Với niềm tin, tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ, nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục có những ý kiến đóng góp khẳng định công lao, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng một số ý kiến...
QĐND - Với niềm tin, tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ, nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục có những ý kiến đóng góp khẳng định công lao, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng một số ý kiến.
SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI - HỒ CHÍ MINH
Nhà nghiên cứu TRẦN ĐÌNH SƠN:
Hình ảnh Bác Hồ trường tồn cùng lịch sử, non sông đất nước
Không ở đâu trên thế giới này, bao thế hệ cùng gọi một vị lãnh tụ là Bác với lòng tôn kính vô bờ như ở Việt Nam. Từ người già cho đến em nhỏ đều kính trọng, tôn thờ Bác Hồ-biểu tượng thiêng liêng, vĩ đại, kết tinh mọi giá trị cao đẹp của nòi giống Tiên, Rồng. Người đã cống hiến trọn đời, hy sinh hết thảy cho dân, cho nước, cho độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, hình ảnh của Người đã in sâu trong tiềm thức của nhân dân, không một thế lực nào có thể thay đổi được niềm tin vĩnh hằng ấy.
Hình ảnh giản dị của Bác trong bộ ka-ki bạc màu, chân đi đôi dép cao su, đầu đội chiếc mũ cối… ân cần thăm hỏi nhân dân, ôm hôn, phát quà cho các cháu nhỏ, cùng bà con tát nước gầu dây… mãi mãi khắc ghi trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam. Không một hình ảnh nào gần gũi, thân tình hơn thế! Người là hiện thân cho vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh của dân tộc, hiện thân cho ý chí độc lập, tự do và khát vọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác của nhân dân Việt Nam. Sự tôn thờ của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu là hoàn toàn tự nguyện. Nó như một đức tin được hình thành từ trong sâu thẳm tâm hồn, gắn bó bằng những tình cảm đặc biệt, nên không dễ gì lay chuyển. Bởi thế, mọi mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch nhằm đánh đổ biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam đều sẽ trở nên vô nghĩa. Hình ảnh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi tạc vào tim, in vào khối óc của các thế hệ con dân đất Việt, trường tồn cùng lịch sử, cùng với non sông, đất nước.
YẾN LONG (ghi)
Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG, Chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Chính trị:
“Tượng đài văn hóa Hồ Chí Minh” có giá trị vĩnh hằng
Cùng với các bài báo khác viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Quân đội nhân dân thời gian gần đây, bài báo “Không ai có thể đánh đổ biểu tượng niềm tin của một dân tộc” đăng ngày 11-5-2015 đã cung cấp một góc nhìn mới, khẳng định giá trị vĩnh hằng của văn hóa dân tộc thông qua những biểu tượng niềm tin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân tiêu biểu nhất của thế kỷ 20. Với góc nhìn này, dù muốn hay không, những người phủ nhận Hồ Chí Minh cũng phải thừa nhận một sự thật lịch sử, đó là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam-một đảng mác-xít chân chính, do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, một “sợi chỉ đỏ” được xâu chuỗi xuyên suốt qua bao biến cố của thời gian, một truyền thống được hun đúc trong nhân dân ta, đó chính là lòng yêu nước. Chính vì vậy, những người Anh hùng giải phóng dân tộc mãi mãi được nhân dân tôn thờ, vinh danh. Đúng như UNESCO đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Với những cống hiến vĩ đại đó, biểu tượng niềm tin Hồ Chí Minh sẽ trường tồn bất tử trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN HƯƠNG (ghi)
Chị NGUYỄN THỊ VÂN PHƯƠNG, hướng dẫn viên, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Mỗi người dân thể hiện một tấm lòng sâu sắc với Bác
Trực tiếp làm công tác hướng dẫn và đón khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi năm chúng tôi đón hàng triệu lượt khách trong nước và nước ngoài. Chúng tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Trong dòng người vào Lăng viếng Bác, có rất nhiều câu chuyện, tình cảm sâu sắc của đồng bào đối với Bác. Có bà má miền Nam là Mẹ Việt Nam anh hùng gần trăm tuổi rơm rớm nước mắt nói rằng, má mong ngóng từ lâu, nay được ra Thủ đô, đến viếng Bác Hồ là thỏa nguyện cả cuộc đời rồi. Hay có cựu chiến binh mất một chân, hỏi bác có cần ngồi xe lăn, nhưng bác từ chối và tự mình dùng nạng để vào Lăng viếng Bác… Cảm động nhất là mới đây, đúng ngày 30-4, ngày kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong dòng người vào Lăng viếng Bác có anh Đỗ Hà Cừ, sinh đúng ngày 30-4-1984, quê ở Thái Bình, là nạn nhân chất độc da cam không thể tự đi lại được mà phải nằm di chuyển trên xe lăn. Đi cùng với anh có bố đẻ là cựu chiến binh Đỗ Ngọc Châu. Từ lâu, Đỗ Hà Cừ ấp ủ mong muốn được đi thăm Lăng Bác. Ngày hôm đó, em thức dậy từ lúc 4 giờ sáng với tâm trạng háo hức khi đặt chân tới Hà Nội. Với giọng nói ngọng ngịu, khó khăn, Đỗ Hà Cừ đã chia sẻ với chúng tôi rằng, được vào Lăng viếng Bác, em rất xúc động khi nhìn thấy Bác đang yên giấc ngàn thu. Em cảm thấy mình phải sống tự tin hơn, nỗ lực phấn đấu tốt hơn để xứng đáng là con cháu của Bác.
VƯƠNG HÀ (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét