Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

ĐIỀU MONG ƯỚC NHỎ NHOI

 Hội nghị bảy nước giàu nhất thế giới (G7) vừa mới diễn ra tại Cornwall, nước Anh cho thấy sự lôi kéo của nước Mỹ đối với 6 nước còn lại, tập trung vào việc chống lại xu thế đang lên của Trung quốc. Nhưng ngay trong hội nghị này đã thấy có hai chiều hướng – chống Trung quốc, đứng đầu là Mỹ và người bạn đồng hành hăng hái nhất là Anh; một xu thế khác là hợp tác với Trung quốc, mạnh mẽ nhất là Đức và Pháp.

Vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ ngày nay đã không còn nữa, chiêu bài ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản cũng đã lỗi thời. Điều đó chỉ có nghĩa là chỉ còn nước nọ chèn ép nước kia, nước này không muốn nước khác giàu lên giống như mình, ngay cả đối với đồng minh thì nước lớn cũng vẫn có cách hành xử như vậy. Đó là cách hành xử của những kẻ tiểu nhân.
Từ ngày nổ ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi thế giới thứ hai, rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng sảy ra nơi này nơi khác, đã cho chúng ta thấy không một nước nào có thể giàu lên nhờ chiến tranh.
Nước Mỹ hiện nay có 800 căn cứ quân sự trên khắp các châu lục. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc (1945), Mỹ chiếm giữ số tài sản bằng 50% sự giàu có trên thế giới, tỷ lệ này đến năm 2019 giảm xuống còn 25%. Đây là bài học mà Trung quốc hay bất cứ nước nào cậy giàu cậy mạnh rồi đi xâm lược nước khác đều phải học. Trên “con đường tơ lụa” hay “nhất lộ nhất đới” mà Trung quốc đang ra sức thực hiện, thực chất ra trên đó có nhiều căn cứ quân sự (rõ nhất đối với chúng ta là ở biển Đông). Mục đích thành lập các căn cứ quân sự là gì thì mọi người đều biết. Chúng ra đời không phải để chơi, cũng chẳng phải giúp các nước bản địa giàu lên.
Những năm còn chiến tranh lạnh, người ta kêu gọi các nước nên chung sống hòa bình. Nhưng một khi chủ nghĩa tư bản vẫn còn thì sự chiếm đoạt, sự bóc lột tài nguyên mà chủ nghĩa tư bản thực hiện ở các nước khác vẫn còn. Ngày nay, lục địa châu Phi đang là đích ngắm của nhiều nước, vì ở đó có tài nguyên dưới lòng đất, dưới đáy biển rất phong phú. Những kẻ mang tiềm lực đến châu Phi đâu phải giúp cho nhân dân châu Phi giàu lên mà mục đích cuối cùng là chiếm đoạt. Tôi đã đọc một tài liệu, nói rằng Trung quốc có kế hoạch đưa 300 triệu người Hoa sang sinh sống ở châu Phi. Đồng hóa chăng hay đây là “đội quân thứ năm”?
Nhưng chính nước Nhật mới có cách tiếp cận châu Phi ít ồn ào song có khi lại hiệu quả hơn.
Khẩu hiệu “chung sống hòa bình” có lẽ chỉ còn nước Việt Nam ta thực hiện bằng đề cao đường lối “làm bạn với tất cả”. Dân tộc ta từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, chỉ là một nước nghèo, thậm chí còn không có tên trên bản đồ thế giới. Bằng đường lối “chung sống hòa bình”, chúng ta dồn sức để khắc phục hậu quả của một thế kỷ bị xâm lược, bị đô hộ và bị bần cùng hóa, ngày nay chúng ta đã có một vị thế khác hẳn. Nếu như nhà nghiên cứu của Nhật Bản Hamada Kazuyuki phán đoán đúng, thì đến năm 2048, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc, trong số 20 nước giàu nhất thế giới. Hy vọng là vậy!
Vâng, điều mong mỏi nhỏ nhoi của tôi – một thường dân của nước Việt Nam chỉ có vậy. Xin đừng ai ở bên ngoài nhảy vào chọc ngoáy đất nước của chúng tôi. Chúng tôi vẫn ca bài “Em đã chọn rồi”
Chân em đi, rừng nhiều đường lắm lối
Này này ơi! Nhưng em chọn lối này
Em đây chọn lối này thôi./.
Hình trong bài: Cảnh đẹp Việt Nam.
Ngày 16/6/2021
Ph. T. Kh.
Có thể là hình ảnh về 3 người và mọi người đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét