Trong tình cảm, nhận thức của hầu hết người dân Việt Nam, việc Đảng cũng là việc dân, việc nước cũng là việc của mỗi người, mỗi nhà. Bởi Đảng ta có vững mạnh, đất nước ta có phát triển, thì mỗi người dân, mỗi gia đình mới có điều kiện hưởng thụ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc...
QĐND - Trong tình cảm, nhận thức của hầu hết người dân Việt Nam, việc Đảng cũng là việc dân, việc nước cũng là việc của mỗi người, mỗi nhà. Bởi Đảng ta có vững mạnh, đất nước ta có phát triển, thì mỗi người dân, mỗi gia đình mới có điều kiện hưởng thụ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Vậy nên, vào mỗi dịp chuẩn bị Đại hội, Đảng ta đã công bố dự thảo các văn kiện để mong muốn đón nhận, tiếp thu, tập hợp được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Trong khi nhiều người dân đã đóng góp, hiến kế được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thì cũng đã xuất hiện những ý kiến phiến diện, lệch lạc, thậm chí xuyên tạc quá khứ, bôi nhọ hiện tại và phủ nhận con đường đi tới tương lai của đất nước.
Ý kiến nhuốm màu “trái tim đen”
Đọc những thông tin sau đây, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng cảm thấy bị xúc phạm, niềm tự hào dân tộc bị tổn thương khi có “nhà nghiên cứu” cho rằng: “Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng vẫn chưa thoát khỏi một lối tư duy chính trị lạc hậu, do đó, cần phải có một nhân tố mới, như một nhà lãnh đạo có tư duy cải tổ để hủy bỏ hoàn toàn văn kiện này và thay bằng một văn kiện mới”(!). Lại nữa, có “nhà dân chủ” đã viết rằng: Việc dự thảo vẫn duy trì hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, giữ tên Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục đi theo con đường XHCN, duy trì chế độ “một đảng toàn trị”, lấy “sở hữu quốc doanh làm chủ đạo của nền kinh tế”, là “năm tai họa”, là “năm cái gông xiết vào cổ dân ta”(!)…
Những ý kiến này, khi xét ở góc độ khoa học vốn đã không khách quan, thiếu căn cứ thực tiễn, phi lô-gích, không xuất phát từ cơ sở, luận cứ nào. Còn xét về phương diện chủ quan, đó hoàn toàn là cái nhìn hằn học, được cất lên từ những tiếng nói lạc lõng và cách nhìn nhận vấn đề đã bị nhuốm màu “trái tim đen”! Thực chất, đằng sau ý kiến đó là mưu đồ chính trị xấu xa nên chắc chắn sẽ không được lòng dân Việt Nam chấp thuận.
Dự thảo sát thực tế, phản ánh đúng tình hình đất nước
Có một câu danh ngôn, đại ý: Muốn nhìn bầu trời quang đãng, cần phải bỏ đôi kính đen đang đeo trên đôi mắt của mình. Muốn nhìn nhận, xem xét, đánh giá vấn đề gì đạt tới chân lý, cũng phải dựa trên các yếu tố khách quan, toàn diện, thực tiễn, lịch sử và phát triển. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng ta đã bao quát và thể hiện đầy đủ các yếu tố trên.
Tính khách quan, toàn diện, thực tiễn, lịch sử, phát triển trong Dự thảo lần này không chỉ thể hiện ở tiêu đề, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, mà còn thể hiện ở cách nhìn nhận, đánh giá từ vấn đề vĩ mô đến những lĩnh vực cụ thể. Tiêu đề báo cáo chính trị có nội hàm sâu sắc hơn, tính định hướng rõ ràng hơn. Kết cấu, bố cục trong Dự thảo bảo đảm lô-gích hơn, khoa học hơn. Mục tiêu, phương hướng đề ra hợp với quy luật khách quan, sát tình hình thực tiễn của đất nước. Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đặt ra bảo đảm sát thực tế hơn. Các giải pháp thực hiện đồng bộ, có tính khả thi hơn. Trong đó, đáng chú ý là trong Dự thảo lần này Đảng ta tiếp tục đề cao phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, nhất là khi đánh giá về tình hình đất nước, những nguy cơ, thách thức tác động đến quá trình phát triển và những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chẳng hạn như trong phần xây dựng Đảng, ngoài khẳng định những kết quả đạt được, Dự thảo đã nói rõ nguyên nhân chủ quan từ bên trong, những nguy cơ xuất phát từ nội bộ, đó là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp”. Sự nhìn nhận, đánh giá này chứng tỏ Đảng ta không hề giấu giếm khuyết điểm, luôn có tinh thần tự phê bình nghiêm khắc; đồng thời thể hiện sự cảnh tỉnh, phản tỉnh sâu sắc cũng như ý thức cầu thị của Đảng trước vận mệnh của Tổ quốc và chế độ. Vì vậy, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái, mọt ruỗng từ bên trong, lần đầu tiên trong Dự thảo đã đưa nội dung “đạo đức” vào mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. (Trước đây, trong mục tiêu xây dựng Đảng ta chỉ có 3 yếu tố là chính trị, tư tưởng và tổ chức). Hơn nữa, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII mà Dự thảo đưa ra, nhiệm vụ thứ nhất được xác định là: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Thông qua một ví dụ trên đây trong Dự thảo có thể khẳng định rằng: Đảng ta là “con nòi” của dân tộc và nhân dân ta, nên Đảng ta không bao giờ “đứng trên dân tộc”, “đứng ngoài nhân dân” như một vài ý kiến cực đoan nào đó từng rêu rao. Không những vậy, ý thức được vị trí, vai trò to lớn của mình, Đảng ta đã đánh giá trúng, đúng những thành tựu, ưu điểm và cả những hạn chế, khuyết điểm của mình; từ đó nêu cao ý chí quyết tâm tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tự học hỏi, tự làm giàu kiến thức, đạo đức, năng lực, trí tuệ để không ngừng tiến bộ, trưởng thành, thể hiện ngày càng xứng đáng với vị thế cầm quyền của một đảng cách mạng chân chính, đáp lại niềm tin yêu và lòng mong đợi của đại đa số nhân dân.
Tiếp thu ý kiến xác đáng, phê phán luận điệu xuyên tạc
Đã từ lâu ở Việt Nam, mỗi dịp Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại không chỉ của Đảng, mà thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Trong tình cảm, nhận thức của hầu hết người dân Việt Nam, việc Đảng cũng là việc dân, việc nước cũng là việc của mỗi người, mỗi nhà. Bởi vậy, mỗi khi Đảng ta kêu gọi, vận động, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội của Đảng, nhân dân ta coi đó là việc rất đỗi tự nhiên nên luôn có tinh thần hưởng ứng tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm. Hơn nữa, việc Đảng ta đã công bố công khai các dự thảo văn kiện đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không ngoài mục đích và mong muốn được tiếp nhận, tiếp thu, tập hợp nhiều ý kiến, hiến kế của các tầng lớp nhân dân, qua đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện, bảo đảm cho văn kiện đại hội thực sự là kết tinh của “Ý Đảng, lòng dân”.
Là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng để tập hợp đại đoàn kết dân tộc, gắn kết 54 dân tộc anh em trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở “cầu đồng tồn dị”, chúng ta chấp thuận ý kiến khác nhau, nhưng không trái, không đi ngược lại với mục tiêu cao cả đó. Có thể trong hàng ngàn, hàng vạn ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng, cũng có ý kiến đúng, có cơ sở khoa học, hợp lý, hợp tình; nhưng cũng có ý kiến chưa đúng vì thiếu thông tin hay thiếu tầm nhìn cần thiết. Nếu các ý kiến đó đều xuất phát từ tình cảm tâm huyết, trách nhiệm, vì dân, vì nước thực sự, thì luôn được Đảng ta trân trọng, đón nhận, chứ không bao giờ có thái độ “phân biệt đối xử” với những góp ý chưa đúng. Đó là phương châm hành xử giàu chất văn hóa, đồng thời cũng là trách nhiệm chính trị và ý thức cầu thị của một đảng cách mạng đã được nhân dân quý trọng, nuôi dưỡng, đùm bọc, bảo vệ suốt 85 năm qua.
Tuy nhiên, trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, lợi dụng internet, mạng xã hội cũng đã xuất hiện những ý kiến đóng góp thiếu thiện chí, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam, thậm chí có những ý kiến chỉ trích, chê bai, phản bác lồng ghép với dụng ý xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá thì chúng ta cần phải đề cao cảnh giác và kịp thời ngăn chặn, phê phán. Chúng ta chỉ tiếp thu những ý kiến đóng góp có lợi cho quốc kế dân sinh, cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước, chứ không chấp nhận những ý kiến làm phương hại đến sự ổn định chính trị, làm phân tâm tư tưởng nhân dân, gây xáo trộn đời sống tinh thần xã hội và cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch muốn lợi dụng việc đóng góp ý kiến này để chống phá cách mạng nước ta. Bởi vì, suy cho cùng, việc phê phán, phản bác những ý kiến sai trái, thù địch cũng là một cách để trân trọng, bảo vệ những ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ, chính đáng của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
THIỆN VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét