75 năm qua cũng qua biết bao biến động với cả tổn thất lẫn thành công, tự hào cùng nước mắt để chúng ta đàng hoàng cầm hộ chiếu có quốc tịch Việt Nam trên tay.
Thấm và hiểu được điều đó mới rõ vì sao dân chúng bức xúc với người đại biểu của mình lại mang quốc tịch Síp.
Ai cũng có thể chọn nơi sống chứ không thể chọn nơi sinh và đất nước mình cất tiếng khóc đầu đời. Đất nước ấy, phát triển hay đang từng bước đi lên, đã giàu có hoặc phải thắt lưng buộc bụng hướng về tương lai thì đó vẫn là nơi không thể chối bỏ. Đấy là lý do để vụ “người Síp gốc Việt” ồn ào và ầm ĩ hơn tuần nay.
Dù biện minh thế nào và “bào chữa” ra sao thì câu chuyện Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiêm quan chức Phạm Phú Quốc giấu giiếm quốc tịch Síp gần hai năm nay vẫn không thể chấp nhận với tư cách ông đang mang.
Lấy cái gì để đảm bảo ông ấy “Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” khi lén lút tìm thêm một quốc tịch khác? Căn cứ vào đâu để ông ta thực hiện đúng chức trách khi ngồi ở đây mà “quê hương” dời sang bên ấy?
Cấp trên ông Quốc bảo rằng "không nên đặt vấn đề đại biểu có 2,5 triệu USD từ đâu ra bởi cần phải tôn trọng lời của đại biểu là được gia đình bảo lãnh".
Nhưng cử tri cũng đòi hỏi đại biểu phải tôn trọng người bầu ra họ cùng sự minh bạch, công khai và đàng hoàng tử tế chứ không phải là chỉ báo cáo hay làm rõ khi bị báo chí phanh phui, dư luận chỉ rõ.
Người ta cũng đồng ý: “Cán bộ phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách không làm biến chất cán bộ, hoặc giảm hiểu quả công việc thì cũng cần quan tâm để cán bộ sửa sai, tiếp tục hoàn thiện mình và đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ thấy sai và nỗ lực sửa sai, cố gắng đáp ứng được công việc thì cũng cần nhìn nhận, chứ không loại trừ cán bộ vì từng bị kỷ luật”.
Tuy nhiên trong lúc sửa sai ấy lại đi làm một việc mà người dân giao phó trọng trách cho ông ấy cảm thấy bị tổn thương sâu sắc ư? Trước ông Quốc đã từng có cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bãi miễn vì quốc tịch Malta dù lúc đó cũng như bây giờ, Luật Tổ chức Quốc hội chưa cấm đại biểu mang 2 quốc tịch. Bà ấy không đủ tư cách ĐBQH vì đã “quên” điều cơ bản nhất của một công dân.
Thời gian nữa, nếu những gì họp báo hôm qua thông báo được thực hiện thì ông Quốc cũng chẳng còn là ĐBQH. Nên sớm như thế và nhanh cần như vậy và khi là thường dân thì chọn Tổ quốc nào sẽ ít “gạch đá” hơn.
Quốc khánh 75 năm trước và chuyện quốc tịch Síp những ngày này luôn là điều mà mỗi công dân đừng vì một lý do nào đó bảo rằng mình “quên” hay chẳng biết có liên quan gì đến nhau. Khi mang danh đại biểu của dân và đã thề phụng sự đất nước thì đó là điều thiêng liêng phải tôn trọng chứ không phải đem những toan tính che đậy làm bình phong…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét