ bất cứ điều gì có thể' cho Việt Nam.
Khi ấy, các cảng của Việt Nam đều nằm trong tay người Pháp, còn các khu vực phía nam Trung Quốc bị Quốc Dân Đảng kiểm soát, Liên Xô chỉ có thể dành cho nước cộng hòa Việt Nam non trẻ sự ủng hộ tinh thần về mặt ngoại giao.
Nhưng đến năm 1950, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Tháng Giêng năm đó, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa được Liên Xô, Trung Quốc công nhận, sau đó các nước dân chủ nhân dân khác cũng lên tiếng công nhận Việt Nam.
Đầu những năm 50 thế kỷ trước, khu vực phía Nam của Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam đã thuộc sự kiểm soát của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vừa công bố độc lập vào tháng 10 năm 1949.
Như vậy, lực lượng yêu nước ở Việt Nam đã có đường để đến với các nước thân thiện, còn các quốc gia này từ nay có cơ hội thực sự dành cho Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh sự giúp đỡ đa dạng, chủ yếu là viện trợ quân sự.
Sử gia Matxcơva Anatoly Sokolov viết:
“Thỏa thuận sơ bộ về việc Liên Xô viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được ở Matxcơva từ tháng 2/1950, tại cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Xô, kể cả với Stalin.
Lãnh đạo Liên Xô khẳng định với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng Liên Xô sẽ viện trợ quân sự cho lực lượng yêu nước Việt Nam".
Qua đường Trung Quốc, Liên Xô đã gửi pháo cao xạ và xe tải cho Việt Nam. Sau khi trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ban lãnh đạo Liên Xô gửi thuốc ký ninh, vì nhiều người dân Việt Nam bị bệnh sốt rét.
Stalin ngay lập tức ra lệnh viện trợ cho Việt Nam nửa tấn ký ninh, là loại thuốc thực sự có ý nghĩa quan trọng khi đó.
Trong tháng 10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Matxcơva một lần nữa. Trong chuyến thăm này, theo đề nghị của ông, ban lãnh đạo Liên Xô đã vạch ra các hướng chính của chương trình giúp đỡ Việt Nam.
Chỉ ba tuần sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua Nghị định về việc viện trợ cho Việt Nam số lượng lớn vũ khí và thuốc men, danh sách phần lớn trùng với đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ tháng Năm năm 1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được từ Liên Xô tổng cộng 76 khẩu pháo, một số lượng lớn súng trường Kalashnikov và 685 xe tải.
Khi đó, 12 khẩu pháo Kachiusa do Liên Xô viện trợ đã góp phần quyết định số phận của trận Điện Biên Phủ.
Theo các sĩ quan Pháp bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, trong thành phần lính lê-dương Pháp có khá nhiều lính người Đức, mười năm trước đó từng tham chiến chống Liên Xô.
Khi nghe những loạt đạn Kachiusa đầu tiên, họ hiểu ngay ra rằng quân đội nhân dân Việt Nam đang có trong tay thứ vũ khí nguy hiểm nào và hét lên "Đạn pháo Stalingrad!", rồi ném vũ khí và trốn xuống đáy hào.
Viện trợ của Liên Xô dành cho các lực lượng yêu nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ hạn chế bằng nguồn cung cấp vũ khí quân sự.
Những tác phẩm văn học Xô Viết đã có ý nghĩa rất quan trọng. "Người mẹ" của M. Gorky, "Sông Đông êm đềm" của Sholokhov, "Thép đã tôi thế đấy!" của N. Ostrovsky, "Chúng tôi - những người Xô Viết" của B. Polevoi, "Ngôi sao" của Kazakevich, "Tỉnh ủy bí mật” của Fedorov… được dịch ra tiếng Việt - kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tham gia - và xuất bản.
Mùa hè năm 1951, nhóm thanh niên Việt Nam đầu tiên được gửi sang các trường đại học của Liên Xô.
Tại Việt Bắc, họ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn lên đường du học. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng khi học ở Liên Xô, họ có nhiệm vụ phải trở thành những chuyên gia giỏi mà nhân dân Việt Nam sẽ rất cần sau khi giành được chiến thắng. Kể từ năm 1953, sinh viên Việt Nam thường xuyên được gửi sang học tập tại Liên Xô.
Tháng 9/1951, đài Matxcơva bắt đầu phát sóng đến Việt Nam. Theo ông Trần Lâm, lãnh đạo đầu tiên của đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, chương trình phát sóng từ Matxcơva ngay lập tức trở thành một yếu tố mạnh mẽ khuyến khích động viên các lực lượng yêu nước Việt Nam.
Ngày 23/4/1952, đại sứ đầu tiên của Việt Nam là Nguyễn Lương Bằng sang Liên Xô và trình quốc thư tại điện Kremlin. Tất cả chi phí cho hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam do phía Liên Xô đài thọ.
Cũng trong năm đó, Liên Xô gửi đến Việt Nam hàng chục bộ phim truyện và tài liệu, hàng ngàn đĩa hát với các bài hát Liên Xô và bài hát dân gian Nga, hơn 3500 máy ảnh, 24 máy chiếu phim, cùng với các thiết bị để xây dựng nền điện ảnh Việt Nam.
Năm 1953, tại Đại hội công đoàn thế giới lần thứ 3, theo sáng kiến ​​của đoàn đại biểu Liên Xô, các đại biểu đã quyết định lấy ngày 19/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế Đoàn kết với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu anh dũng, ủng hộ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Nhân Dân: "Những người dân Liên Xô trẻ và già đều thấm nhuần tinh thần đoàn kết quốc tế với Việt Nam".
Tùng Đinh (Theo Đài tiếng nói nước Nga) - VTC News
Ảnh 1: Hàng loạt tên lửa phóng đi khi Kachiusa khai hỏa
Ảnh 2: Pháo Kachiusa - Ảnh minh họa
Ảnh 3: Một hệ thống tên lửa Kachiusa của Liên Xô trước đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét