QĐND - Khái niệm “xoay trục” được sử dụng trong vài ba năm lại đây, khi Hoa Kỳ thực hiện chính sách tăng cường hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Song khái niệm “xoay trục” được nói ở đây nằm trong một cuộc trao đổi giữa BBC với một cộng tác viên của hãng này. Đó là quan điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam cần chuyển hướng chính trị. Nội dung của quan điểm này theo bài trả lời BBC là Đảng Cộng sản Việt Nam cần: “Xoay trục về nhân dân, xoay trục về dân tộc… tìm mọi phương sách, tìm mọi giải pháp vừa đúng đắn, tiến bộ, nhân văn, để đối xử với nhau trong nội bộ của dân tộc…". Và “Nếu cứ theo đuôi một phía nào đấy, thì chắc chắn là mình không thể xử lý một cách đàng hoàng, đúng đắn mọi vấn đề trong mối quan hệ dân tộc được… Và muốn như thế, phải phát huy tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật…”(?)
Không có chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam cần “xoay trục”
Đồng bào các dân tộc xã Chiềng Ban vui mừng đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: QĐND
Có mấy vấn đề trong bài trả lời nói trên cần được làm rõ:
- Thứ nhất, cái “trục” mà thực chất là mục tiêu, lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX là gì? Liệu có cần phải thay đổi không?
- Thứ hai, căn cứ vào đâu mà tác giả (bài trả lời BBC nói trên) cho rằng quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân đang có vấn đề, cần phải có cách đối xử với nhau trong nội bộ của dân tộc… đúng đắn?
- Thứ ba, căn cứ vào đâu mà tác giả (bài trả lời BBC) cho rằng “nếu cứ theo đuôi một phía nào đấy, thì chắc chắn là mình không thể xử lý một cách đàng hoàng, đúng đắn mọi vấn đề…”? Và để giải quyết vấn đề thì tác giả cho rằng, Việt Nam phải “phát huy tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật”!
Trước hết có thể khẳng định, cách nêu vấn đề “xoay trục” của người trả lời BBC là một sự xuyên tạc lịch sử và bóp méo vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trong lịch sử dân tộc ta, 85 năm qua (1930-2015) cho thấy: Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đều vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, ngoài ra không có mục tiêu, không có “trục” nào khác. Thử hỏi cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập dân tộc; các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, nhất là trong hai cuộc kháng chiến quy mô lớn chống thực dân Pháp (1945-1954), chống đế quốc Mỹ (1954-1975) bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với tinh thần  “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không phải vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc Việt Nam hay sao?
Chúng ta không phủ nhận thực trạng kinh tế, xã hội của Việt Nam đang còn không ít vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức; tình trạng “lợi ích nhóm”, “bệnh nhiệm kỳ” như Hội nghị Trung ương  3, Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra chưa được đẩy lùi, nhưng không thể phủ nhận được công cuộc đổi mới (1986-2015) theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã đạt được những thành quả to lớn. Diện mạo đời sống xã hội được thay đổi đáng kể, vị thế quốc gia, dân tộc được nâng cao. Cho đến nay, nhờ có môi trường chính trị ổn định, nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, cùng với hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện, Việt Nam đang trở thành địa chỉ thu hút đầu tư nước ngoài có sức hấp dẫn lớn.
Cũng cần phải nói thêm rằng, từ sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ  biên giới quốc gia, chẳng lẽ không phải vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân? Chẳng lẽ cái “trục” chính trị này đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc Việt Nam hay sao?
Thứ hai, phải chăng mối quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân đang có vấn đề và cần phải “xoay trục” để có cách đối xử với nhau đàng hoàng như người ta nói?
Có thể nói ngay rằng đây là một sự bịa đặt đầy ác ý. Trên thế giới, không có quốc gia nào là không có sự khác biệt nhất định về quan điểm, tư tưởng trong các nhóm xã hội. Trong thể chế đa đảng hoặc trong nhà nước tôn giáo (một quốc gia dựa trên một thiết chế tôn giáo nhất định) thì có thể diễn ra nhiều vấn đề nội bộ, theo nghĩa là có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội được pháp luật bảo vệ. Ở nước ta, quyền và lợi ích của con người, của công dân được quy định trong Hiến pháp, trong pháp luật. Những quan điểm, nhất là hành vi nào đó nằm ngoài các quy định được pháp luật bảo hộ không thể gọi quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân có vấn đề, cần có cách “đối xử với nhau” như trong văn hóa ứng xử giữa cá nhân với cá nhân được. Việc đồng nhất những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị các cơ quan chức năng xử lý với cách ứng xử cá nhân với cá nhân, cách  “đối xử với nhau” là một sự nhầm lẫn tai hại, không thể chấp nhận.
Thứ ba, phải chăng Việt Nam “cứ theo đuôi một phía nào đấy” nên đã ứng xử sai trong “nội bộ của dân tộc” và do đó cần phải “phát huy tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật”?
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập năm 1945 ngay trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, khi chưa có bất cứ một sự giúp đỡ nào của Liên Xô, Trung Quốc. Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trong bối cảnh Liên Xô cải tổ dẫn đến sụp đổ…Việt Nam đã tổng kết thực tiễn, từ nông nghiệp (Chỉ thị số 100-CT/TƯ1), Nghị quyết 102)… từng bước xác định đường lối đổi mới. Việc Đảng ta nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm các nước là điều bình thường.
Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện của một nước còn nghèo nàn, lạc hậu, lịch sử đã chứng minh đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là một mặt ra sức phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mặt khác tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN, sự ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Đến nay, Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo đảm… chẳng lẽ đây cũng là “theo đuôi”, bắt chước một quốc gia nào đấy?
Việt Nam đã, đang và sẽ luôn theo cái “trục” làm mọi cách để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc với những phương thức tối ưu, đương nhiên điều đó không thể là theo đuôi ai cả.
Như vậy có thể nói, điều mà tác giả trả lời BBC rằng, Việt Nam cần phải  “xoay trục” để có cách ứng xử đúng đắn “trong nội bộ dân tộc” là sự bịa đặt, là xuyên tạc lịch sử Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một sai lầm về khoa học, lầm lạc về chính trị.
LINH NGHĨA