Đầu tháng 4/1975, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết, chỉ rõ: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhanh chóng đánh sụp hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”.
Đứng trước nguy cơ bị sụp đổ, quân địch ở Bến Tre vẫn ngoan cố mở những cuộc hành quân lấn chiếm, ra sức phòng thủ thị xã, thị trấn. Chúng củng cố binh lực, lấp lại đồn bót ở một số vùng xung yếu, điều quân cơ động đánh phá vùng ven.
Tỉnh ủy Bến Tre chỉ thị: “Khẩn trương tổ chức lực lượng chính trị, vũ trang với tốc độ quy mô nhảy vọt, hình thành đội ngũ chặt chẽ, chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn.
Theo lệnh của Ban chỉ đạo chiến dịch và hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh, chiều 30/4/1975, các lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng khởi nghĩa của quần chúng tiến công hầu hết các đồn bót, Phân chi khu và căn cứ quan trọng ở các huyện cùng hàng loạt đồn tua vùng ven thị xã, giải phóng hầu hết các đồn bót ở vùng yếu, vùng tranh chấp.
Cùng với tiến công quân sự, ta đưa lực lượng chính trị, binh vận triển khai vào nội ô thị trấn, thị xã thúc ép địch đầu hàng. Trước áp lực mạnh mẽ của gia đình binh sĩ, sĩ quan, cơ sở nội tuyến và khí thế quần chúng, bọn sĩ quan, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền lần lượt bỏ hàng ngũ, bỏ nhiệm sở.
20 giờ ngày 30/4/1975, Tỉnh trưởng Phạm Chí Kim trốn chạy thoát thân, bỏ lại cán bộ hành chính và binh lính dưới quyền hoang mang lo sợ.
Trong lúc đó hướng Tây-Bắc thị xã, ta dùng cối 82 ly bắn vào trận địa pháo của địch và đặc công tiến đánh nhiều lô cốt ở sân bay Tân Thành.
Những ngày cuối tháng 4/1975, ngành Binh vận tận dụng thời cơ, tăng cường móc nối cơ sở nội tuyến lập công, góp sức thúc đẩy nhanh quá trình tan rã của lực lượng đối kháng và hệ thống chính quyền cũ trong tỉnh.
“Chiều 1/5/1975, việc tiếp quản hoàn tất, kết thúc chiến tranh, không có trả thù đẫm máu, nhân dân phấn khởi, cờ Mặt trận giải phóng tung bay khắp phố phường thị xã”.
Cùng thời điểm này ở các thị trấn Mỏ Cày, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách và các vùng nông thôn rộng lớn, lực lượng cách mạng cùng đông đảo quần chúng nhất tề xông lên tiến vào các Phân chi khu, công sở, đồn bót kêu gọi binh lính đầu hàng. Tỉnh Bến Tre hoàn toàn giải phóng.
Nhân dân Bến Tre đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, góp phần cùng với quân, dân miền Nam và cả nước lập nên kỳ tích đại thắng mùa xuân.
Bến Tre là quê hương giàu truyền thống cách mạng, nhân dân Bến Tre anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre đã làm nên cuộc Đồng Khởi oai hùng. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bến Tre đã tự lực vươn lên, giải phóng quê hương góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Trong công cuộc xây dựng quê hương, Bến Tre đã từng bước thay da đổi thịt. Bộ mặt từ thành thị đến nông thôn có sự thay đổi nhanh chóng, kinh tế xã hội liên tục phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được tăng lên. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được đầu tư, đổi mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét