Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Đừng tự trở thành nỗi xấu hổ của cộng đồng gốc Việt

Ngày 22-8-2019, trang mạng Nuavongtraidat TV của Derek Pham - người Mỹ gốc Việt, đã công bố video clip nhan đề "Lê Trung Khoa, Thoibao.de bị chỉ đích danh là "lều báo" chuyên thêm thắt, xuyên tạc". Trong video clip, trả lời phỏng vấn của Derek Pham, ông Henry Nguyễn thẳng thắn nhận xét một người là Lê Trung Khoa "trình độ dốt nát đi làm nhà báo, nhận thức chính trị thì không có, tin tức chủ yếu chụp giật trên mạng để suy diễn tùm lum theo suy nghĩ chủ quan song lại tự "phong thánh" cho mình là nhạy tin, trung thực, khách quan. Lê Trung Khoa cùng Thoibao.de là hình thức khốn nạn của truyền thông"; và ông Henry Nguyễn khuyến cáo: "Những thông tin, dù mình tiếp nhận thế nào đi chăng nữa, thì cũng nên nhìn nhận tỉnh táo và nên kiểm chứng, không nên hồ đồ a dua theo "thông tin nóng" làm tình hình phức tạp lên. Các bạn nên tỉnh táo đừng bao giờ nghe Lê Trung Khoa nói về tình hình chính trị của Việt Nam. Riêng với tin tức về bãi Tư Chính và tình hình Biển Ðông, Lê Trung Khoa là một kẻ dối trá".
Vậy Lê Trung Khoa là ai, trang mạng Thoibao.de hoạt động như thế nào để ông Henry Nguyễn phải đánh giá và khuyến cáo như vậy?
Về nhân thân, Lê Trung Khoa sinh năm 1971, quê quán ở Thanh Hóa, có bố là người lao động xuất khẩu tại Ðức, tới những năm 90 của thế kỷ trước, Lê Trung Khoa đến Ðức. Thời kỳ đầu, anh ta sống ở một số nơi, chủ yếu buôn bán quần áo, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán máy thu tiền, dịch vụ lắp đặt camera an ninh. Chuyển đến Berlin, Lê Trung Khoa đã lập ra và điều hành trang mạng Thoibao.de.
Khi mới xuất hiện, Thoibao.de ít nhiều còn có sự lương thiện, cho nên từ tinh thần đoàn kết dân tộc, vì lợi ích chung của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mong muốn có một cầu nối về truyền thông giữa cộng đồng người Việt ở Ðức với quê hương, một tờ báo điện tử trong nước đã ký thỏa thuận hợp tác để trao đổi thông tin với Thoibao.de. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, tờ báo này buộc phải đơn phương hủy bỏ thỏa thuận, vì Thoibao.de làm báo giả dối, thiếu khách quan, liên tục đăng tải thông tin, đưa tin không đúng sự thật, tiêu cực, suy diễn, gán ghép, lái vấn đề sang hướng xấu...
Và cần phải nói thẳng rằng, từ thái độ thiện chí của phía Việt Nam, mà trong một thời gian, Lê Trung Khoa có cơ hội được tiếp xúc với cán bộ ngoại giao Việt Nam, dự một số buổi đón tiếp và hoạt động của một số lãnh đạo Việt Nam khi sang thăm, làm việc tại Ðức. Về sau, những bức ảnh chụp tại các cuộc tiếp xúc này lại được Lê Trung Khoa sử dụng để lòe bịp, khoe khoang như một "nhân vật quan trọng".
Trượt dài trên con đường lừa dối, để mưu cầu mục đích cá nhân và nuôi tham vọng, không có gì khó hiểu khi Lê Trung Khoa nhanh chóng quay lưng lại với đất nước của mình. Kể từ khi đổi hướng chính trị, với các bài viết chủ yếu đáp ứng nhu cầu của số người đọc có xu hướng chống phá, Thoibao.de ngày càng đi vào con đường xấu, trở thành một địa chỉ truyền thông chống Việt Nam nằm giữa châu Âu.
Các bài viết, video clip do Lê Trung Khoa phát tán trên Thoibao.de và Youtube thường trắng trợn xuyên tạc đường lối của Ðảng và Nhà nước Việt Nam; đưa tin và bình luận bóp méo một số sự kiện liên quan Việt Nam nhằm tác động tiêu cực tới uy tín và hình ảnh của Việt Nam, uy tín của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước; cổ vũ một số tổ chức, cá nhân có thái độ thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam; kích động dư luận xấu...
Ðể lừa dối người đọc, Lê Trung Khoa tự đánh bóng tên tuổi bằng cách rêu rao bản thân là "một nhà báo Ðức". Giấy tờ duy nhất liên quan tới hoạt động báo chí được Lê Trung Khoa trưng ra là một "thẻ báo chí", mà ở Ðức, "thẻ báo chí" như vậy không chỉ được cấp cho người hoạt động chính thức trong làng báo, mà còn cấp cho người có việc làm thêm liên quan đến báo chí. Bất cứ người nào ở Ðức cũng có thể nhận một "thẻ báo chí" nếu nộp một khoản lệ phí vài trăm ơ-rô, đồng thời khai báo, bày tỏ ý muốn làm việc có liên quan báo chí (như: thu thập thông tin cho một địa chỉ về truyền thông, chỉnh sửa văn bản cho một tờ báo, lập trang mạng và đăng quảng cáo...).
Khi mới sang Ðức, Lê Trung Khoa khoe đã học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sống và làm ăn ở Berlin, Lê Trung Khoa khoe trên trang facebook cá nhân từng học ở Ðại học Weimar, nhưng khi những người biết tường tận về anh ta xác định đó chỉ là dối trá, thì Lê Trung Khoa im lặng, cho đến nay vẫn không hề công bố văn bản nào cho thấy anh ta đã học và tốt nghiệp các trường này.
Không chỉ vậy, các bài viết, đặc biệt là video clip đã phát trên Youtube cho thấy Lê Trung Khoa sử dụng tiếng Việt rất kém, nói tiếng Ðức cũng theo lối "bồi". Ðặc biệt, là "nhà báo Ðức" nhưng đến nay Lê Trung Khoa chưa hề có một bài báo nào do chính anh ta viết bằng tiếng Ðức đã được đăng tải.
Tự nhận là "nhà báo Ðức", song Lê Trung Khoa luôn tỏ ra là một người không quan tâm tới nguyên tắc đạo đức báo chí, mà nguyên tắc hành nghề của anh ta là cố gắng phát tán càng nhiều càng tốt các loại tin giả (fake news), hoặc tin tức đã bị xuyên tạc, bóp méo. Thí dụ: Lê Trung Khoa liên tục cho đăng trên Thoibao.de bài viết có mục đích cản trở việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU (EVIPA); sử dụng rất nhiều thông tin, sự kiện, hình ảnh không hề liên quan để tiến công một cách bỉ ổi vào sản phẩm xe hơi của Công ty VinFast; gần đây trên Youtube, Lê Trung Khoa là một trong số ít kẻ liên tục bịa đặt tin tức về Biển Ðông để vu khống Việt Nam, đánh lừa dư luận, kích động chiến tranh…
Một điểm nổi bật trong hành nghề báo chí của Lê Trung Khoa là có mối thâm thù sâu sắc với những người Việt đang sống ở Ðức đã thể hiện tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh với các thế lực phản nước, hại dân. Ðể làm việc này, Lê Trung Khoa trơ tráo chế tài liệu giả để vu khống một người Việt yêu nước ở Ðức từng "giết nhiều lính Mỹ", năm 1968 từng "ám hại" một số bác sĩ người Ðức làm việc tại bệnh viện Huế,… trong khi năm 1968 người bị Lê Trung Khoa vu khống mới có 14 tuổi, chưa vào quân đội, vẫn sống và đi học ở quê nhà.
Nhằm tăng cường khả năng chống phá của Thoibao.de, thời gian gần đây, Lê Trung Khoa đã tập hợp quanh mình một số "cộng sự" vốn nổi danh thù địch, thiếu thiện chí, như Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Văn Ðài...
Về Bùi Thanh Hiếu, đó là người đã trải qua lộ trình đi từ "đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cờ bạc, trộm cắp" đến "nhà dân chủ". Cụ thể: năm 1994, Bùi Thanh Hiếu từng bị Tòa án nhân dân (TAND) tuyên án 45 tháng tù, 2 năm quản chế vì tội tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy; năm 1998, bị xử lý hành chính vì có hành vi cưỡng đoạt tài sản công dân; năm 2009, bị công an tạm giữ vì có hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm an ninh quốc gia"; năm 2011, bị xử lý hành chính về hành vi tàng trữ súng đồ chơi trong danh mục cấm sử dụng;... Từ ngày đến nước Ðức, Bùi Thanh Hiếu vừa kiếm sống bằng nghề buôn đồng hồ, nồi niêu xoong chảo vừa "buôn bán tin tức chính trị" để nuôi blog, facebook của anh ta là "thánh địa của các ổ nhóm phản động" (như đánh giá của cư dân mạng). Gần đây, Bùi Thanh Hiếu đi theo Lê Trung Khoa như hình với bóng. Các thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc, nhào nặn, xào xáo, dựng chuyện, vu khống, sử dụng thuyết âm mưu hư cấu ra chuyện giật gân liên quan đến tình hình Việt Nam, liên quan hoạt động của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, mà Bùi Thanh Hiếu vốn rất lành nghề đã thể hiện rất rõ trên Thoibao.de. Thậm chí cách đặt tên theo lối chương hồi của truyện võ hiệp mà Bùi Thanh Hiếu rất thành thạo cũng được sử dụng để đặt tên cho bài viết, video clip của Lê Trung Khoa.
Còn Nguyễn Văn Ðài, đây là "nhà dân chủ" năm 2007 đã bị TAND tuyên án 4 năm tù giam, quản chế 4 năm sau khi ra tù vì đã có hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam"; năm 2018, Nguyễn Văn Ðài tiếp tục bị TAND tuyên án 15 năm, quản chế 5 năm sau khi ra tù vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"; (nhưng đến ngày 7-6-2018 luật sư Nguyễn Văn Ðài và cộng sự Lê Thu Hà được đưa ra khỏi nhà tù tới sân bay quốc tế Nội Bài để sang Ðức xin tị nạn chính trị).
Theo một bài viết trên báo Công an Nhân dân, Nguyễn Văn Ðài đã khai với cơ quan công an: trung bình mỗi tháng, anh ta được bên ngoài cung cấp 1.000 USD, trong đó khoảng từ 600 đến 700 USD là lương tháng của Nguyễn Văn Ðài, số còn lại để trả lương nhân viên, "tài trợ học bổng" cho một số người đã được chọn từ trước; chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2006, Nguyễn Văn Ðài đã được "trả công" gần 19.000 USD. Sau khi nhận được lượng khoan hồng của Nhà nước Việt Nam để đến Ðức định cư, Nguyễn Văn Ðài lập tức trở lại đường cũ, bắt tay với tổ chức khủng bố "Việt Tân", dấn sâu vào con đường chống phá. Ðiển hình là ngày 25-4-2019, Nguyễn Văn Ðài và đại diện tổ chức khủng bố "Việt Tân" đến gặp đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan để vu khống Việt Nam "vi phạm nhân quyền", và dư luận coi đây là một cuộc gặp "đáng xấu hổ", vì anh ta cùng đồng bọn được đón tiếp trong một căn phòng tồi tàn, đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng chỉ ghi nhận một cách xã giao.
Với sự tham gia của mấy kẻ đầy tai tiếng như Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Văn Ðài... trang Thoibao.de do Lê Trung Khoa điều hành đã và đang là một "điểm đen" trong các địa chỉ truyền thông của người Việt ở nước ngoài.
Ðến nay, dù mọi dối trá, bịa đặt, bịp bợm, nhảm nhí mà Thoibao.de công bố đều bị dư luận vạch trần, Lê Trung Khoa vẫn tiếp tục trơ tráo sử dụng Thoibao.de thực hiện hành vi bất lương. Chính vì thế, trong gần 600 thảo luận dưới video clip đã đề cập tại phần đầu bài viết này, hầu như chỉ có ý kiến phản đối, coi Lê Trung Khoa chỉ là người "sống bằng nghề chửi, một dạng Chí Phèo thời nay", "con cháu cõng rắn cắn gà nhà của Lê Chiêu Thống", "phản bội quê cha đất tổ, nơi đã sinh ra nó và nơi nó đã học để biết chữ để hôm nay ngồi ở bên Ðức nói xấu chế độ, không đáng được gọi là nhà báo"...
Ðó là các ý kiến mà nếu Lê Trung Khoa còn chút lương tri thì hãy biết xấu hổ, hãy xem lại việc làm của chính mình, hãy tự vấn tại sao dư luận đã đánh giá như vậy,... để nhìn nhận lại bản thân, lấy lại tư cách người lương thiện.
Còn nếu Lê Trung Khoa tiếp tục sử dụng Thoibao.de để đạt mục đích xấu, hoặc vì được thế lực nào đó o bế, hỗ trợ để tiếp tay chống phá Việt Nam,... thì rốt cuộc, anh ta sẽ chỉ nhận được sự chê cười và xem thường của cả cộng đồng mà thôi./.
Hồng Quang (nhandan.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét