Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM" VÀ NHỮNG MÀN KỊCH VỤNG VỀ

Với thủ đoạn “đánh tráo khái niệm”, các thế lực thù địch đã kích động một số người dân biểu tình, gây rối ở Bình Thuận
Với thủ đoạn “đánh tráo khái niệm”, các thế lực thù địch
đã kích động một số người dân biểu tình, gây rối ở Bình Thuận
Trong lịch sử nhân loại, “đánh tráo khái niệm” là một thủ đoạn được các thế lực chính trị sử dụng từ rất sớm để thoán đoạt quyền lực. Triệu Cao, thừa tướng và cũng là gian thần trứ danh của nước Tần bị sử sách Trung Quốc “lưu danh thiên cổ” với chiêu trò đánh tráo khái niệm “chỉ hươu thành ngựa”. Chuyện kể rằng, Triệu Cao khi làm thừa tướng nhà Tần có mưu đồ làm loạn, xưng vương nhưng sợ lòng người không phục nên nghĩ cách thử lòng quần thần. Ông tiến dâng Tần Nhị thế một con hươu nhưng lại bảo đó là con ngựa. Nhị thế cho rằng đó là con hươu nhưng đa số quần thần vì sợ Triệu Cao nên hùa theo khẳng định đó là con ngựa. Qua việc này, Triệu Cao kiếm cớ phao tin Nhị thế bị chứng loạn óc, cô lập nhà vua và thanh trừng những quần thần trung kiên, dám nói thật đó là con hươu…
V.I. Lênin từng chiến đấu không biết mệt mỏi để chống lại các thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” của những người cơ hội chính trị. Ví dụ, khái niệm “bảo vệ Tổ quốc” một khái niệm tiến bộ trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định đã bị bọn cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế II lợi dụng để mị dân trong cuộc chiến tranh đế quốc 1914 - 1918 khi khẩu hiệu đó không phù hợp với hoàn cảnh nữa. Trong khi tố cáo sự phản bội của bọn xã hội sô-vanh, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng khái niệm bảo vệ Tổ quốc thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Khi chiến tranh là một công việc của nhóm đế quốc tham lam theo đuổi lợi ích của chính chúng thì khái niệm đó có nghĩa là bảo vệ lợi ích giai cấp tư sản “nước mình”, là sự phản bội quyền lợi của giai cấp công nhân. Trái lại khi nhân dân tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống kẻ thù ngoại xâm khi họ bảo vệ tự do của họ thì khái niệm đó lại biểu lộ lợi ích của những lực lượng tiến bộ.
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, “đánh tráo khái niệm” là thủ đoạn “át chủ bài” được họ sử dụng rất nhuần nhuyễn, thuần thục trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Sự “đánh tráo khái niệm” của họ dựa trên nguyên lý “khái niệm xuyên tạc, bịa đặt được tuyên truyền lặp đi, lặp lại hàng nghìn lần thì sẽ trở thành sự thật”. Biến không thành có, biến thiện thành ác, xâu chuỗi những hiện tượng đơn lẻ để vu khống thành bản chất… Nhiều học giả phương Tây đã nghiên cứu và khái quát các thủ đoạn tuyên truyền “đánh tráo khái niệm” thành các cấp độ sau: 1. Làm cho khái niệm không quan trọng trở nên quan trọng. 2. Biến những khái niệm vốn không liên quan gì đến nhau thành một chỉnh thể mà trên thực tế không hề có chỉnh thể này. 3. Dùng những khái niệm ám thị để thể hiện một sự việc chân thực. 4. Đưa ra những khái niệm miêu tả đặc trưng với mức độ đặc biệt nhằm tạo sự sợ hãi và lo lắng mơ hồ, vô căn cứ trong công chúng.
Thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” từng được các thế lực thù địch sử dụng để lật đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu. Năm 1989, các đài phát thanh phương Tây đã đưa ra khái niệm “bãi thảm sát” ở thành phố Đimixêva thuộc Rumani. Đây là khái niệm bịa đặt trắng trợn nhưng được truyền thông phương Tây phát tán với mật độ dày đặc đã tạo nên sự kiện chính trị chấn động thế giới. Trong các ngày 23 và 24-12-1989, hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây dồn dập đưa tin về sự phát hiện một “bãi thảm sát” ở Rumani với những hình ảnh mà chúng tung hô là “chân thực” như ảnh một bà mẹ bị mổ bụng chết cùng đứa con, ảnh một người đàn ông trần truồng, hai chân bị trói bằng dây thép dường như chết vì bị hành hạ. Với công chúng không hiểu rõ sự thật thì thông tin về “bãi thảm sát” quả đã lừa được họ. Nhiều nơi trên thế giới lên án “Đảng Cộng sản Rumani thực hiện một nền thống trị phát-xít”, “tàn ác vô nhân đạo”. Tâm lý chống đối chế độ trong nước Rumani được dấy lên từ khái niệm “bãi thảm sát” đã góp phần thúc đẩy diễn biến chính trị dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN. Sau khi đã đạt được mục đích, cũng chính báo chí phương Tây đã khẳng định không có “bãi thảm sát” nào cả. Những hình ảnh về “bãi thảm sát” đều là những xác chết được đào lên từ một nghĩa địa của một bệnh viện trong thành phố Đimixêvara. Ảnh hai mẹ con bị giết được ghép bởi một bé gái chết vì bệnh với một phụ nữ bị chết bị bệnh xơ gan biến chứng, đã chết trước em bé một tháng và chẳng có liên hệ nào với em bé. Bức ảnh người đàn ông bị hành hạ đến chết cũng là ảnh giả.
“Đánh tráo khái niệm” sau đó còn được áp dụng thành công ở nhiều màn kịch khác. Tháng 2-1994, tại một khu chợ ở Bosnia, các cơ quan truyền thông cũng tạo dựng nên những hố chôn người tập thể giả để tạo cớ cho NATO không kích chống lại người Serbia. Hay câu chuyện về “nạn diệt chủng” và “thảm họa nhân đạo” ở Kosovo thực chất là trò bịp bợm lớn về “đánh tráo khái niệm”, được một số cơ quan truyền thông phương Tây dàn dựng công phu, sau đó được nhiều cơ quan báo chí quốc tế phụ họa, khuếch trương hết cỡ đã gây phẫn nộ, bức xúc trong một bộ phận không nhỏ dư luận quốc tế về cái gọi là “các cuộc thanh lọc sắc tộc” và “các chiến dịch xua đuổi người gốc Anbani ở Kosovo của chế độ S.Milosevich”. Vì lẽ đó mà một bộ phận công chúng các nước phương Tây coi việc trừng phạt bằng vũ lực đối với Nam Tư là “điều cần thiết”. Trong những ngày Nam Tư bị không kích, một máy bay Mỹ ném bom nhầm vào đoàn xe của người tị nạn làm chết 75 người thì lập tức đã có tờ báo vu khống rằng “binh lính Xerbi nã súng vào đoàn người tị nạn rồi đổ vấy cho NATO để kích động lòng căm thù của người dân Nam Tư”. Có thể nói, “đánh tráo khái niệm” trong lần này đã đạt đến trình độ điêu luyện “vừa ăn cướp, vừa la làng”.
Nguyễn Hồng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét