Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

TƯỚNG CÕNG LÍNH

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh), sinh ngày mùng 1 tháng 1 năm 1914 tại làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng công tác ở nhiều lĩnh vực chính trị khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó nên còn được gọi là “Vị tướng phong trào”.

Chiến dịch Thu Đông 1951, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đi thực tế tại các đơn vị của Đại đoàn 312, đang tấn công địch xuống vùng đồng bằng ven biển. Hôm ấy, đoàn của ông gặp một con suối to, nước chảy xiết. Đang chuẩn bị lội qua thì thấy một anh cán bộ chỉ huy cũng đang tìm cách vượt suối. Trông anh rất oách. Anh ta quay sang hai bên nghiêng ngó rồi cất giọng hỏi, vừa hách lại vừa thân mật:
- Ơ... Có cậu nào cõng tớ qua suối tí nhỉ!
Chưa ai kịp phản ứng gì thì ông đã xông ngay lên mấy bước, nói gọn ghẽ, đúng điều lệnh quân đội:
- Báo cáo! Để em cõng!
Thấy có “anh lính” xung phong nhận cõng qua suối nên “phốc” một cái anh cán bộ đã ung dung ngồi chễm chệ trên lưng vị tướng. Lội được một đoạn, làm ra vẻ quan tâm, anh ta tranh thủ bắt chuyện làm quen với người “cần vụ mẫn cán” bất chợt này:
- E... hèm! Này, cậu... gì này, thế cậu ở “xê” nào?
- Dạ. Báo cáo anh, em chẳng ở “xê” nào cả.
Nghe vậy, anh cán bộ phá lên cười:
- Cái cậu này tếu thật! Nói đi. Cậu ở đâu?
Giọng ông Thanh nhã nhặn:
- Báo cáo anh, em làm ở Tổng cục ạ.
Nghe thấy câu “em làm ở Tổng cục”, anh cán bộ bỗng chột dạ, giọng hơi run, hỏi tiếp:
- Cậu... ấy chết, anh ạ! Dạ... thế anh ở Tổng cục nào ạ? Anh làm bên Tham mưu, Hậu cần hay là bên Chính trị?
Vẫn giọng nói nghe đậm chất Huế:
- Dạ, báo cáo anh, em bên Tổng cục Chính trị ạ.
- Dạ thưa... Anh ở phòng nào hay là phụ trách phòng nào trên Tổng cục ạ?
- Báo cáo anh, em chẳng ở phòng nào. Em phụ trách cả Tổng cục.
Anh cán bộ nghe thấy vậy càng hoảng sợ:
- Ấy... dạ... thưa... vậy... thế tên anh là gì ạ?
- Dạ, báo cáo anh, em là Nguyễn Chí Thanh ạ.
Nghe đến đây anh cán bộ giật bắn người, giọng như lên cơn sốt rét:
- Úi giùi ui! Thôi chết em rồi! Em lạy anh! Em xin anh! Anh tha cho em. Anh cho em xuống ngay ạ. Anh ơi... cho em xuống ngay... E...m ..x...i...n anh!
Thế rồi anh ta bắt đầu vùng vẫy, giãy giụa rất mạnh. Nhưng kỳ lạ thay, anh ta càng vùng vẫy ông Thanh lại càng vít chặt cái mông khá to của anh ta:
- Cậu này hay nhỉ? Tớ và cậu cùng là lính với nhau, cõng nhau có gì đâu mà cậu lo... Cứ ngồi yên, tớ cõng!
Anh cán bộ nghe vậy càng sợ, van xin:
- Úi anh ơi! Em lạy anh, anh cho em xuống, anh tha tội cho em ạ.
Giọng vị tướng vẫn nhẹ nhàng:
- Cậu này lạ thật đấy nhỉ! Lính với lính cả. Tớ cõng cậu thì có làm sao đâu? Ngồi yên không cả hai đứa ngã xuống đây thì ướt hết bây giờ.
Khi sang đến bờ bên kia, người anh cán bộ vẫn khô ráo. Anh ta tụt nhanh xuống rồi quỳ mọp xuống dưới đất, vừa khóc vừa lạy như tế sao:
- Ối anh ơi! Em xin anh! Em có mắt như mù. Dạ, anh tha tội cho em. E...m, em không biết anh là...
Ông vẫn tươi cười:
- Tớ nhắc lại nhé. Cùng là lính với nhau cả. Cậu đừng băn khoăn gì. Này, tớ hỏi cậu: Chức vụ gì? Tiểu đoàn nào? Trung đoàn nào?
- Báo cáo thủ trưởng Tổng cục, em là tiểu đoàn trưởng... thuộc Trung đoàn 55 ạ.
Nghe xong, ông choàng vai anh ta thân mật hỏi:
- Tiểu đoàn cậu quân số thế nào? Có tổn thất gì không? Có ai ốm yếu gì không?
Anh tiểu đoàn trưởng vẫn chưa hết sợ, vẫn cứ quay về chuyện ngồi trên lưng ông. Anh ta khẩn khoản:
- Anh ơi! Xin anh tha tội cho em.
Vị tướng bực quá, hô: Nghiêm!
Bất chợt ông lại nói với anh cán bộ giọng thân mật:
- Cậu làm sao vậy? Đã bảo không nói chuyện ấy nữa mà. Cậu phải trả lời tôi thế nào? Trang bị vào chiến dịch có thiếu thốn gì không?
Đến lúc này, anh ta mới trấn tĩnh được phần nào:
- Báo cáo! Chỉ thiếu mươi khẩu tiểu liên. Trung liên, đại liên đủ! Thuốc men đủ! Đơn vị có hai chiến sĩ sốt cao, đã cho vào bệnh xá. Hết!
- Được. Thế cậu có tin rằng trong chiến dịch này ta sẽ đạt yêu cầu Bộ Tổng tư lệnh đề ra không?
- Ta nhất định thắng!
Thế kỷ 20, trong thời đại Hồ Chí Minh, trước những phong ba, bão táp chưa từng có của lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người trong số đó. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng tận trung với nước, tận hiếu với dân, với Đảng. Đó là cơ sở để Bác Hồ tin cậy, giao cho ông những trọng trách lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Và nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Không chỉ là “người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng” như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn bình dị, gần gũi trong lòng đồng chí, đồng đội và với cả những người dù chỉ một lần được gặp ông.
53 năm ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967) giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xin được kể lại câu chuyện về vị Tướng “sáng trong như ngọc một con người”. Bài viết này xin thay cho nén tâm nhang tri ân vị Tướng suốt đời vì dân, vì nước!
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét