Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

TRƯỜNG PHÁI NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH: 'NGOẠI GIAO CỦA TẤM LÒNG' VÀ CÂU CHUYỆN TỪ THÙ HÓA BẠN

 Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh là “ngoại giao của tấm lòng”, là đạo lý lúc nào cũng đi tìm bạn, lúc nào cũng đặt hòa bình, hữu nghị lên trên và tìm cách thêm bạn bớt thù, tranh thủ biến tất cả mọi nhân tố trở thành nhân tố thuận lợi cho sự hợp tác.

Đó là điều mà nhà ngoại giao Võ Văn Sung, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Pháp và một số nước Tây Âu, đúc kết trong cuốn Câu chuyện “Trái nghề”.
Từ sự nghiệp ngoại giao với những dấu ấn sâu sắc trong kinh tế đối ngoại, công tác dân vận, chính sách đổi mới góp phần khôi phục quan hệ hợp tác với các nước, phá vỡ thế bao vây cấm vận, Đại sứ Võ Văn Sung đã chiêm nghiệm rằng, ngoại giao không chỉ là làm ngoại giao chính thức mà làm cả ngoại giao dân vận, lấy tấm lòng và lẽ phải làm định hướng cho hành động.
Sau ngày thống nhất đất nước, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đặt ra cho toàn ngành nhiệm vụ “ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế” nhằm bảo đảm điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, phát triển nhanh chóng.
Lúc bấy giờ, ông Võ Văn Sung, Trợ lý Bộ trưởng, là một trong số những người được giao trực tiếp công việc này.
Coi Việt kiều như một lực lượng của Việt Nam ở nước ngoài
Nhiệm vụ “ngoại giao làm kinh tế” đặt ra bài toán phải tìm hiểu kinh nghiệm các nước xử lý các vấn đề kinh tế, thu thập thông tin dự báo và những thông tin về cơ chế chính sách, luật pháp của các nước để cung cấp cho các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp trong nước.
Rõ ràng, bài toán này không đơn giản chỉ ngồi ở trong nước có thể giải được. Trăn trở để giải được bài toán đó, Đại sứ Võ Văn Sung đã tìm thấy một lời giải từ vai trò của bà con Việt kiều.
Lúc bấy giờ Đại sứ Võ Văn Sung được giao nhiệm vụ là phải từ lực lượng Việt kiều lớn nhất của ta lúc bấy giờ là ở Pháp, từ đó giúp đỡ cho phong trào Việt kiều ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Sau khi Việt Nam được hòa bình thống nhất, nhiều bà con Việt kiều đã tham gia hoạt động phong trào trong nhiều năm ở một số nước, đặc biệt là ở Pháp, có nguyện vọng tha thiết là được về quê hương để xây dựng Tổ quốc.
Lúc bấy giờ, nhiều người ủng hộ ý kiến này nhưng riêng Đại sứ Võ Văn Sung thì không hoàn toàn tán thành cách đưa ồ ạt bà con trí thức Việt kiều về nước.
Theo Đại sứ Võ Văn Sung, người Việt không nhất thiết phải về nước mới có thể xây dựng Tổ quốc, ở nước ngoài họ có thể đóng góp nhiều hơn bằng hoạt động, hiểu biết, điều kiện thuận lợi sẵn có của mình để giúp đất nước trong công cuộc đổi mới.
Đại sứ Võ Văn Sung đã đề xuất với lãnh đạo trong nước phải coi Việt kiều như một lực lượng của Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, chẳng khác gì các chiến sĩ và đồng bào ở trong nước. Lãnh đạo ta cũng rất đồng tình với đề xuất này.
Ở thời điểm đó, phương tiện liên lạc như Internet, fax không tân tiến như bây giờ nên chỉ ở những vị trí như bà con trí thức Việt kiều mới có thể dễ dàng cập nhật cho đất nước những thông tin mới nhất về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Đó là một việc rất quan trọng mà Đại sứ Võ Văn Sung tin rằng, những người đang làm việc trong nước rất cần.
Ngoài những bạn bè quốc tế ở các nước bạn thì người giúp cung cấp thông tin tốt nhất chính là lực lượng Việt kiều, bởi lẽ bà con Việt kiều vừa hiểu được tình hình trong nước, hiểu được yêu cầu, lại hiểu được nước sở tại, hiểu được ngành nghề của mình.
Đại sứ Võ Văn Sung đúc kết: “Dù có chăm lo cho đất nước làm ăn về kinh tế sau ngày giải phóng, nhưng cũng phải nhìn về lâu dài và phải thấy được mỗi lực lượng đều có vai trò của nó, trong đó lực lượng Việt kiều đóng một vai trò rất lớn”.
Theo ông Sung, đứng về trách nhiệm những người lãnh đạo của Việt Nam khi suy nghĩ bố trí lực lượng kinh tế thì phải nhìn cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một lực lượng lớn trong việc xây dựng đất nước.
Sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế
Đại sứ Võ Văn Sung cho rằng, bên cạnh lực lượng Việt kiều, lực lượng bạn bè quốc tế ủng hộ giúp đỡ Việt Nam rất đáng quý và cần phải tận dụng, tranh thủ.
Trong cuộc chiến sinh tử hơn 30 năm của Việt Nam có ba thế lực xâm lược là phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ở cả ba nước này đều hình thành những lực lượng bạn bè ủng hộ giúp đỡ Việt Nam, bao gồm cả những người trước kia từng có hành động lầm lỡ hoặc thù địch đối với ta.
Trong nhân dân Mỹ, phong trào chống chiến tranh đã có lực lượng rất rộng rãi với những tên tuổi quen thuộc như Jane Fonda, nghệ sĩ điện ảnh đã đặt tên Việt cho con trai mình là Troy để tỏ lòng kính trọng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, như nhà vô địch quyền Anh thế giới Mohamed Ali kiên quyết không chịu tham gia chiến tranh Việt Nam, như vua nhạc pop Micheal Jackson từ lúc 11 tuổi đã vẽ tranh chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, như ca sĩ Bob Dylan với các bài hát chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, hay đặc biệt như nhà hoạt động vì hòa bình Norman Morrison đã tự thiêu để chống chiến tranh Việt Nam,…
Ngoài ra, một số đông những cựu binh gọi là Vietvet, trước đây từng gia nhập quân đội Mỹ sang tham chiến ở Việt Nam rồi trở về và hình thành một lực lượng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cho đến nay, nhiều người trong số họ vẫn giữ được tình cảm với Việt Nam.
Đặc biệt, trong số đó phải kể đến ông Peter Peterson, là một phi công từng bị bắt làm tù binh ở miền Bắc, sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Hà Nội và đã góp phần tích cực gây dựng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Thậm chí, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 là Thượng nghị sỹ John McCain cũng là một người bạn gần gũi với Việt Nam. Ông là phi công chiến đấu hải quân bị bắt làm tù binh ngay tại Hà Nội và ở nhà tù Hỏa Lò suốt bảy năm.
Quá trình đó đã giúp ông John McCain hiểu thêm rất nhiều về đất nước và nhân dân Việt Nam. Trở về Mỹ, ông đã tìm cách giúp Việt Nam và trở thành một trong những nhân vật tích cực nhất thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
Theo Đại sứ Võ Văn Sung, suy cho cùng quan hệ quốc tế đúng nghĩa của nó phù hợp với nguyện vọng sâu xa của mọi người là vì hạnh phúc của con người, mà biểu hiện quan trọng nhất là hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Chuyện về một người bạn Mỹ
Trong số rất nhiều người Mỹ tích cực góp phần thúc đẩy xu hướng bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ Võ Văn Sung dành nhiều ấn tượng cho một người bạn Mỹ là ông Don Healey.
Trong một lần họp báo ở Tokyo năm 1989, sau khi kết thúc có một người tự giới thiệu là Tham tán Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ, xin được gặp và nói chuyện riêng với ông Võ Văn Sung khi đó là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Vị Tham tán ĐSQ Mỹ đưa cho Đại sứ Võ Văn Sung bức ảnh vợ và hai con của mình rồi thổ lộ suốt đời ông luôn cảm phục Việt Nam và sự việc hai con ông còn sống đến nay là nhờ các chiến sĩ giải phóng Việt Nam.
Ông Don Healey kể rằng, Tết năm 1968 khi quân giải phóng Việt Nam đánh vào ĐSQ Mỹ ở Sài Gòn, nơi ông đang làm việc. ĐSQ Mỹ có bắt được một tài liệu của quân giải phóng là bản sơ đồ ĐSQ, trong đó vị trí phòng gia đình ông ở được đánh dấu với lời chú thích “không được đánh vào đây vì có hai đứa bé”.
Thực tế, trận đánh cho thấy quân giải phóng Việt Nam thực sự tránh tấn công nơi gia đình ông Don Healey ở. Việc này làm cho ông thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về quân giải phóng và con người Việt Nam.
Ông Don Healey đề nghị được giới thiệu vợ và hai con mình với vợ chồng Đại sứ Võ Văn Sung. Và từ đó, vị Tham tán ĐSQ Mỹ đã trở thành một người bạn thân tình của Đại sứ Võ Văn Sung.
Sau khi trở về Mỹ, ông Don Healey vẫn giữ liên hệ với Đại sứ Võ Văn Sung để trao đổi về các việc ông tham gia ở Mỹ để góp phần thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Khi đã ngoài 80 tuổi, ông Don Healey vẫn thường tin tức cho Đại sứ Võ Văn Sung về gia đình ông, đặc biệt là những lần ông lên chức ông nội hay ông ngoại. Mỗi lần như vậy, ông Don Healey lại nhắc sự việc quân giải phóng không đánh vào các con ông và nhờ vậy ông mới được “lên chức” ông nội, ông ngoại.
Theo Đại sứ Võ Văn Sung, suy cho cùng, quan hệ quốc tế đúng nghĩa của nó phù hợp với nguyện vọng sâu xa của mọi người là vì hạnh phúc của con người, mà biểu hiện quan trọng nhất là hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Đại sứ Võ Văn Sung nhấn mạnh: “Từ đó, nói một cách thật ngắn gọn, tôi gọi trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh là ngoại giao của tấm lòng”.
Quang Hiếu - Báo Quốc tế
Ảnh 1: Ông Võ Văn Sung (hàng thứ 2, ngoài cùng bên trái) tham gia phái đoàn Việt Nam trong lễ ký kết Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973.
Ảnh 2: Ông Võ Văn Sung (1928-2018) là Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Pháp và một số nước Tây Âu. Ông đã thay mặt chính phủ đàm phán, ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với hơn 20 quốc gia trên thế giới. Ông là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 1988-1992.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét