Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ngày 27-3-2012. Ảnh minh họa/Trí Dũng - TTXVN.
Lịch sử ra đời, phát triển của xã hội loài người từ khi xuất hiện nhà nước cho thấy, bất kỳ giai cấp, đảng phái nào khi nắm quyền lãnh đạo đất nước cũng đều tổ chức ra quân đội để bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế của mình và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Bởi thế, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc, không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, trung lập, đứng ngoài chính trị. V.I.Lênin đã khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…”(1)

Trong xã hội hiện đại, mỗi quốc gia đều có một hay đa đảng lãnh đạo và quân đội của quốc gia đó luôn gắn và phục tùng sự lãnh đạo của đảng chính trị cầm quyền. Vì thế, luận điệu đòi "phi chính trị hóa” quân đội là sự xuyên tạc, bịa đặt, hòng mưu đồ chính trị. Quan điểm quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc là phi lý và chưa bao giờ thực tiễn xác nhận. Những gì đã trải qua trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ nước nào, trong quá trình xuất hiện và trưởng thành, cũng luôn là một lực lượng chính trị quan trọng được nhà nước, giai cấp cầm quyền quan tâm lãnh đạo, xây dựng.

Lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch về bản chất của quân đội và xa rời, coi nhẹ sự lãnh đạo của đảng cầm quyền đối với quân đội. Điển hình là vào những năm 80 của thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản (ĐCS) Liên Xô do mắc bẫy của chiến lược “Diễn biến hòa bình” đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của học thuyết Mác - Lê-nin, xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội và hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp trong Hồng quân. Vì thế, đã làm cho Quân đội Liên Xô lúc bấy giờ bị “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa, dẫn đến phân rã về tư tưởng và tổ chức. Mặc dù lúc đó, lực lượng quân đội mạnh với khoảng 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị "phi chính trị hóa”, mất phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu không bảo vệ Đảng Cộng sản. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chế độ ở Liên Xô sụp đổ; và tương tự như vậy là các nước Đông Âu. Hiện nay, với kinh nghiệm đó và được bổ sung từ thực tiễn ở một số nước Bắc Phi-Trung Đông vừa qua, các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, hòng xóa bỏ những nước XHCN còn lại và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Để thực hiện tham vọng đó, chúng xác định Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là mục tiêu tập trung chống phá; trước mắt là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” quân đội, làm rệu rã tinh thần, mất sức chiến đấu, tiến tới vô hiệu hóa lực lượng trung thành, chủ lực, nòng cốt bảo vệ Đảng Cộng sản, chế độ XHCN ở Việt Nam. Chúng lý sự rằng, quân đội là một tổ chức quân sự, công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước, được tổ chức ra để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, quân đội trung lập về chính trị, đứng ngoài những biến động chính trị-xã hội, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào. Với lập luận đó, chúng ra sức phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin; xuyên tạc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với QĐND Việt Nam. Chúng còn đòi xóa bỏ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, cùng hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong quân đội; xuyên tạc truyền thống, bản chất Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết quân-dân, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với quân đội,... Càng gần đến Ngày thành lập quân đội, sự chống phá của các thế lực thù địch lại càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn nguy hiểm và thâm độc. Chúng tuyên truyền, phủ nhận chiến thắng của quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng qua những giai đoạn cách mạng; xuyên tạc các sự kiện lịch sử có quân đội tham gia; thổi phồng khuyết điểm của một vài cá nhân, đơn vị, hòng làm mất uy tín của quân đội,… Tất cả những điều đó không có gì khác ngoài mục đích là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QĐND Việt Nam, làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị, suy giảm về sức mạnh chiến đấu; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mất chỗ dựa vững chắc.

Tiếp thu học thuyết Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng QĐND Việt Nam từ các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng; thường xuyên được giáo dục, rèn luyện qua thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo đảm cho quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc; là công cụ bạo lực của Nhà nước Việt Nam XHCN, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Ngày 22-12-1944, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Đây chính là nền tảng tư tưởng, phương châm hành động để Đảng ta xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong suốt 70 năm qua.

Ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ sở chính trị-xã hội của Quân đội ta là đường lối của Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân. Quân đội được xây dựng trên nền tảng vũ trang toàn dân và làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh vũ trang, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực sự là quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản chất của quân đội là sự thống nhất hữu cơ giữa tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị-xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ. Lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta là vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng cao đẹp không chỉ mang tính cách mạng, khoa học, mà còn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc; không chỉ phản ánh sự vận động, phát triển đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam xuyên suốt hành trình lịch sử. Đồng thời, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm chính trị, đạo đức cao cả của quân đội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Cần khẳng định, chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta mới có đường hướng phát triển đúng đắn, thực sự là đội quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, nhân dân và luôn có ý chí quyết tâm, sức mạnh chiến đấu cao trước mọi kẻ thù xâm lược. Đảng thực hiện sự lãnh đạo quân đội thông qua hệ thống tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và các tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở. Nhà nước thống nhất quản lý quân đội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các tổ chức Đảng trong quân đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội ta đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để quân đội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, luôn đồng hành cùng dân tộc vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đánh bại đế quốc, thực dân, đưa non sông thu về một mối. Hiện nay, quân đội đang là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc XHCN, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trên chặng đường đó, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức xuất phát từ sự chống phá của các thế lực thù địch, mà trọng điểm là đòi “phi chính trị hóa” LLVT nhân dân, nhất là QĐND.

Để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đó của các thế lực thù địch, phải tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, nhân tố quyết định bảo đảm cho Quân đội ta luôn trưởng thành và chiến thắng. Phải tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, làm tròn sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng trong thời kỳ mới.

Thực tiễn lịch sử xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng đối với quân đội. Đó là điều không thể phủ nhận. Các thế lực thù địch dù có mưu mô, xảo quyệt đến đâu cũng không thể bác bỏ được.

(1)- V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 12, Nxb Tiến bộ M, 1979, tr. 136.

TRÁNG A LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét