Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Di huấn Hồ Chí Minh về "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện cùng bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 20-9-1954

TỪ TÁC PHẨM “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” ĐẾN LỜI DẶN "CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ" TRONG DI CHÚC
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trước tác Người để lại, có thể thấy rằng: Người không chỉ nhấn mạnh “trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất quan trọng nhất; chi phối các phẩm chất đạo đức khác của người cách mạng mà còn khẳng định “cần, kiệm, liêm, chính” là yêu cầu nhất thiết phải có, là “tứ đức” cơ bản làm nên “gốc” của người cách mạng. “Tứ đức” vốn là những khái niệm đạo đức truyền thống phương Đông được Người chọn lọc và tiếp biến với những yêu cầu, nội dung mới, thể hiện trong 23 yêu cầu về “Tư cách một người cách mệnh” (Đường Cách mệnh, 1927), (Đời sống mới, Sửa đổi lối làm việc, 1947); đề cập trong nhiều tác phẩm sau đó và cuối cùng là trong bản Di chúc lịch sử, 1969…
Trong tác phẩm Đời sống mới (3/1947), Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” nhưng đến tác phẩm “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH”, Người đã coi “tứ đức” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người. Giản dị mà khúc chiết, Người khẳng định:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”[3].
Theo đó, lần lượt trong 4 bài báo đã nêu, Hồ Chí Minh chỉ rõ nội hàm của từng đức trong “tứ đức”, cụ thể như sau:
CẦN “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”, bởi “Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai” mà còn “có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần”. Hiểu đúng về Cần nghĩa là luôn chăm chỉ, cố gắng không phải một sớm một chiều mà thường xuyên và liên tục. Hiểu sâu sa hơn thì Cần cũng có nghĩa là làm để nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc lâu dài, để đạt được mục đích đề ra, bởi: “Nếu mỗi người, mỗi ngày làm thêm một tiếng đồng hồ thì: Mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ… Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã có thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công”[4].
KIỆM “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và không phải là bủn xỉn. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “KIỆM mà không CẦN thì không tăng thêm, không phát triển”. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ, bởi “của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”[5]. Vì thế, thời giờ cần tiết kiệm và đó cũng là Cần; “tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”, cũng giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm[6]. Đặc biệt, muốn tiết kiệm tốt thì phải khéo tổ chức, vì “không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm” và phải “kiên quyết không xa xỉ”. Từ đó, “một mặt, chúng ta thi đua KIỆM. Một mặt, chúng ta thi đua CẦN” thì cộng lại là “nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công”…
LIÊM “là trong sạch, không tham lam” và “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”[7]. Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM, cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN, vì “có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham lam sẽ dẫn đến BẤT LIÊM, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Cũng theo Hồ Chí Minh, “trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”1) và “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”[8]. Vì, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, cho nên “cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”[9]
CHÍNH “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”[10]. Tiếp đó, Hồ Chí Minh viết tiếp “trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người THIỆN và người ÁC. Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc CHÍNH và việc TÀ. Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), CHÍNH là THIỆN. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác”[11]
Để là CHÍNH, mỗi người, ĐỐI VỚI MÌNH, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điêmmr, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”[12], vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. ĐỐI VỚI NGƯỜI, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”[13]. ĐỐI VỚI VIỆC, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc. Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt”[14].
Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TL
 
Những điều Hồ Chí Minh viết về “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” hàm chứa yêu cầu và mong mỏi của Người về sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, xây dựng và rèn “tứ đức” nói riêng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. Theo Người, uy tín của Đảng cầm quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên và lòng tin của nhân dân gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng, cho nên, nếu mỗi cán bộ, đảng viên chỉ biết nói lời hay, ý đẹp nhưng không gương mẫu thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” thì cũng không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Vì thế, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người cách mạng mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức. Theo Hồ Chí Minh, việc thực hành “tứ đức” sẽ không chỉ giúp người cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của một tổ chức, của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.
Không chỉ làm rõ nội hàm của CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, sau này, trong nhiều tác phẩm khác, Hồ Chí Minh còn khẳng định rõ “tứ đức” đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu, với ý nghĩa: cần, kiệm, liêm, chính như là ánh sáng của đạo đức con người; còn tham ô, lãng phí, quan liêu như là bóng tối của sự suy thoái. CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH có mối quan hệ chặt chẽ với “chí công vô tư” và người cán bộ, đảng viên trong nhận thức và hành động hướng lòng mình đến “chí công vô tư”, tận tâm vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH. Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người “có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[15], cho nên người cách mạng bên cạnh yêu cầu phải có "tú đức", còn rất cần phải xây dựng đức tính “chí công vô tư”, để mình trở thành người lãnh đạo - người đầy tớ trung thành của nhân dân luôn phụng sự và liêm chính.
Tháng 10/1947, khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng: Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!". Vì thế, càng không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh lại ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”[16]. Đặc biệt, điều mong mỏi, tâm huyết về yêu cầu cần phải có những đức tính quý báu này cũng được Người dặn lại trong Di chúc và coi đó là một trong những nội dung của công tác xây dựng và chỉnh đốn lại Đảng, để mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[17].
THỰC HIỆN “CẦN KIÊM LIÊM CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ” GẮN VỚI HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Hồ Chí Minh là người cộng sản mẫu mực, luôn thống nhất giữa nói và làm. Người không chỉ nêu ra và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và rèn luyện những phẩm chất “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH”, hướng lòng mình đến “chí công vô tư” để phụng sự Tổ quốc và nhân dân mà Người còn chính là hiện thân của những phẩm chất cao quý đó. Với Người, từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh luôn nỗ lực làm việc và chi tiêu thật tiết kiệm; luôn thích các món ăn dân gian như dưa cà, mắm tép, cá kho và thường tránh các nghi thức đón tiếp linh đình, lãng phí; thường mặc bộ kaki, đi dép lốp cao su, dùng túi vải, mũ cát khi đi thăm đồng chí, đồng bào, kể cả khi đi công tác ngoài nước; thường chọn thăm bếp ăn của công nhân, nơi ở của người dân nghèo; không thích ở nhà của Phủ toàn quyền Đông Dương hay dinh thự cao cấp, đủ tiện nghi mà chọn căn phòng vốn là nơi ở của người thợ điện và sau đó là ngôi nhà sàn kiểu đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc thường sinh sống…
Hồ Chí Minh luôn “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” từ trong suy nghĩ đến hành động; từ cuộc sống đời thường đến vị thế một nguyên thủ quốc gia và cho đến lúc đi xa. Lựa chọn cuộc sống cần kiệm, giản dị, chan chứa tình yêu thiên nhiên, không màng danh vọng, không ham của cải, chẳng ưa sự xa hoa và những nghi thức sang trọng, Hồ Chí Minh từng nói, người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng điều quan trọng là phải thiết thực và phù hợp, đúng thời, đúng hoàn cảnh. Người ăn mặc đều giản dị và tiết kiệm và đó là lối sống của Người…và Người đã từng nói với một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng chân tình rằng: “Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”[18]
Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốc đất trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch. Ảnh TL
 
Để góp phần chống nạn đói năm 1945, Người đã kêu gọi đồng bào cả nước nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm, sẻ áo: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”[19]. Không chỉ gương mẫu nhịn ăn, để dành gạo cho vào hũ gạo cứu đói, Người còn bán chiếc áo lụa đồng bào tặng lấy tiền mua áo ấm tặng cho chiến sỹ trong mùa đông giá rét và đem số tiền tiết kiệm ít ỏi vốn là tiền nhuận bút của mình để mua nước ngọt tặng cho các chiến sỹ trực phòng không trong những ngày hè nóng bức năm 1967. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện lưu giữ một hiện vật đặc biệt (đăng ký 4875-Gi-1026) - Đó chính là thư chuyển số tiền 16.000 đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng cục Chính trị để mua thêm nước uống cho bộ đội phòng không trực chiến bên mâm pháo, làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Món quà của Người tuy nhỏ nhưng đã kịp thời động viên tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ phòng không, giúp họ vượt qua mùa hè nóng nực và lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ… Tấm lòng, tình yêu thương bao la của Hồ Chí Minh với đồng bào, chiến sỹ không chỉ thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và tu dưỡng mà còn thể hiện đậm nét cuộc sống “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” của Người.
Những điều Người nói, những việc Người làm và tấm gương đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của Người không chỉ được khẳng định trong thực tiễn mà còn mang ý nghĩa, giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại, dù thế giới đã đi qua bao thăng trầm, thay đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những gì Người nói, những việc Người đã làm với tâm hồn thanh cao là biểu hiện sự dung hợp hài hòa những phẩm chất tuyệt vời của một vị lãnh tụ của nhân dân, thuộc về nhân dân trong thời đại mới. Và trong thực tế, rất hiếm người “đạt tới sự thống nhất hài hoà giữa chủ nghĩa nhân đạo và tầm cao chính trị, giữa đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hiểu biết sâu rộng, giữa tình cảm ấm áp và nghị lực phi thường đến mức tuyệt vời như Bác Hồ. Được gặp Người, quả thật là một điều sung sướng, vinh dự, một diễm phúc trong đời”[20].
Vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu mà mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đồng thời, đó cũng là một trong những tiêu chuẩn để phân loại, đánh giá quá trình phấn đấu của mỗi người trong công tác và sinh hoạt đời thường. Với ý nghĩa đó, việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” những năm qua đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên Bang Nga V. Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm:
"Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.
Thực tế cho thấy, tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã gắn việc rèn “tứ đức” với nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII); đặc biệt là tự soi mình và nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Từ trong quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cán bộ, đảng viên tại địa phương, cơ quan, đơn vị đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, được biểu dương trên các phương tiện truyền thông... Mỗi con người, mỗi tập thể mẫu mực về rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” đã góp phần xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, tạo động lực đưa sự nghiệp đổi mới vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu mới.
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" sa vào quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, chạy chức chạy quyền, độc đoán, vi phạm kỷ luật,... Trong số đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao vì thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng, không thực hành "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" mà phạm tội dẫn đến bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố trước pháp luật. Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những "con sâu mọt" ấy đã làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, làm suy yếu tổ chức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng...
Vì vậy, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 theo chương trình toàn khóa và theo chủ đề hằng năm gắn với thực hiện di huấn của Người trong Di chúc về “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta; trong đó, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành chức năng về vai trò, ý nghĩa của việc thấm nhầm yêu cầu phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng trong cả hệ thống chính trị; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc. Gắn thực hiện Chỉ thị 05 với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, coi đây là giải pháp đột phá để việc tự soi, tự sửa, tự rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” nói riêng trở thành việc là thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên.
Hai là, tiếp tục thực hiện “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và sinh hoạt thường kỳ của chi bộ; trong đó, có những chuyên đề cụ thể về ““cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” với những nội dung thiết thực, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Thông qua đó, xây dựng tác phong, lề lối làm việc “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH”, tận tụy phụng sự nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên.
Ba là, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” trong công việc lẫn đời tư, tại nơi công tác cũng như địa bàn cư trú. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương… Thông qua đó, nâng cao tinh thần, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong mỗi cán bộ, đảng viên và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, miễn nhiệm, thay thế, buộc từ chức và đưa ra khỏi Đảng đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái, bất liêm, bất chính, tham ô, tham nhũng,v.v.., đã mất uy tín trong Đảng và trong nhân dân.
Bốn là, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để “sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”[21] trong giám sát các cơ quan, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Tạo cơ chế pháp lý để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền các cấp thực hiện Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, các quy định về nêu gương trong rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với yêu cầu phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” trong thi hành công vụ, chấp hành chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan công tác và địa bàn cư trú mà không sợ bị đe dọa, trả thù, trù úm... Thông qua đó, làm cho việc học tập và làm theo Bác, tự giác rèn luyện “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” trở thành việc làm hằng ngày, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét