Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

NHỮNG CHIẾN BINH TRONG LÒNG BIỂN ĐÔNG: NỒNG HẬU NƯỚC NGA

 Theo kế hoạch, các kíp tàu ngầm phải học cách làm chủ “Hố đen đại dương” Kilo 636 trong 4 năm ở xứ sở Bạch Dương. Thế nhưng, những người lính tàu ngầm Việt Nam đã lập “kỳ tích” khiến các chuyên gia, giảng viên ở Học viện Hải quân Liên bang Nga thán phục khi hoàn thành xuất sắc khóa học sớm tới gần 2 năm.

Cuối tháng 8/2011, Kíp huấn luyện Chỉ huy - Nghiệp vụ và Kíp tàu ngầm đầu tiên lên đường sang Nga huấn luyện. Ngày 1/9/2011, tại Trung tâm 650 (Trung tâm đào tạo Hải quân nước ngoài) ở thành phố Saint Petersburg, Học viện Hải quân Liên bang Nga tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo học viên tàu ngầm Kilo 636 cho các học viên thuộc Kíp Chỉ huy cơ quan, nghiệp vụ và Kíp Trung tâm huấn luyện tàu ngầm.
Nỗ lực luyện rèn
Xác định trọng trách được Tổ quốc giao phó, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, Đoàn Việt Nam vào học tập ngay. Ngoài thời gian học chính khóa theo thời khóa biểu, các kíp tàu còn tích cực huấn luyện, học tập thêm vào các buổi tối và sáng ngày nghỉ cuối tuần. Đồng thời, tổ chức huấn luyện cho những người trái chuyên ngành những kiến thức cơ bản, kiến thức nền.
Vừa học vừa rèn, các sĩ quan được phân công nhiệm vụ cụ thể theo các khoa mục huấn luyện, tổ chức soạn giáo án huấn luyện chuyên sâu cho quân nhân chuyên nghiệp theo các vị trí chiến đấu sẽ đảm nhiệm trong tương lai. Để kiến thức được “thẩm thấu” tốt, cả đoàn còn tổ chức các nhóm học thảo luận do trưởng, phó ngành duy trì, quân nhân sau mỗi buổi thảo luận đều phải có bài thu hoạch. Tất cả đã cùng thể hiện ý chí, quyết tâm rất cao.
Nhớ về quãng thời gian học tập với “200% công suất” này, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Trọng Nghiêm, Tiểu đội trưởng hầm tàu, Tàu ngầm 187 - Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, các kíp tàu đi trước có kinh nghiệm, tài liệu gì thì truyền lại cho các kíp tàu sau để học hỏi lẫn nhau nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Anh em còn tích cực nâng cao trình độ tiếng Nga để sau này làm chủ tàu ngầm thuận lợi nhất. Phương pháp được áp dụng là hàng ngày, các thủy thủ nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga khi trao đổi công việc, trong mỗi buổi giao ban hay những lúc rảnh rỗi…
“Khi đã thành thạo thì mỗi khi xin được tài liệu từ phía bạn, thủy thủ ta lại tích cực dịch tài liệu ra tiếng Việt. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ đi học ở Nga đều xem đây là vinh dự, tự hào rất lớn khi được Đảng, Nhà nước, Quân đội chọn lựa. Chúng tôi xác định phải không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin yêu đó”, thượng úy Nghiêm nói.
Chiếc compa bạc màu
Học xong lý thuyết, kíp cơ quan và trung tâm huấn luyện được xuống tàu ngầm trước. Sau khi đi thực tế trên tàu ngầm và đi biển, họ ghi lại tất cả kinh nghiệm, kiến thức học được truyền lại cho các kíp tàu ngầm sau theo kiểu băng chuyền, giúp các kíp tàu sau học rất nhanh và thuận lợi.
Thượng tá Đoàn Anh Kỳ, Thuyền trưởng tàu ngầm 185 - Khánh Hòa cho biết, bài học ban đầu của thủy thủ là làm quen với không gian trên tàu ngầm. Đó là nghiên cứu cách bố trí khoang, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, các vị trí chiến đấu sau khi tốt nghiệp được đảm nhiệm ra sao trên “con cá voi” dài gần 74m với lượng giãn nước hơn 3.000 tấn này.
“Cảm giác lần đầu được xuống tàu ngầm rất hồi hộp, vì đây chính là con tàu mà sau này chúng tôi sẽ làm chủ khi đưa về nước. Mới đầu cũng ngợp bởi hệ thống khí tài rất hiện đại của tàu cùng hàng nghìn nút điều khiển. Tuy nhiên, do có quá trình huấn luyện tốt nên chúng tôi làm quen rất nhanh và nhanh chóng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành”, thượng tá Đoàn Anh Kỳ tâm sự.
Đến giờ, trung tá Lê Trung Hiếu, Phó Thuyền trưởng tàu ngầm 187 - Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn luôn giữ chiếc compa mà thầy giáo Vladimir tặng anh từ năm 2013 như một kỷ vật thiêng liêng của tình thầy trò, tình bạn thủy chung Việt - Nga. Khi đó, thiếu tá Hiếu đang là Trưởng ngành 4-7 (thông tin, radar, sona) thuộc Kíp tàu ngầm số 2.
Anh kể: “Thầy Vladimir tặng tôi món quà này khi tôi trong quá trình thực tập trên tàu ngầm 183 - TPHCM ở Nga và tận tình hướng dẫn cách sử dụng compa tác nghiệp dưới tàu. Thầy dạy tôi từ cách cầm compa để đo, kẻ, vẽ, rà, xác định trên bản đồ. Trở về nước, tôi luôn sử dụng chiếc compa này để tác nghiệp. Bây giờ nó đã bong tróc hết lớp sơn nhưng tôi vẫn luôn trân quý tình cảm của người thầy đã truyền kiến thức chuyên ngành, tiếp thêm động lực để tôi vươn lên trong học tập”.
Vui - buồn nơi xứ lạnh
Thiếu tá Nguyễn Tiến Đoạt, Thuyền trưởng tàu ngầm 187 - Bà Rịa-Vũng Tàu nhớ lại: Lúc mới sang, mọi người choáng ngợp trước vẻ đẹp cổ kính của thành phố Saint Petersburg với những cung điện nguy nga, những con phố cổ kính… Dường như mọi giá trị lịch sử của đất nước Nga đều được giữ lại, đặc biệt là các hiện vật lịch sử của Hải quân Nga.
“Được tiếp xúc với nền văn hóa, con người Nga, chúng tôi nhận thấy họ rất hiếu khách, trân trọng tình bạn thật sự, thích giao tiếp và đùa vui. Họ dành tình cảm đặc biệt cho phụ nữ và có ý thức kỷ luật rất cao”, thiếu tá Nguyễn Tiến Đoạt kể.
Với thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Văn Nhẫn, thủy thủ tàu ngầm 183 - TPHCM, trước khi sang Nga học tập, anh xem truyền hình và rất thích khung cảnh tuyết rơi phủ trắng các mái nhà, con đường và làm đóng băng các cành cây: “Trước đây, tôi từng ước muốn một lần được sang nước Nga. Mong ước đã trở thành hiện thực khi tôi được trải nghiệm mùa đông tuyết trắng với nhiệt độ âm 20 độ C, mặc áo khoác dày mà vẫn lạnh run người, rồi được đắp người tuyết, thật thú vị”.
Học tập nơi đất khách, dù tập trung cao độ cho nhiệm vụ quan trọng này, nỗi nhớ quê nhà, người thân vẫn âm thầm len lỏi trong tâm trí mỗi người lính tàu ngầm. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Ngô Bá Tình, thủy thủ tàu ngầm 184 - Hải Phòng chia sẻ, ngoài vinh dự và trách nhiệm thì gia đình, vợ con luôn là chỗ dựa vững chắc để anh vượt qua khó khăn gian khổ.
“Mỗi khi rảnh rỗi, tôi gọi về nhà bằng mạng xã hội. Tuy không ôm được vợ, không bế được con, nhưng nghe con kể những câu chuyện hồn nhiên, ngây thơ là thấy hạnh phúc lắm”, thượng úy Tình hồi tưởng lại.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Trọng Nghiêm kể: “Tôi nhớ mãi kỷ niệm khi hỏi thầy giáo Nga về các vấn đề chuyên ngành máy hầm tàu mà tôi đảm nhiệm. Thấy tôi hỏi nhiều “Vì sao lại thế này? Vì sao lại thế kia?”, thầy nổi cáu, nói “Hỏi gì mà hỏi nhiều thế?”. Chúng tôi xác định học để có kiến thức thì không gì phải ngại, cái tôi cá nhân phải bỏ qua một bên.
(Còn nữa)
N.M, Q.T - Báo Tiền Phong
Ảnh 1: Thủy thủ tàu ngầm Việt Nam (bên phải) trong thời gian học tập ở Liên bang Nga
Ảnh 2: Một trong 6 tàu ngầm rời Liên bang Nga về Việt Nam

VIỆT NAM SẼ LÀM HẾT SỨC MÌNH ĐỂ ĐÓNG GÓP CHO CÔNG CUỘC BẢO VỆ HÒA BÌNH

  Tại Phiên toàn thể thứ hai của Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 9 diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, chiều 23-6, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam đã có phát biểu quan trọng. VỮNG TIN THEO ĐẢNG trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Thưa toàn thể các Quý vị,
Tôi xin cảm ơn Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và cá nhân Đại tướng Sergei Shoigu đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow. Qua 9 lần tổ chức, Hội nghị tiếp tục khẳng định là một diễn đàn hàng đầu tại khu vực, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Tôi đánh giá cao những chủ đề mà Ban Tổ chức đưa ra cho Phiên toàn thể này, trong đó có chủ đề mà tôi muốn chia sẻ hôm nay là “Các quan điểm chiến lược về an ninh khu vực”. Trong bối cảnh, tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, khó lường, việc đề cập đến những quan điểm chiến lược về an ninh khu vực là hết sức thiết thực, thể hiện nhận thức của chúng ta trước những thách thức to lớn cần phải vượt qua; đồng thời, phản ánh mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định, làm tiền đề cho hợp tác và phát triển.
Thưa toàn thể các Quý vị,
Trật tự thế giới từ sau năm 1945 góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định là xu thế chủ yếu, làm cơ sở để nền kinh tế toàn cầu gặt hái nhiều thành tựu to lớn. Nhiều quốc gia trong khu vực đã có những phát triển như vũ bão, trở thành những “câu chuyện thành công”, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng toàn cầu và đi đầu trong liên kết kinh tế, là trọng tâm chiến lược toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn với các vấn đề có tính chất toàn cầu, bao gồm cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, an ninh mạng, thảm họa thiên tai... Đặc biệt, từ đầu năm 2020 cho tới nay, cả thế giới đang phải gồng mình để ứng phó với một mối đe dọa chưa từng có trong lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đứng trước những thách thức này khiến chúng ta không khỏi quan ngại, song, chúng ta có cơ sở để lạc quan về những điều tốt đẹp mà xu thế hợp tác, đối thoại cũng như các cơ chế đa phương nhiều tầng nấc trong khu vực mang lại. Trong lĩnh vực quốc phòng, không thể không nhắc tới các cơ chế do ASEAN làm chủ đạo như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Được hình thành chưa lâu, nhưng ADMM+ đã có những đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định của khu vực với tư cách là diễn đàn chia sẻ về quốc phòng-an ninh, cũng như cơ chế thúc đẩy hợp tác thực chất. Rất nhiều đề xuất, hoạt động hợp tác thực chất được triển khai hướng tới hành động tập thể đối phó với những thách thức chung, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thưa toàn thể các Quý vị,
Đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, nhân loại không bao giờ quên những mất mát và đau thương trong giai đoạn này mà Liên Xô là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất. Những đóng góp của quân đội và nhân dân Liên Xô, trong đó Liên bang Nga đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít là không thể chối bỏ. Việt Nam cũng như các quốc gia yêu chuộng hòa bình tại khu vực và trên thế giới luôn khắc ghi vai trò chủ chốt, mang tính quyết định của Liên Xô đối với chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Việt Nam cũng như các nước ASEAN đánh giá cao sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Nga tại cơ chế ADMM+ kể từ khi thành lập. Bên cạnh tham gia vào ADMM+, Nga cũng tích cực thúc đẩy quan hệ quốc phòng-an ninh với ASEAN như đề xuất các Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Nga và Diễn tập Hàng hải ASEAN - Nga... Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga khởi xướng và chủ trì tổ chức, trong đó có Hội thao quân sự quốc tế (Army Games). Các hoạt động thực tế đã góp phần củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm tiền đề cho các hoạt động hợp tác cũng như tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các lực lượng tham gia.
Đây là minh chứng cho việc Nga đang ngày càng khẳng định vai trò của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, trở thành nhân tố tích cực cùng ASEAN duy trì sự cân bằng trong khu vực, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, giảm chạy đua vũ trang, góp phần duy trì môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực.
Thưa các Quý vị,
Về phần mình, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các quy định thống nhất trong khu vực; tích cực, chủ động hợp tác với các nước, trong đó có Nga nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vì cuộc sống của người dân. Từ những kinh nghiệm xương máu của dân tộc mình, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình, và cũng sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho công cuộc bảo vệ hòa bình vì lợi ích, không chỉ của chúng tôi mà còn của tất cả các quốc gia khác.
Xin chúc sức khỏe quý vị và chúc Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow của chúng ta thành công tốt đẹp!
Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng

GIỮ LỬA CÁCH MẠNG QUA TỪNG CON CHỮ

 Báo chí xuất hiện ở nước ta từ giữa thế kỷ XIX nhưng không có tính cách mạng bởi không đại diện, không phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chỉ khi Bác Hồ và các lãnh tụ tiền bối của Đảng ta làm báo, biết sử dụng báo chí như vũ khí sắc bén phục vụ sự nghiệp giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam tự do, dân chủ, mới thực sự có nền báo chí cách mạng.

Tiếng “đả tự khí” giữa đêm khuya...
Máy đánh chữ mà các cụ theo Nho học gọi là “đả tự khí”, nhất là loại cỡ nhỏ có thể mang theo là đồ vật thường thấy bên mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người sử dụng hơn 170 bút danh để viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau, đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.
Một nhân chứng người Trung Quốc kể lại rằng: Mùa hè năm 1939, ở Quế Lâm (Quảng Tây), Bác Hồ trong vai Thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang có nhờ người hay đi Hồng Kông và Hải Phòng mua hộ một chiếc “đả tự khí” mới. Nhiều đêm người ta nghe thấy tiếng “đả tự khí” từ căn phòng của Bác... Người đã sử dụng chiếc máy đánh chữ để viết nhiều bức thư, bài báo về tình hình cách mạng Trung Quốc chống phát xít Nhật gửi về nước đăng trên tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta). Đây là tờ báo tiếng Pháp do Đảng ta xuất bản công khai trong thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939). Người tổ chức tờ báo sau này trở thành người học trò xuất sắc của Bác: Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Bất cứ đâu, thời điểm nào trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ luôn dành thời gian để viết báo; và nếu điều kiện thuận lợi, Bác tổ chức xuất bản báo như: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh niên. Bác đến với báo chí tự nhiên, bởi làm cách mạng phải tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng. Theo hồi ký của nhiều nhà cách mạng cho biết: Mặc dù căm thù thực dân Pháp và tay sai nhưng quần chúng ở trong nước không phải ai cũng có hiểu biết hay bỗng dưng có cảm tình với Chủ nghĩa Mác-Lênin, với đường lối cách mạng của những người cộng sản. Báo in lúc đó là kênh thông tin quan trọng có sức lan tỏa rộng lớn nên Người lao vào làm báo, viết báo một cách say sưa, bền bỉ để giúp mọi người mau chóng giác ngộ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Bài báo đầu tiên của Người mà chúng ta biết là “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) ngày 2-8-1919. Tức là chỉ hai tháng sau khi Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người An Nam yêu nước gửi Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versailles gây chấn động nhà cầm quyền Pháp. “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969 là bài báo cuối cùng của Người. Hai bài báo cách nhau đúng 50 năm, tác giả đứng ở hai vị thế khác nhau nhưng đọc lại đều thấy rực lên ngọn lửa cách mạng nhiệt huyết qua từng con chữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà bản thân Người là một nhà báo cách mạng vĩ đại, là tấm gương cho các nhà báo cách mạng mãi mãi về sau không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo Người.
Lãnh đạo tiền bối và nhà báo lớn
Trở lại với thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Trung ương Đảng và Chính phủ vừa rút lên Việt Bắc, Tổng Bí thư Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật từ số ra ngày 4-3-1947 đến số ra ngày 1-8-1947 dưới đề mục “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Loạt bài viết thuộc hàng xuất sắc nhất của báo chí cách mạng Việt Nam bởi đề cập toàn diện về cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là dự đoán thiên tài về ba giai đoạn (phòng ngự, cầm cự và tổng phản công) của cuộc kháng chiến.
Không có nhiều thời gian trực tiếp viết báo do bận việc quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người Anh Cả của Quân đội ta vẫn được giới báo chí xem là một nhà báo lớn. Đại tướng đã có đúc kết sâu sắc về nghề báo: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi cảm thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”. Qua hồi ức của các nhà báo từng công tác tại Báo Quân đội nhân dân thì Đại tướng luôn có những chỉ đạo, định hướng kịp thời những “bài đinh” về những vấn đề quan trọng trong quân đội. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã chỉ đạo và là người đặt tên bút danh Chính Nghĩa của những bài xã luận, bình luận sắc bén trên 33 số Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận. Từ các bài chỉ đạo của vị Đại tướng toàn tài mà các chiến trường phối hợp hành động làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Được biết, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không có một cơ sở nào đào tạo về viết báo và làm báo. Song nhờ khả năng tự đọc, tự học hình thành nền tảng kiến thức vững chắc, kiên trì tập luyện hành văn, rèn luyện tư duy phân tích logic và khả năng quan sát nên các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng ta đều viết báo sớm, nhanh chóng trở thành những nhà báo lớn, sử dụng báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 400 nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên hy sinh qua các cuộc chiến tranh vệ quốc trên tư thế người chiến sĩ trên mặt trận. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Ngay lúc này, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng báo chí luôn bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng, không thể phủ nhận trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, một số nhà báo có hành vi không chuẩn mực, theo đuổi những lợi ích cá nhân để lại hình ảnh xấu, làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí cách mạng. Để giữ vững kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, tổ chức nghề nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nên tình hình vi phạm trong hoạt động báo chí thời gian qua đã giảm bớt.
Câu chuyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đề cao tinh thần dấn thân, tính cách mạng của người làm báo luôn là vấn đề thời sự. Bởi suy cho cùng, vị thế của báo chí cách mạng Việt Nam có được trong lòng nhân dân suốt gần một thế kỷ qua chính là luôn phụng sự đất nước, nhân dân. Vậy nên, giữ lửa cách mạng qua từng con chữ được thắp lên từ thế hệ đi trước là một di sản vô giá mà những người làm báo hiện nay phải trân trọng, lưu truyền đến mai sau.
TRẦN HOÀNG HOÀNG - Báo QĐND
Ảnh 1: Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm, chúc Tết Báo Quân đội nhân dân ngày 23-1-1966 (Mồng 3 Tết Bính Ngọ).Ảnh tư liệu
Ảnh 2: Cán bộ Báo Quân đội nhân dân chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Xuân Mậu Tý 2008.Ảnh: MINH TRƯỜNG

VIỆT NAM NỖ LỰC CAO NHẤT ĐỂ NGƯỜI DÂN ĐƯỢC HƯỞNG THỤ CÁC QUYỀN CON NGƯỜI CƠ BẢN

 Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân với ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.

Ngày 21/6/2021 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, Khóa họp lần thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên Hợp Quốc (LHQ) đã khai mạc, với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Chủ tịch HĐNQ, bà Nazhat Shameem Khan (Fiji), đã chủ trì phiên Khai mạc, với sự tham dự và phát biểu của Cao ủy Nhân quyền LHQ bà Michelle Bachelet. Đoàn Việt Nam tham dự do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.
Khóa 47 được tổ chức trong bối cảnh có nhiều chuyển biến tích cực trong tình hình dịch COVID-19 và tỷ lệ tiêm chủng tại Geneva trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 và sức khỏe cho các đại biểu, HĐNQ tổ chức Khóa 47 chủ yếu qua hình thức trực tuyến.
Trong Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về tình hình nhân quyền hàng năm và tình hình ứng phó dịch bệnh COVID-19 của các quốc gia, Cao ủy Nhân quyền LHQ bà Michelle Bachelet nhấn mạnh đói nghèo cùng cực, bất bình đẳng và bất công đang tăng lên; không gian dân sự và dân chủ đang bị xói mòn; các nhà lãnh đạo thế giới cần tìm kiếm một con đường rõ ràng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và hướng đến một tương lai bao trùm, xanh và bền vững.
Bà Michelle Bachelet cũng khẳng định các quốc gia cần đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm, đảm bảo không phân biệt đối xử để các chương trình, kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19 đạt hiệu quả tối ưu. Bà Bachelet kêu gọi các quốc gia coi vaccine COVID-19 là tài sản chung và nhấn mạnh đảm bảo phân phối vaccine COVID-19 công bằng và rộng rãi trên toàn cầu là điều kiện tiên quyết để có thể sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19. Bà lưu ý trong ứng phó với đại dịch COVID-19, các quyền dân sự chính trị như quyền tham gia vào các hoạt động công cộng, quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội cần được đảm bảo.
Bên cạnh đó, bà Michelle Bachelet đề nghị các nước tăng cường đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội nhằm tiến tới hiện thực hóa các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua việc sử dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Ngoài ra, Cao ủy Nhân quyền bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại một số nước như Afghanistan, Belarus, Chad, Mali, Colombia, Ethiopia, Haiti, Mexico.
Phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy nhân quyền LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; bày tỏ ủng hộ đối với công việc của Cao ủy Nhân quyền LHQ và các cơ chế nhân quyền LHQ, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền; đồng thời nhấn mạnh nhân quyền không nên bị chính trị hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền hoặc để chỉ trích các quốc gia. Đại sứ cũng thông báo trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân với ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Quỹ Vaccine COVID-19 do Chính phủ thành lập và được người dân Việt Nam ủng hộ rộng rãi là một trong những biện pháp mà Việt Nam tiến hành để đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng quốc gia nhằm hướng đến phục hồi bao trùm sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai kêu gọi các nước nỗ lực để đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine COVID-19, bảo đảm tiếp cận kịp thời và bình đẳng đối với vaccine COVID-19 nhằm kiểm soát hiệu quả đại dịch.
Trong khuôn khổ Khóa họp 47 HĐNQ, một trong các chủ đề trọng tâm của Việt Nam là quyền con người trong biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Dự kiến Việt Nam sẽ tham gia tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đối khí hậu (BĐKH); đồng thời, Việt Nam sẽ thay mặt Nhóm nòng cốt gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2021 về BĐKH và quyền con người, tập trung vào các nhóm người dễ bị tổn thương. Đây là Nghị quyết được Việt Nam và Nhóm nòng cốt giới thiệu hàng năm kể từ năm 2014, để HĐNQ xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh BĐKH).
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Khóa 47 dự kiến sẽ kéo dài bốn tuần, từ ngày 21/6 đến hết ngày 15/7 (dài hơn so với các khóa họp tháng 6 hàng năm) do nhiều cơ chế nhân quyền mới được thành lập, các phiên đối thoại và phiên thảo luận chuyên đề gia tăng đáng kể so với trước./.
Ảnh: Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai
Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng