Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

CẢM HỨNG TỪ HÌNH ẢNH CAO ĐẸP "BỘ ĐỘI CỤ HỒ" TRONG ĐẠI DỊCH

 Gần đây, có một bài hát được rất nhiều người lính chia sẻ trên facebook, zalo bởi xúc động như thấy được chính mình qua sự đồng cảm từ bài hát. Đó là bài “Có một nghề” do Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 1 sáng tác và biểu diễn. Bài hát là tiếng lòng thiết tha, vì dân, vì nước trong mọi hoàn cảnh của bao người lính với những hy sinh thầm lặng nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thời gian qua, dịch Covid-19 và thiên tai đã gây ra nhiều hệ lụy xấu tới nền kinh tế đất nước, đời sống nhân dân... Trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo đó vẫn ngời sáng lên hình ảnh người lính “Bộ đội cụ Hồ”. Họ luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Những người lính đã không quản gian lao, vất vả, hy sinh hạnh phúc riêng, tạo thành những “lá chắn thép” nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vất vả, gian khổ là thế, nhưng nhiều người không hiểu, họ cho rằng, bộ đội thời bình là một nghề lương cao. Thực tế có phải vậy?
Bài hát “Có một nghề” được Đại úy Vũ Văn Quốc viết với ca từ mộc mạc, giản dị, nhưng đong đầy tâm tư, tình cảm yêu thương, tri ân những hy sinh thầm lặng, mất mát mà đồng đội trải qua khi tham gia phòng, chống dịch Covid-19, để bảo vệ sức khỏe, bình an cho nhân dân. Người lính ấy đã viết và đang hát những giai điệu thay lời tâm sự của người lính đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Bài hát được ra đời khi anh chứng kiến sự khẩn trương nhận nhiệm vụ của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 khi được điều động lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình dịch căng thẳng.
Những câu chuyện Đại úy Vũ Văn Quốc được chứng kiến về đồng đội vì nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 phải gác niềm riêng, vì nhiệm vụ, vì nhân dân... đã trào dâng trong anh một cảm xúc khó tả. Lời ca, giai điệu của bài hát cứ thế tuôn trào trong sự rung cảm sâu sắc, nỗi xúc động khôn nguôi. Những người lính thời bình tuy không phải cầm súng ra trận chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, nhưng các anh luôn tiên phong trên mặt trận mới, đó là công tác cứu hộ, cứu nạn mà người lính trong bất cứ thời điểm nào cũng đóng góp nhiều công sức. Người lính đã không quản gian khó, không ngại hy sinh, băng rừng, vượt lũ, nguyện vào nơi gian khó, cứu giúp nhân dân.
Đó không chỉ là nhiệm vụ chiến đấu đơn thuần thời bình, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim người lính. Chính vì suy nghĩ cao cả ấy mà những người lính đã đặt tính mạng của nhân dân lên trên mạng sống của mình, tận hiến cho đất nước: “Có phải lính thời nay chẳng sương gió/ Không có đớn đau, không phải hy sinh! Tổ quốc ơi chúng tôi luôn thầm lặng/ Hiến thanh xuân cho đất nước yên bình”.
Đại úy Vũ Văn Quốc chia sẻ: “Tôi không biết nhiều về nhạc lý, nghĩ gì viết ra thôi với ý nghĩ phải viết về đồng đội mình đang vất vả, căng mình nơi tâm dịch giữa thời bình. Tôi ngồi viết một mạch trong khoảng 1 giờ 30 phút thì xong, chỉnh sửa cho hoàn thiện. Sau đó, tôi tự đệm đàn guitar và thu âm vào phần mềm trên điện thoại. Sau khi đăng tải trên mạng internet, không ngờ bài hát lại nhận được sự yêu mến của nhiều người, và cũng được rất nhiều người chia sẻ qua mạng xã hội”.
Hình ảnh những người lính đã đi vào sáng tác của Đại úy Vũ Văn Quốc một cách tự nhiên, gần gũi và chân thực. Đó là hình ảnh 13 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 trực tiếp đi vào vùng tâm lũ trong mưa gió tơi bời, cứu hộ ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Họ đã mãi mãi ra đi, không thể trở về, thi thể vùi dưới lớp đất lạnh nhiều ngày mới được tìm thấy, để lại sau lưng nỗi đau tột cùng cho những người cha, người mẹ già mất con, những người vợ mất chồng, con thơ mất cha: “Ai còn nhớ Rào Trăng ngày ấy/Đồng đội tôi đã mãi mãi không về/Anh nằm đó giữa rừng sâu nước lạnh/Vợ hiền, con thơ mãi mãi đơn côi!”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tấm bia liệt sĩ vẫn được dựng lên. Nỗi đau này, ngoài những người lính và những người thân của lính, ai thấu được trọn vẹn?
Đó còn là hình ảnh những người lính đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên khắp dải chữ S, đặc biệt là những người lính bám trụ, “ăn lán ngủ rừng” nơi biên cương heo hút, gian khổ. Đã có những người lính phải xa gia đình lâu ngày, không được về thăm con, chuyện con cái, gia mẹ già phải một tay người vợ chăm lo, chu toàn; có những người lính đã phải gác lại niềm hạnh phúc riêng, hoãn cưới vì nhiệm vụ tuyến đầu. Đặc biệt, có những người lính đang làm nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19, khi nhận tin cha, mẹ mất cũng không thể về tiễn biệt, chỉ lặng lẽ thắp nén nhang tại chốt tưởng nhớ đấng sinh thành. Hình ảnh đó khiến nhiều người xót xa. Lời bài hát rưng rưng niềm xúc động: “Con xin lỗi mẹ ơi vì Covid/Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu/Nén nhang này con khóc mẹ trên chốt/Ngày bình yên con sẽ về ôm mẹ”.
Người lính thời bình là thế! Họ đều ý thức được trách nhiệm của mình phải tiên phong trong việc cứu dân, giúp dân vượt qua thiên tai, bão, lũ, phòng, chống dịch Covid-19. Họ đều biết khi thực hiện nhiệm vụ là có thể gặp hiểm nguy, thậm chí hy sinh sự sống bản thân, nhưng tuyệt nhiên không cán bộ, chiến sĩ nào chùn bước. Bài hát khép lại với sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vì nhân dân, vì Tổ quốc tận hiến: “Mẹ Việt ơi chúng con luôn sẵn sàng/Dẫu ra đi không hẹn ngày quay về”.
Những ngày qua, Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi thành phố Hồ Chí Minh đang căng mình chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất. Nơi quê nhà, bố bị bệnh phổi mãn tính, mẹ bị đột quỵ nhưng Đại úy Vũ Văn Quốc cũng không thể về chăm sóc cho cha mẹ. Bởi người lính như anh đang phải làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu, chỉ biết nén lo lắng, nhớ thương cha mẹ trong lòng.
Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từng nói, ngoài những chia sẻ, những hy sinh thầm lặng, mất mát, đau thương, của người lính, bài hát “Có một nghề” đã nói lên được hoạt động rất lớn của Quân đội trong thời bình, đó là công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh mà người lính trong bất cứ thời điểm nào cũng đóng góp nhiều công sức. Đây là đề tài hiếm, ít người viết, đáp ứng được mảng đề tài ít được phản ánh trong quân đội hiện nay.
Với bài hát “Có một nghề”, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống đời lính giản dị quanh mình, Đại úy Vũ Văn Quốc đã góp tiếng nói động viên, cổ vũ tinh thần đồng đội trong trận chiến với dịch Covid-19. Tác giả còn gửi gắm thông điệp nhân văn về sứ mệnh cao cả của người lính, luôn tiên phong trong mọi hoạt động để bảo vệ sức khỏe, bình an cho nhân dân, về tình người, tình quân - dân gắn bó. Đó là phẩm chất quý giá của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn ngời sáng trong gian khó.
Thanh Thuận - Báo Biên Phòng
Hình ảnh những người lính Biên phòng căng mình trong gian khó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua biên giới là nguồn cảm hứng sáng tác của Đại úy Vũ Văn Quốc. Trong ảnh 1: Cán bộ, chiến sĩ trên chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang ngày đêm kiểm soát chặt chẽ biên giới, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Thanh Thuận
Ảnh 2: Đại úy Vũ Văn Quốc trình bày bài hát do mình sáng tác. Ảnh: Đức Đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét