Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

DÂN TỘC VIỆT NAM YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH

Các sĩ quan, chiến sĩ mang theo bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” lên đường nhận nhiệm vụ
Trước hết, tôi phải khẳng định một điều rằng, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc ta nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Chính vì thế, ông cha ta ngày xưa và cho đến thời đại Hồ Chí Minh đều quyết tâm, cố gắng cao nhất nhằm giữ môi trường hòa bình, hòa bình, hòa hiếu đối với các nước láng giềng để ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền. Chúng ta gọi đó là “kế sách” bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Dù có chiến thắng nhưng chúng ta không tranh cường, tranh bá, không tấn công xâm lấn lãnh thổ như nhiều quốc gia, dân tộc khác trong quá trình phát triển. Các thời nhà Lý, Trần, Lê, rồi Quang Trung- Nguyễn Huệ, sau khi đánh bại quân xâm lược phương Bắc, chúng ta đều cấp ngựa, phương tiện, lương thực cho họ rút về. Khát vọng lớn nhất của dân tộc ta là hòa bình. Nhưng bản lĩnh và nội lực của dân tộc ta là hòa bình không lệ thuộc, không làm nô lệ cho bất kỳ ai.
Chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình. Thứ nhất, chúng ta giữ hoà bình, hữu nghị với những nước bạn bè. Thứ hai, hoà bình, hữu nghị để tranh thủ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta. Thứ ba, kể cả đối với đối tượng đối nghịch, chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng hoà bình nếu họ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, từ bỏ ý chí xâm lược nước ta.
Chính vì vậy, trong giai đoạn đổi mới, công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng được Đảng ta hết sức coi trọng. Bước chuyển là Hội nghị Trung ương 8 khoá IX đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, xác định bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ hoà bình, chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chúng ta là bạn của các nước trên thế giới, chúng ta là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong nghị quyết ấy, chúng ta không còn phân biệt ai là bạn, ai là thù nữa, mà chúng ta chuyển sang đối tượng, đối tác. Trong một đối tượng có “yếu tố đối tác”, trong một đối tác cũng có “yếu tố đối tượng”, chứ không hoàn toàn là bạn, hoàn toàn là kẻ thù. Với nhận thức mới như vậy, chúng ta đẩy mạnh đối ngoại, mở rộng quan hệ. Chúng ta mở rộng quan hệ qua hai kênh khác nhau đó là song phương và đa phương, đẩy mạnh quan hệ với cả những nước có yếu tố đối tượng của chúng ta. Ví dụ những nước trước đây có chiến tranh với chúng ta, hay những nước có tranh chấp lãnh thổ với chúng ta. Chúng ta coi đấy là những đối tác hợp tác quan trọng của chúng ta để từng bước giảm yếu tố đối tượng xuống, để xử lý những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên, để cùng tồn tại hoà bình, cùng phát triển.
  Lê Huy Nam- Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét