Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

NHỐT QUYỀN LỰC VÀO LỒNG CƠ CHẾ

Phải nói rằng nhiệm kỳ là cần thiết, không phải chỉ chúng ta mà tất cả các nước đều có tính toán đến nhiệm kỳ. Như nước Mỹ, nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm, hay Cộng hòa Liên bang Nga, nhiệm kỳ Tổng thống là 6 năm. Việc đưa ra nhiệm kỳ là để giới hạn phạm vi quyền lực và truy xuất trách nhiệm quyền lực. Việt Nam cũng như vậy, nhiệm kỳ của chúng ta là 5 năm, điều đó hết sức bình thường. Nhưng cái “tư duy nhiệm kỳ” lại tạo ra những điều bất thường.
Trước tiên là vấn đề tầm nhìn chiến lược. Trong cả một thời kỳ dài xây dựng quốc gia, với tầm nhìn chiến lược, thì tất cả những nhiệm kỳ nối tiếp nhau phải tuân thủ, và nó được bảo đảm bởi luật pháp. Anh không thể vì lợi ích của nhóm, cũng không thể vì sự giới hạn của nhiệm kỳ mà bất chấp tất cả, phá vỡ tầm nhìn chiến lược ấy, vì thứ trách nhiệm quyền lực vô hạn độ. Nếu làm vậy thì luật pháp sẽ ra tay.
Chúng ta đang nói nhiều đến kiến tạo Nhà nước pháp quyền, thế nhưng chỗ này vẫn đang là một khoảng trống, không ai giám định, không ai xử lý. Một quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm như thế mà người ta lại dám ban hành quyết định để bác bỏ Quyết định của Thủ tướng, thì đó là một sự vô lối, vô pháp và vô nhân. Cũng may là người ta làm vài nhiệm kỳ, chứ nếu làm từng nhiệm kỳ, từng người một thì cách làm đó, có lẽ sẽ làm nát, thậm chí tiêu vong Thủ Thiêm rồi.
Thứ hai, là vấn đề chọn người. Điều này mang tính quyết định để thực thi quyết sách tầm chiến lược. Ở các quốc gia mà tôi được biết, cương lĩnh tranh cử của họ rất rõ ràng, rành mạch, qua nhiều vòng, nhiều mức. Chúng ta cũng làm như vậy, nhưng lại chưa chọn người đúng, cộng với chế tài không đủ mạnh thì sẽ “đẻ” ra tư duy nhiệm kỳ. Tức là biến cái dài hạn thành nhiều khúc ngắn hạn, và nhiều khúc ngắn hạn đó mâu thuẫn nhau, thậm chí phủ định nhau. Ai cũng vô can, vì núp bóng cái tập thể, cái quyết sách chung, chứ không thấy trách nhiệm quyền lực cá nhân đâu cả. Nói gì tới kiểm soát quyền lực nữa. Đây chính là “khoảng trống” quyền lực cần phải chỉnh đốn và lấp đầy!
Về tâm lý, “bệnh” sĩ diện vẫn còn nhiều quá, đạo làm quan vô pháp đang án ngữ và lộng hành kinh khủng quá, nên ông nào cũng thích oai cả.
Ông nào cũng muốn hoành tráng, còn hiệu quả không tính đến. Cho nên rất nhiều tỉnh xuất hiện những dự án hàng nghìn tỷ đắp chiếu. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu của nhân dân đổ xuống cũng chỉ vì cái sĩ diện hão được gọi là vị thế, công lao để che đậy thứ lợi ích cá nhân, phe nhóm của cán bộ, quan chức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ví von là phải “nhốt quyền lực vào trong cái lồng cơ chế”. Cái “lồng”, đó chính là kỷ luật của Đảng, toàn bộ hệ thống pháp luật nhà nước đó là Quốc pháp. Trong Đảng, thì Đảng cương và Quốc pháp thực thi, ngoài xã hội thì Quốc pháp toàn dụng và trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân thẩm xét, giám sát. Như vậy thì không ai, không gì có thể lọt được cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét