Lợi dụng “bàn tròn” để “bóp méo”
“Bàn tròn thời cuộc”, “hội thảo chuyên đề”… là cách mà họ tập hợp những người có cái nhìn bất mãn, tiêu cực để lật lại lịch sử qua đôi “kính đen”. Còn nhớ, BBC, tiếng là hãng truyền thông quốc tế có tên tuổi nhưng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám từng mở cái gọi là “bàn tròn thời cuộc” quy tụ những ý kiến “dị dạng” mà không có quan điểm của một nhà nghiên cứu lịch sử đúng nghĩa tham gia. Họ đòi đổi tên cuộc cách mạng, cho rằng không có Cách mạng Tháng Tám mà chỉ có khởi nghĩa tháng Tám vì nó chỉ diễn ra trong mấy ngày! Họ cho rằng không có chuyện Việt Minh, Đảng Cộng sản làm cách mạng mà chỉ có người dân phẫn uất vùng lên giành chính quyền. Trương Tuấn Nhân, một người xưng là giáo sư ở nước ngoài cho rằng: “Không có “đánh đấm” gì cả vì cuộc cách mạng xảy ra sau lúc quân Nhật đã có lệnh bỏ súng đầu hàng. Việt Minh lợi dụng khoảng trống quyền lực để nắm lấy chính quyền… "Hai mươi triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy” cũng chỉ là điều tưởng tượng”!
Họ khuyến nghị, “không nên tâng bốc kể công với lịch sử rằng “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật giành tự do, độc lập cho đất nước” vì trong thời điểm này các đảng phái khác như Đại Việt, Việt Quốc, Việt Cách... cũng có hành động tương tự, buộc trao chính quyền ở một số địa phương.
Người ta còn nhào nặn, bóp méo lịch sử khi lập luận: Chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim đã tuyên bố độc lập từ trước, đã “làm được nhiều việc” để đặt nền móng xây dựng “một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước” song “tất cả tan tành chỉ vì… Cách mạng Tháng Tám”!
Những luận điệu "bắn quá khứ để phá tương lai"
 Ảnh minh họa.
Không thể xuyên tạc
Những quan điểm lệch lạc trên đã bị giới nghiên cứu sử học và báo chí, dư luận phản bác nhiều năm nay. Báo Quân đội nhân dân cũng có các bài viết phê phán. Cho nên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số luận điểm của chính các nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước để làm sáng tỏ sự thật.
Trước hết, cần khẳng định rằng, không ít quan điểm, phân tích của các nhà nghiên cứu nước ngoài đã bị nhào nặn, bóp méo để xuyên tạc bản chất của Cách mạng Tháng Tám. Philippe Devillers, một nhà báo Pháp chuyên viết về các vấn đề chiến tranh đồng thời là một nhà sử học, trong cuốn “Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến 1952” phát hành tại Pháp năm 1952 đã xem thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “sự ăn may”. Khi đó, ông nhận định: "Cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ. Nó là kết quả cuối cùng của sự thấm lọc, điểm nút lô-gích của sự thâm nhập Việt Minh vào tất cả các lĩnh vực quốc gia. Chỉ có một sự tụ hội kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”. Tuy nhiên, sau này, trong cuốn sách “Paris - Sài Gòn - Hà Nội - Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947” xuất bản năm 1998, ông đã có những nhận định mới, đúng hơn về Cách mạng Tháng Tám. Thế nhưng, dường như những quan điểm tiến bộ của ông sau này lại không được những “nhà nghiên cứu” trích dẫn, khi mà họ chỉ cố tình xuyên tạc lịch sử, bất chấp sự thật.
Theo GS, TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, vấn đề “khoảng trống quyền lực” được nhà sử học người Na Uy Stein Tonnesson nêu ra lần đầu tiên trong luận án Tiến sĩ của ông, và được in thành sách năm 1991. Tonnesson luận giải như sau: “Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng Minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng Minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ”. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, Tonnesson đã tuyên bố rõ rằng: “Trong khi góp phần chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của khoảng trống quyền lực ở thời điểm tháng 8-1945 để giải thích cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuốn sách này không cho rằng cuộc cách mạng đó là "tình cờ”, "ngẫu nhiên" hoặc "ăn may”.  
Giáo sư William J.Duiker, nhà sử học nổi tiếng của Mỹ, người đầu tiên đưa ra ý tưởng về sự tồn tại của “khoảng trống chính trị”, viết: “Cần phải nhớ rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành tựu vĩ đại như vậy và thắng lợi của những người Cộng sản là có sự đóng góp ở mức độ không nhỏ của những hoàn cảnh ngẫu nhiên”; “chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh. Ở các xứ thuộc địa khác, khoảng trống có thể được lấp đầy bởi lực lượng dân tộc chủ nghĩa không Cộng sản. Nhưng ở Việt Nam, các phần tử dân tộc chủ nghĩa đã không thể đứng lên chấp nhận thách thức. Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới là quan trọng”.
Một nhà sử học Pháp là Alain Ruscio, người đã có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam sau hơn 30 năm nghiên cứu cũng từng khẳng định: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lô-gích trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái, một nhà nghiên cứu ở Ca-na-đa, sau sự kiện 30-4-1975, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ bắt đầu tìm hiểu về Cách mạng Việt Nam, trong đó họ chú ý đào sâu về nguồn gốc và động lực Cách mạng Tháng Tám. Trong cuốn sách đồ sộ 700 trang mang tên “Ho Chi Minh - A Life (Hồ Chí Minh - Một cuộc đời) xuất bản năm 2000, Giáo sư William J.Duiker đã trình bày các nguyên nhân dẫn đến Cách mạng Tháng Tám một cách hết sức thực tế: “Rõ ràng là nạn đói ở miền Bắc và Trung Việt Nam, kéo dài dai dẳng từ mùa đông trước, đã tạo ra một tình thế thuận lợi cho các lực lượng cách mạng… Đói kém tràn lan đã tạo ra cơ hội ngàn vàng cho Việt Minh. Họ tiếp tục khuyến khích nông dân đang bị đói, ở những khu vực mà họ đã giải phóng, phá các kho thóc công để chia cho dân nghèo…”. Chỉ riêng phân tích trên đã cho thấy vai trò của Việt Minh trong tổ chức, tập hợp lực lượng từ lòng dân, không phải là một sự ngẫu nhiên đơn giản
TS Trần Tăng Khởi trong bài viết “Bàn thêm về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám” đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng gần đây đã khẳng định: Không có “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng Tháng Tám. Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân tất yếu nhất đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Cơ hội đến mà không biết tận dụng thì cũng không thể giành được mà yêu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là yếu tố khách quan, nó tác động đến tất cả các nước ở khu vực bị phát-xít Nhật chiếm đóng như Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… Thế nhưng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng được cơ hội đó. Vấn đề đặt ra là, cơ hội kết hợp với cái gì để tạo ra thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó chính là nội lực mà Đảng ta đã chuẩn bị từ năm 1941 đến 1945. Đó cũng là cả một quá trình tôi luyện của một tổ chức cách mạng tuy mới tồn tại được 15 năm, nhưng đã kinh qua bao nhiêu thử thách, trong đó có những bài học thất bại sâu sắc của Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) và Nam Kỳ khởi nghĩa (1940), lần lượt cả bốn Tổng Bí thư thời kỳ đầu của Đảng từ Trần Phú đến Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ đều hy sinh cùng biết bao đồng chí khác.
Cảnh giác trước sự xuyên tạc lịch sử
Thực chất của những luận điệu chống phá mà phần đầu bài viết đã nêu chính là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ nhận con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Không phải ngẫu nhiên mà những người đưa ra luận điệu, dù không phải là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám lại “nhiệt tình” đưa ra những cái gọi là “nghiên cứu lịch sử” đến vậy. Cũng không phải ngẫu nhiên mà họ thường dẫn lại lời ông Trần Trọng Kim rằng sau khi giành độc lập có thể thỏa hiệp, thực hiện đúng các hiệp ước với Pháp thì ngày nay Việt Nam đã giàu mạnh chứ không cần toàn quốc kháng chiến. Họ phê phán, sai lầm chỉ có thể sửa sai bằng cách đưa cả nước vào cơn máu lửa.
Từ đó, họ quy kết, Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành một sự lựa chọn sai lầm của lịch sử dân tộc, khiến cho đất nước không thể thịnh vượng. Họ cố tình xâu chuỗi các sự kiện kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khác là sai lầm để rồi gọi ngày Quốc khánh 2-9-1945 là một trong những ngày “quốc hận” của dân tộc vì từ cuộc cách mạng này, Đảng đã dẫn cả nước “lầm đường”. Âm mưu sâu xa của họ là kêu gọi thế hệ hôm nay phải xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, phải lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa.
Nhưng dù có lấp liếm và được ngụy trang dưới những vỏ bọc hào nhoáng đến đâu thì những luận điệu ấy cũng không thể thay đổi được bản chất của lịch sử và không che giấu được những mưu đồ đen tối. Dù cuộc cách mạng đã lùi xa hơn 70 năm nhưng những người Việt Nam chân chính luôn trân trọng thành quả cách mạng vĩ đại của cha anh và từ đó rút ra những bài học bổ ích trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, đồng thời luôn cảnh giác với những mưu đồ nhìn lịch sử qua “kính đen” để xuyên tạc, bóp méo.
NGUYỄN VĂN MINH