Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

NHỮNG TẤM GƯƠNG BINH NHẤT, BINH NHÌ

 Họ là những chiến sĩ mang quân hàm binh nhất, binh nhì, nhưng với ý chí, quyết tâm vượt khó, họ đã có những hành động đẹp, nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, thử thách, gác niềm riêng vì việc chung. Những tấm gương chiến sĩ thầm lặng cống hiến khiến chúng ta không khỏi xúc động...

Gác niềm riêng, lo việc chung
Sáng sớm ngày 12-6, đang bận rộn cùng đồng đội chia cơm phục vụ người cách ly, Binh nhất Dương Kim Phúc, chiến sĩ Ban Hậu cần Trung đoàn 210 (Sư đoàn 305, Quân khu 5) bàng hoàng nhận được tin báo, bố anh-cựu chiến binh Dương Trung An, 66 tuổi, trú tại xã Cư San, huyện M'Drắk, tỉnh Đắc Lắc, đột ngột qua đời. Do đơn vị vừa tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế cho 92 công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 rất cao, nên Phúc không thể về chịu tang cha.
Thắp nén hương thơm bái vọng bố từ xa, Binh nhất Dương Kim Phúc xúc động kể: “Bố tôi bị tai biến, nằm một chỗ đã mấy năm nay. Cuối tháng 5, trước khi tổ chức tiếp nhận, chăm sóc các công dân cách ly y tế đợt mới, chỉ huy trung đoàn đã giải quyết cho tôi đi phép đặc biệt để về thăm bố. Vậy mà, tôi vừa trở lại đơn vị chiều hôm trước thì sáng hôm sau bố tôi qua đời. Theo phong tục tập quán của người Dao ở quê tôi, khi trong gia đình có người thân không may qua đời, các con trai, gái, dâu, rể dù ở xa đến mấy cũng về chịu tang. Song, tôi đang thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly y tế tập trung, nên để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho những người thân trong gia đình và mọi người ở quê, tôi chỉ có thể thắp hương bái vọng, tiễn biệt bố từ xa. Ngay sáng 12-6, chỉ huy đơn vị và anh em đồng đội đã giúp tôi chuẩn bị di ảnh, lập bàn thờ và luân phiên túc trực, thắp hương, phúng viếng bố tôi; chia buồn và động viên tôi khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Mẹ và các anh chị tôi ở nhà cũng thường xuyên gọi điện động viên tôi yên tâm công tác, việc ma chay đã có gia đình, họ hàng và cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay lo chu đáo”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Như Linh (28 tuổi, công dân cách ly, quê ở Nghệ An) chia sẻ: “Trên tuyến đầu chống dịch, những vất vả, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế thật đáng quý trọng. Hình ảnh chiến sĩ Phúc mỗi khi phục vụ các phòng thường ân cần thăm hỏi chúng tôi, nay anh đội khăn tang, mắt ngấn lệ đứng trước di ảnh cha khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Vượt mấy nghìn cây số trở về Tổ quốc, mỗi lần mở nắp hộp cơm, thấy các món ăn đậm chất quê hương, được chế biến cẩn thận, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Để bảo đảm mỗi ngày ba bữa cơm ngon phục vụ người cách ly, các chiến sĩ nuôi quân phải làm việc rất vất vả”...
Theo Trung tá Phan Quốc Đăng, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 210, hơn một năm nay, ngoài việc bảo đảm cơm nóng, nước sôi cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, bộ phận nuôi quân, trong đó có Binh nhất Dương Kim Phúc còn tham gia khung tiếp nhận, chăm sóc các công dân trong khu cách ly y tế tập trung. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi lần nhận phụ cấp, Phúc đều dành phần lớn để gửi về nhà. Công việc vất vả, nặng nhọc, nguy cơ lây nhiễm luôn tiềm ẩn, lại thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, song Phúc rất nhiệt tình, trách nhiệm, giao việc gì cũng hoàn thành xuất sắc. Khi bố không may qua đời, Phúc được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho nghỉ tại trại 3 ngày, thế nhưng ngay tối 12-6, Phúc đã gác lại niềm riêng, tiếp tục vào bếp, cùng đồng đội chuẩn bị cơm nước cho mọi người".
Binh nhì hiếu thảo
Đến công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1), chúng tôi được nghe kể về tấm gương Binh nhì Nguyễn Tuấn Thành ở Trung đội 6, Đại đội 2 đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, tuổi thơ của Thành thiếu thốn tình thương yêu khi bố mẹ chia tay nhau từ lúc mới sinh Thành. Cặm cụi sớm hôm bên mảnh ruộng, vườn chè, bà ngoại là người nuôi Thành khôn lớn. Thấy bà chịu nhiều vất vả, học hết lớp 12, Thành đã chủ động xin đi làm phụ hồ, cố gắng chắt chiu từng đồng phụ giúp bà trang trải sinh hoạt hằng ngày. Đầu năm 2021, nhận thức rõ nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân đối với Tổ quốc, Thành đã xin phép bà tình nguyện nhập ngũ.
Vào môi trường quân đội, bằng ý chí và nghị lực của người con sớm phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi, Thành đã biến khó khăn thành động lực, luôn tự giác phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu trong chấp hành kỷ luật quân đội, các chế độ quy định của đơn vị. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, kết quả kiểm tra "3 tiếng nổ" của Thành có hai nội dung đạt loại giỏi là ném lựu đạn và đánh thuốc nổ, bắn súng tiểu liên AK bài 1 đạt loại khá. Từ một thanh niên có vẻ nhút nhát, Thành đã trở thành một quân nhân chững chạc, khỏe mạnh, được chỉ huy các cấp và đồng chí, đồng đội tin yêu, mến phục.
Trung úy Sần Tòn Dắt, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246, chia sẻ: “Chiến sĩ Nguyễn Tuấn Thành luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nhiệt tình giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong học tập, công tác. Không chỉ huấn luyện và rèn luyện tốt, Thành còn là tấm gương về sự hiếu thảo và thực hành tiết kiệm. Mỗi tháng, Thành chắt chiu tiền phụ cấp, gửi 500.000 đồng về phụ giúp gia đình”.
Với nụ cười hiền, nói chuyện lễ phép, Nguyễn Tuấn Thành tâm sự với chúng tôi: "Em sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành thật tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của người quân nhân và mong được đơn vị cho đi học lớp y tá để sau này có thể chăm sóc bà ngoại đã già yếu và giúp đỡ những người dân đau yếu ở quê".
Bài và ảnh: HÙNG QUANG, BÙI HIỆP - Báo QĐND
Ảnh 1: Binh nhì Nguyễn Tuấn Thành.
Ảnh 2: Binh nhất Dương Kim Phúc chuẩn bị bữa ăn phục vụ các công dân cách ly. Ảnh: VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét