Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

GIỮ LỬA CÁCH MẠNG QUA TỪNG CON CHỮ

 Báo chí xuất hiện ở nước ta từ giữa thế kỷ XIX nhưng không có tính cách mạng bởi không đại diện, không phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chỉ khi Bác Hồ và các lãnh tụ tiền bối của Đảng ta làm báo, biết sử dụng báo chí như vũ khí sắc bén phục vụ sự nghiệp giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam tự do, dân chủ, mới thực sự có nền báo chí cách mạng.

Tiếng “đả tự khí” giữa đêm khuya...
Máy đánh chữ mà các cụ theo Nho học gọi là “đả tự khí”, nhất là loại cỡ nhỏ có thể mang theo là đồ vật thường thấy bên mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người sử dụng hơn 170 bút danh để viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau, đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.
Một nhân chứng người Trung Quốc kể lại rằng: Mùa hè năm 1939, ở Quế Lâm (Quảng Tây), Bác Hồ trong vai Thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang có nhờ người hay đi Hồng Kông và Hải Phòng mua hộ một chiếc “đả tự khí” mới. Nhiều đêm người ta nghe thấy tiếng “đả tự khí” từ căn phòng của Bác... Người đã sử dụng chiếc máy đánh chữ để viết nhiều bức thư, bài báo về tình hình cách mạng Trung Quốc chống phát xít Nhật gửi về nước đăng trên tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta). Đây là tờ báo tiếng Pháp do Đảng ta xuất bản công khai trong thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939). Người tổ chức tờ báo sau này trở thành người học trò xuất sắc của Bác: Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Bất cứ đâu, thời điểm nào trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ luôn dành thời gian để viết báo; và nếu điều kiện thuận lợi, Bác tổ chức xuất bản báo như: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh niên. Bác đến với báo chí tự nhiên, bởi làm cách mạng phải tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng. Theo hồi ký của nhiều nhà cách mạng cho biết: Mặc dù căm thù thực dân Pháp và tay sai nhưng quần chúng ở trong nước không phải ai cũng có hiểu biết hay bỗng dưng có cảm tình với Chủ nghĩa Mác-Lênin, với đường lối cách mạng của những người cộng sản. Báo in lúc đó là kênh thông tin quan trọng có sức lan tỏa rộng lớn nên Người lao vào làm báo, viết báo một cách say sưa, bền bỉ để giúp mọi người mau chóng giác ngộ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Bài báo đầu tiên của Người mà chúng ta biết là “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) ngày 2-8-1919. Tức là chỉ hai tháng sau khi Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người An Nam yêu nước gửi Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versailles gây chấn động nhà cầm quyền Pháp. “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969 là bài báo cuối cùng của Người. Hai bài báo cách nhau đúng 50 năm, tác giả đứng ở hai vị thế khác nhau nhưng đọc lại đều thấy rực lên ngọn lửa cách mạng nhiệt huyết qua từng con chữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà bản thân Người là một nhà báo cách mạng vĩ đại, là tấm gương cho các nhà báo cách mạng mãi mãi về sau không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo Người.
Lãnh đạo tiền bối và nhà báo lớn
Trở lại với thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Trung ương Đảng và Chính phủ vừa rút lên Việt Bắc, Tổng Bí thư Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật từ số ra ngày 4-3-1947 đến số ra ngày 1-8-1947 dưới đề mục “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Loạt bài viết thuộc hàng xuất sắc nhất của báo chí cách mạng Việt Nam bởi đề cập toàn diện về cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là dự đoán thiên tài về ba giai đoạn (phòng ngự, cầm cự và tổng phản công) của cuộc kháng chiến.
Không có nhiều thời gian trực tiếp viết báo do bận việc quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người Anh Cả của Quân đội ta vẫn được giới báo chí xem là một nhà báo lớn. Đại tướng đã có đúc kết sâu sắc về nghề báo: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi cảm thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”. Qua hồi ức của các nhà báo từng công tác tại Báo Quân đội nhân dân thì Đại tướng luôn có những chỉ đạo, định hướng kịp thời những “bài đinh” về những vấn đề quan trọng trong quân đội. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã chỉ đạo và là người đặt tên bút danh Chính Nghĩa của những bài xã luận, bình luận sắc bén trên 33 số Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận. Từ các bài chỉ đạo của vị Đại tướng toàn tài mà các chiến trường phối hợp hành động làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Được biết, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không có một cơ sở nào đào tạo về viết báo và làm báo. Song nhờ khả năng tự đọc, tự học hình thành nền tảng kiến thức vững chắc, kiên trì tập luyện hành văn, rèn luyện tư duy phân tích logic và khả năng quan sát nên các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng ta đều viết báo sớm, nhanh chóng trở thành những nhà báo lớn, sử dụng báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 400 nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên hy sinh qua các cuộc chiến tranh vệ quốc trên tư thế người chiến sĩ trên mặt trận. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Ngay lúc này, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng báo chí luôn bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng, không thể phủ nhận trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, một số nhà báo có hành vi không chuẩn mực, theo đuổi những lợi ích cá nhân để lại hình ảnh xấu, làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí cách mạng. Để giữ vững kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, tổ chức nghề nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nên tình hình vi phạm trong hoạt động báo chí thời gian qua đã giảm bớt.
Câu chuyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đề cao tinh thần dấn thân, tính cách mạng của người làm báo luôn là vấn đề thời sự. Bởi suy cho cùng, vị thế của báo chí cách mạng Việt Nam có được trong lòng nhân dân suốt gần một thế kỷ qua chính là luôn phụng sự đất nước, nhân dân. Vậy nên, giữ lửa cách mạng qua từng con chữ được thắp lên từ thế hệ đi trước là một di sản vô giá mà những người làm báo hiện nay phải trân trọng, lưu truyền đến mai sau.
TRẦN HOÀNG HOÀNG - Báo QĐND
Ảnh 1: Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm, chúc Tết Báo Quân đội nhân dân ngày 23-1-1966 (Mồng 3 Tết Bính Ngọ).Ảnh tư liệu
Ảnh 2: Cán bộ Báo Quân đội nhân dân chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Xuân Mậu Tý 2008.Ảnh: MINH TRƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét