Ngày 19-9, tại Hà Nội, khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ; khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ gắn bó máu thịt và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố; các tầng lớp nhân dân không ngừng phát huy quyền làm chủ, đoàn kết thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
MTTQ Việt Nam tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, có nhiều hoạt động nổi bật, để lại dấu ấn rõ nét, như: Công tác giám sát và phản biện xã hội; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xóa đói, giảm nghèo… Trước yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là đầu mối củng cố, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Các chương trình giám sát của MTTQ được triển khai thực hiện ngày càng thực chất, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề từ thực tiễn cơ sở.
Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX diễn ra trong thời điểm lịch sử quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, tiếp tục thực hiện những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại hội XII của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển”; trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019), rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015; đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, đòi hỏi MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm trước Đảng và nhân dân; xác định rõ mục tiêu, chương trình hành động, giải pháp cụ thể, thực hiện sứ mệnh cao cả xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Cùng với đó, cần có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng chính đáng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể nhân dân.
Mặt trận các cấp cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; nắm bắt, tập hợp, phản ánh tình hình của nhân dân; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sát dân, hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Với vị trí, vai trò của mình, mặt trận cần làm tốt hơn việc giám sát và phản biện xã hội, nhất là giám sát những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm, phát huy cao nhất tinh thần đại đoàn kết dân tộc; xác định đây là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó cũng là truyền thống quý báu, sức mạnh vô địch trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và cách mạng, như Bác Hồ từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” và “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Đặc biệt, đoàn kết trong Đảng phải thực sự là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là thành viên tích cực và đặc biệt của MTTQ Việt Nam, luôn sát cánh và là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và nhân dân. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các địa phương phát động, đóng góp tích cực vào những kết quả đạt được trong công tác mặt trận những năm qua, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm sáng đẹp truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân.
QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét