Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

CHUYỆN BÁC HỒ GẶP LÃO NGƯ Ở BIỂN SẦM SƠN

 Một mùa hè trăn trở… Miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III. Hồ Chủ tịch đi thăm nhân dân một số tỉnh phía Nam Thủ đô Hà Nội. Người ghé Sầm Sơn tắm biển. Hiểu được ý Bác. Anh Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, bố trí nơi Bác đến tắm được gần dân, xa bãi tắm của du khách nghỉ hè.

Bác nói với mấy vị cán bộ cao cấp cùng đi: Mình về với dân, cùng làm với dân để được tắm biển.
Bác hỏi một đồng chí cán bộ đang sánh bước với Bác:
- Chú có biết kéo lưới rùng không?
- Dạ… không (cười trừ) - không biết Bác ạ.
- Thế chú biết cầm chèo chứ?
- Dạ cũng không, thưa Bác.
- Cũng không biết. Chú khai thành phần của chú là dân nghèo miền biển kia mà!
- Cháu ở vùng biển nhưng chỉ làm công việc trên cạn, thưa Bác.
Bác cười ý nhị, nói vui: “Có lẽ Ban Tổ chức thêm mục khai lý lịch thành phần “Ngư dân không biết nghề biển”.
Bác đã từng dự Đại hội Quốc tế nông dân tại Liên Xô, khi làm thủ tục giấy tờ, Bác khai xuất thân gia đình nhà Nho, bản thân là thủy thủ. Tại Đại hội này, Bác đọc một tham luận được hoan nghênh nhiệt liệt và được bầu vào Ban Chấp hành và Ủy viên Chủ tịch đoàn Hội nông dân thế giới. Có ý kiến phân vân: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sinh trong một gia đình trí thức (nhà Nho), nghề nghiệp là thủy thủ có hiểu biết về nông dân không mà bầu đồng chí ấy vào cấp lãnh đạo tối cao như vậy? Đại hội bế mạc. Các đại biểu dự Đại hội đã về tham quan một nông trang thí điểm ngoại thành Mát-xcơ-va. Bấy giờ nông dân Liên Xô chủ yếu vẫn cày ruộng bằng ngựa. Bác bước xuống ruộng xin anh nông trang viên cho cày thử. Bác cầm cày thúc ngựa đi băng băng, những luống cày ngả vạt đều tăm tắp. Các đại biểu nông dân quốc tế trầm trồ, thốt lên: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc thủy thủ mà cày giỏi quá”.
Họ có biết đâu Bác đã tập cày từ năm Bác còn ở làng Sen, lúc mười bốn, mười lăm tuổi. Rồi ngày Bác sang nước Mỹ, đến New York, làm thợ cày trong trại trồng nho ở Brucklin để xem xét cái phương thức làm, ăn của người nông dân ở một nước “Văn minh nhất thế giới”.
Từ trong xóm chài ra bãi tắm, Bác mặc đồ của người đi nghề biển. Lúc qua ngõ một ngôi nhà gần đường, có ông cụ trạc tuổi Bác đang ngồi trên chõng tre với be rượu vừa đan lưới vừa trông mấy đứa cháu chơi ở sân. Cụ nhìn thấy khách lạ đến tắm biển thì đon đả:
- Mời cụ và mấy ông vô uống với tôi “Nhật tảo nhất bôi tửu” (Buổi sớm uống chén rượu) ... Rồi hãy ra bến tắm.
Bác Hồ bước vào sân, chào hỏi ông cụ chủ nhà rất tự nhiên:
- Về già mà được cái thú vui “rượu sớm trà khuya” như cụ thế này là nhàn rồi, cụ nhỉ?
- Thưa phải... không giấu gì cụ, cũng chỉ mới được nhàn thân chút đỉnh, còn tâm thì chưa nhàn tý nào ạ.
Bác cầm ly rượu lên để đáp tấm thịnh tình của ông cụ chủ nhà.
Ông cụ thấy khách cầm ly rượu trong tay mà chưa nhấp môi nên nhắc vui:
- Thưa cụ, ở bên Tàu, đời nhà Tần mới có chuyện “Bôi cung xà ảnh” ạ.
Bác Hồ nhấp liền một chút rượu, Bác cười:
- Cụ vẫn còn nhớ cái tích ông Lạc Quảng mời rượu bạn. Bạn thấy con rắn nằm trong chén rượu sợ không dám uống, về sau mới nhận ra đó là cái bóng dây cung treo trên xà nhà. Cho nên, tin nhau là điều tối quan trọng, phải không cụ!? Cụ chủ nhà thấy khách tương đắc với mình, cụ càng vui câu chuyện:
- Quả vậy thưa cụ. Ở thời nay chúng ta không có “Bôi cung xà ảnh” mà có “Bôi trung nhật nguyệt ảnh” ạ.
Bác Hồ nhìn ra biển, hỏi sang chuyện khác.
- Hợp tác xã ta làm ăn có ra gì không, thưa cụ?
- Ơn Đảng, Chính phủ và Bác Hồ… không giấu gì cụ và quý ông nói thì nghe rất hay, nhưng làm thì… khó nói quá… xin để lúc khác, cụ và quý ông còn nghỉ mát ở đây, giờ ra tắm nắng còn dịu nước mát, lát nữa nắng cháy da sém thịt mất…
Bác Hồ tạm biệt cụ, khi ra khỏi ngõ, Bác nói với các cán bộ cùng đi với Người:
- Ông cụ chưa tin ở chúng ta để nói ra cái sự thật về cán bộ của hợp tác xã này. Ông cụ mới hé ra “nói thì nghe rất hay, nhưng làm thì…”. Sau tiếng “thì” ấy của ông cụ có thể là “làm tồi, làm dở, làm việc xấu… việc bậy bạ”...
Bác cởi trần chỉ mặc chiếc quần cộc, sải bước dài đi tới chỗ bà con đang đánh cá. Người vừa hỏi bà con “cá vào trong lộng có dày không”, vừa đưa tay cầm ngay dây kéo lưới rùng với họ như một lão ngư thân thuộc biển cả, thân thương với bà con. Cả buổi sáng kéo lưới với dân, Bác đã nghe được bao điều sự thật từ dân. Bác càng ngẫm ra điều ông cụ xóm chài nói là vô cùng sâu sắc. Bác giải thích cho anh em đi cùng:
- Ông cụ trong xóm chài nói “Bôi trung nhật nguyệt ảnh” nếu chỉ hiểu đơn giản thì “nhật” là mặt trời, “nguyệt” là mặt trăng. Tức là trong ly rượu có bóng của ngày rộng tháng dài. Còn có nghĩa, chữ nhật ghép với chữ nguyệt thành chữ minh. Minh là sáng. Thế thì “Nhật nguyệt tuy minh nan chiếu khúc bồn chi hạ”, mặt trời, mặt trăng tuy sáng nhưng không thể thấu được một khi cái chậu đã úp xuống. Cho nên, ông cụ xóm chài lúc nói về tình hình làm ăn của hợp tác xã, cụ hô khẩu hiệu “Ơn Đảng, Chính phủ và Bác Hồ “nhưng” hợp tác xã nói nghe rất hay còn làm thì… khó nói quá”…Thế nghĩa là, thực chất cái hợp tác xã có khác gì cái chậu đã úp xuống thì mặt trăng, mặt trời có sáng đến đâu cũng không thể rọi thấu được.
Ngay chiều hôm đó (17/7/1960), anh Vũ Kỳ theo ý Bác đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác…
Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ! Ông cụ xóm chài cửa biển Sầm Sơn ngây ngất bồi hồi nâng cái ly rượu mà Hồ Chủ tịch đã uống, đặt lên bàn thờ gia tiên giữ làm kỷ vật thiêng liêng của gia đình.
Dân tin Bác. Bởi lẽ, Bác nói đi đôi với làm. Bác yêu nước thương dân thật. Thật trọn đời.
Ngõ Văn mùa đông 1993
-----------------------
Theo Nhà văn Sơn Tùng/Baogiaothong
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang chơi nhạc cụ, mọi người đang đứng và ngoài trời

LÒNG DÂN LÀ THƯỚC ĐO GIÁ TRỊ NHẤT

 Năm 2020 diễn ra với rất nhiều biến động về kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới do đại dịch covid-19. Nhưng trong chính bối cảnh khó khăn chồng chất do đại dịch, rồi thiên tai xảy ra ở rất nhiều địa phương của nước ta cũng là lúc Đảng, Nhà nước thể hiện rõ nét sự ưu việt của thể chế chính trị và củng cố niềm tin trong nhân dân. Mặc dù có nhiều đối tượng vẫn tìm cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, gây chia rẽ đại đoàn kết giữa người dân với chính quyền nhưng điều đó dường như không thể đi ngược lại những gì đang diễn ra. Lòng dân chính là thước đo để khẳng định sự ưu việt, bản chất dân chủ thực sự của chế độ chính trị ở Việt Nam.

Phải nói rằng, trong đại dịch covid 19 hay ứng phó với các đợt bão lũ chồng chất trong năm vừa qua, Nhà nước đã lan tỏa được quyết tâm chính trị trong ứng phó với các vấn đề này. Điều đó đã khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam. Khi những giải pháp ứng phó dịch bệnh của Chính phủ phát huy hiệu quả, tạo được môi trường an toàn cũng như không gây đứt gãy sự phát triển kinh tế, niềm tin của nhân dân lại càng được củng cố và theo đà đó, nhân dân lại càng tích cực chung tay với Chính phủ để đối phó với những khó khăn chung của đất nước.
Rõ ràng, thực tế nếu Đảng, Nhà nước không coi trọng, không khơi dậy được giá trị cốt lõi trong truyền thống của dân tộc Việt Nam thì rõ ràng khó có thể khai thác được sức mạnh của nhân dân như thời gian qua. Ngược lại, nếu người dân không đặt niềm tin vào chính quyền thì họ sẽ không sẵn sàng xắn tay, chung sức, đồng lòng với Chính phủ như thời gian qua. Niềm tin của nhân dân ngày càng được củng cố cũng như đóng góp của họ với cộng đồng, đất nước chính là thước đo giá trị nhất đối với uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý, điều hành của Chính phủ.
Vị thế, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao, thể hiện rõ nét là sự dịch chuyển hoạt động sản xuất của nhiều tập đoàn lớn sang Việt Nam. Cùng với đó, niềm tin của nhân dân được củng cố, môi trường chính trị - xã hội ổn định chính là sức mạnh để đất nước tiếp tục phát triển, khẳng định sự lựa chọn đúng đắn và tính ưu việt của chế độ chính trị nước ta.
(Tâm Ngôn)

Ý ĐẢNG VÀ LÒNG DÂN

 Đại hội XIII của Đảng là một sự kiện chính trị, một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là công tác văn kiện và công tác nhân sự, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vậy trong hai công tác cực kỳ quan trọng của mỗi kỳ Đại hội Đảng đó, công tác cán bộ vẫn là cái gốc của mọi công tác khác. Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu công tác văn kiện được chuẩn bị tốt nhưng công tác cán bộ làm không kỹ, không tốt, để lọt vào đội ngũ những người bất tài, hám lợi thì việc thực thi nhiệm vụ cũng sẽ không thành công.
Trong một bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: "Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước".
Nhìn thẳng vào vấn đề, chỉ rõ, chỉ đích danh "một nguyên nhân quan trọng" kéo lùi sự phát triển của đất nước là do sự yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để khắc phục được vấn đề trên, một trong những việc quan trọng hàng đầu trong thời gian qua của Đảng là làm sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, đã có hơn 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự trong đó có cả nguyên Uỷ viên BCT. Sự yếu kém bất tài của đội ngũ cán bộ, trong đó có sự yếu kém về nhân cách và phẩm giá của người cán bộ đảng viên, xét cho cùng, là họ đã không biết giữ gìn phẩm giá của chính mình và phẩm giá của gia đình, dòng họ và phẩm giá, truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc.
Trong số hơn 100 cán bộ đảng viên cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, có không ít người khi chưa được đề bạt, cất nhắc lên vị trí lãnh đạo thì họ có thực tâm, thực tài, có người đã từng có những cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân và họ đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước tôn vinh. Nhưng khi được cất nhắc lên những vị trí quan trọng thì họ lại trở thành những người hư hỏng, hại nước, hại dân.
Điều xót xa này chúng ta thường gặp ở những nơi di tích, danh thắng quan trọng của đất nước. Những bia đá khắc ghi, những cây cổ thụ được trồng lên có gắn bảng đồng, bia đá. Họ là những người đã từng giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy thì mới được trồng cây lưu niệm, khắc ghi ở những nơi quan trọng, nhưng nay bia đá, bảng đồng và cây trồng còn đó, nhưng có người thì đang nằm trong trại giam, người thì đang sống ẩn dật, tủi hổ ở một nơi cách biệt nào đó không dám tiếp xúc với cộng đồng, dân cư.
"Trăm năm bia đá thì mòn". Vâng, bia đá có thể mòn, một cây cổ thụ khi đi hết vòng đời của nó thì sẽ chết đi và lấy thân nuôi đất, nhưng ngàn năm sau, bia miệng thì vẫn còn, như những lời nhắc nhở cho những ai thiếu tu dưỡng, rèn luyện và giữ gìn.
Để xảy ra điều này, tự bản thân họ không biết giữ gìn khi đã có quyền, có danh, có lợi trong tay và tổ chức, đơn vị, cơ quan, khu dân cư… nơi họ công tác thiếu đi tính đấu tranh, thiếu dân chủ và minh bạch, trong đó thiếu minh bạch về công tác cán bộ và minh bạch về tài chính. Họ giống như những chiếc xe lưu thông trên đường lớn mà thiếu đi các biển cảnh báo, thiếu đi lực lượng Cảnh sát giao thông.
Phải khẳng định rằng đất nước ta không thiếu người tài đức, việc tìm chọn được người tài đức đã khó, việc giữ được người tài đức lại càng khó khăn gấp bội, trong đó giữ sao cho được khi người tài đức đã đảm trách những vị trí quan trọng mà không mai một đến cái đức, vì cái đức vẫn là cái gốc của mỗi con người.
Chỉ khi nào trong hệ thống chính trị có được những con người thực tài và đức độ một lòng vì nước vì dân thì khi ấy, ý Đảng và lòng dân mới hợp là một, tạo nên thế và lực để đưa đất nước đi lên./.
Nguyễn Thế Hùng
Hình ảnh có thể có: 2 người

MŨ NAN - BIỂU TƯỢNG CỦA BỘ ĐỘ CỤ HỒ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

 Trong các bộ phim, các tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa… giới thiệu về thời kỳ chống Pháp, người ta luôn thấy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với chiếc mũ nan trên đầu. Trong phần trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng có nhiều hiện vật, hình ảnh về mũ nan của bộ đội thời ấy. Nhiều khách tham quan thắc mắc, chiếc mũ nan có từ bao giờ?

Mũ nan trở thành quân trang
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nền kinh tế kháng chiến hầu như chưa có gì, lại bị địch tàn phá và phong tỏa, chế độ cấp phát quân lượng gần như chưa thực hiện được. Trang phục của bộ đội phần lớn từ nhà mang theo, sau có thêm những trang phục do nhân dân đóng góp, vì vậy bộ đội mặc áo quần áo như người dân. Bộ đội miền Bắc mặc áo cánh màu nâu, đen có hai túi, quần ta buộc túm, bộ đội miền Nam mặc áo bà ba đen, quần đùi do đặc điểm thời tiết nóng bức và hoạt động ở vùng sông nước kênh rạch, sình lầy. Mũ nón, giày dép thì tùy theo khả năng tự túc của từng cán bộ, chiến sĩ, có nhiều người chỉ đi chân đất, đầu trần…
Năm 1946, ở miền Bắc, trước âm mưu và hành động thâm độc của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, nếu muốn giành thắng lợi thì chúng ta phải kháng chiến lâu dài. Muốn vậy, phải bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn... Khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Việt Bắc. Tháng 2 năm 1947, các cơ quan của chính phủ, các đơn vị quân đội chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc.
Trong điều kiện đóng quân ở rừng núi bốn mùa có mưa, rét, sương giăng, nắng rát, bộ đội rất cần chiếc mũ để đội đầu. Ban đầu lên Việt Bắc, mũ đội đầu của bộ đội rất da dạng, đủ loại gồm mũ ca-lô, mũ nồi, mũ phớt, mũ lá, có cả mũ sắt, mũ nhựa thu được của địch. Các loại mũ chất liệu từ vải như mũ ca-lô, mũ nồi, mũ phớt tuy gọn nhẹ nhưng chỉ sử dụng tốt vào mùa Đông, không phù hợp với những ngày mưa rừng xối xả; còn loại mũ sắt vừa nặng và nóng; mũ nhựa có phần nhẹ hơn mũ sắt nhưng cả hai không thể chịu được cái nắng rát mùa hè, nắng quái chiều hôm.
Các chiến sĩ quê ở Phú Thọ khi gia nhập quân đội có mang theo mũ lá cọ rộng vành, tuy có nhẹ hơn nhưng cồng kềnh. Trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, quân nhu chưa có điều kiện trang bị, bộ đội phải tìm ra loại mũ gì vừa che được nắng, vừa chống được mưa và không phải mua bằng tiền… Nhiều chiến sĩ sinh ra ở các làng quê, làng nghề đan lát, sẵn có kinh nghiệm đan rổ, rá bèn nghĩ ra lấy tre đan mũ.
Nơi đóng quân của bộ đội phần lớn ở rừng, nguồn nguyên liệu từ rừng là vô tận, đặc biệt là các loại tre, nứa, giang, trúc, hóp, mai, vầu… nhưng không phải loại nào cũng dùng đan mũ được. Nứa giòn dễ gãy, chỉ có thể sử dụng tre, giang mà các loại này cũng phải chọn loại bánh tẻ, lột đẽo lõi, lấy cật chẻ thành nan đan cốt mũ và vót nan ken quanh mũ. Đan mũ xong đưa lên hun khói trên gác bếp. Khói củi bồ hóng trên bếp lửa làm mũ nan vàng óng màu cánh gián không bị ẩm mốc, hay bị mọt.
Mũ nan được đan theo hai loại. Loại mũ đan ô thưa dùng cho mùa nắng, không cần cốt mũ chỉ cần gài lá cây lên mũ vừa ngụy trang vừa mát. Nhưng đến mùa mưa phải đan ken dày, dùng mo tre, lá cọ lợp làm cốt mũ tránh nước mưa. Nếu dùng mo tre hay lá cọ phải dùng chỉ khâu như khâu nón. Để bọc mũ thì dùng vải cắt thành hình ô van, khâu viền xung quanh rồi luồn dây. Mũ lợp xong dùng chỉ gai đan thành lưới ô quả trám như lưới đánh cá để gài lá ngụy trang. Kể từ tháng 2 năm 1947, bộ đội bắt đầu sử dụng mũ nan.
Nhận thấy việc sử dụng mũ nan có nhiều tiện lợi, năm 1948, Cục Quân nhu cấp vải và hướng dẫn các đơn vị tổ chức cho bộ đội đan mũ bằng nan tre bọc vải. Một số đơn vị sau khi thu dù của lính Pháp lấy dây dù đan thành lưới, vải dù hoa cắt nhỏ thắt vào mắt lưới để ngụy trang. Nếu ai có được mảnh dù hoa lớn đủ dùng bọc mũ thì không cần đan lưới mũ.
Bức ảnh mang số đăng ký P. 1488 lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thể hiện một cách sinh động sức sáng tạo của bộ đội ta giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khắc phục khó khăn, tự làm đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống sinh hoạt nơi chiến trường. Những lúc dừng chân trên đường hành quân, dân công, bộ đội chặt tre tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ rừng làm đồ dùng sinh hoạt như đan mũ nan, đan rổ rá, làm ống vầu đựng nước…
Biểu tượng “Bộ đội Cụ Hồ”
Từ năm 1949 trở đi, hầu hết bộ đội ở các đơn vị đều có mũ nan che nắng, che mưa. Mũ có đặc điểm vừa nhẹ, vừa tiện lợi, dễ đan lại khi hỏng. Cho đến năm 1953 - 1954, bộ đội và dân công tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ hầu hết sử dụng mũ nan tự đan. Tuy giống nhau về chất liệu nhưng hình dáng, kích cỡ của mũ còn tùy vào thiết kế phù hợp với từng người và nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Mũ nan có loại vành rộng, có loại vành cúp, có mũ bọc vải, lưới dù ngụy trang và có loại bọc mũ bằng vải dù hoa thu được của địch ngụy trang.
Trong bài thơ Việt Bắc của Nhà thơ Tố Hữu, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện rất sinh động với khí thế hào hùng, tràn đầy lạc quan cách mạng và tinh thần tự lực tự cường:
“Những đường Việt Bắc của ta
Ngày đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan…”
Tháng 10 năm 1954, miền Bắc được giải phóng, hàng vạn chiến sỹ từ 5 cửa ô quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ nan bọc vải và lưới ngụy trang tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Từ quân trang, mũ nan trở thành một trong những biểu tượng của “Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Không có mô tả ảnh.

NĂM 2020 - DẤU ẤN ĐẶC BIỆT TRONG LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI

 Năm 2020 ghi dấu ấn đặc biệt bởi sự đổi mới mạnh mẽ để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA 41.

Năm 2020 đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam mà đối với cả nhân loại vì sự xuất hiện đầy bất ngờ của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân.
Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, những hoạt động tưởng chừng như rất bình thường, đơn giản như gặp gỡ, hội họp, thảo luận… trước đại dịch đều trở nên khó thực hiện.
Trong bối cảnh ấy, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nghị trường năm 2020 ghi dấu ấn đặc biệt bởi sự đổi mới mạnh để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu, năm 2020 với hai Kỳ họp thứ 9 và thứ 10, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả 3 nội dung lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV mang đấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày trong đợt 1 (từ ngày 20-28/5).
Hình thức này được các đại biểu Quốc hội đánh giá là phù hợp khi cả nước đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, đặt nền móng cho bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với hình thức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước.
Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.
Các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên máy tính bảng để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng. Việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng.
Đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm, sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp và gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin, nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.
Kết thúc đợt họp đầu tiên theo hình thức trực tuyến, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Các đại biểu đánh giá, phiên họp diễn ra trong không khí dân chủ, nghiêm túc không khác so với hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Phương tiện phục vụ cho họp trực tuyến đã bảo đảm cho phiên họp diễn ra trôi chảy, không có vướng mắc hay trục trặc kỹ thuật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao, mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong một kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày và các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đạt hiệu quả cao.
“Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát huy những kết quả khả quan của Kỳ họp thứ 9, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục duy trì hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), được các đại biểu Quốc hội đồng tình rất cao.
Giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm
Điểm nhấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Khác với các lần chất vấn trong nhiều kỳ họp trước, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, kết quả của phiên chất vấn sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội, chuyển tải những nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát; thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ khóa XIV.
Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội rất đa dạng, bao phủ nhiều lĩnh vực của đời sống, là những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Đặc biệt vấn đề sạt, lở đất, lũ lụt ở miền Trung gây nhiều thiệt hại về người và tài sản đã "làm nóng" nghị trường trong những ngày chất vấn, với hàng loạt câu hỏi đặt ra.
Qua các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo tổng hợp kết quả thẩm tra, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn tại kỳ họp cho thấy bức tranh tổng thể trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu của Quốc hội là toàn diện, có chiều sâu, kết quả tích cực là chủ đạo.
Tuy nhiên, không ít vấn đề “đến hẹn” lại được đại biểu chất vấn, điều đó cho thấy việc giải quyết kiến nghị của đại biểu và cử tri chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa rốt ráo, triệt để, chuyển biến còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra.
Vấn đề đổ xô đi học lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, thăng hạng lại một lần nữa được đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn cho thấy trách nhiệm theo đuổi sự việc, giám sát đến cùng các vấn đề được người dân quan tâm của đại biểu Quốc hội.
Dấu ấn Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AIPA 41
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA, Đại hội đồng AIPA diễn ra từ ngày 8-10/9/2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Với sự dẫn dắt, điều hòa của Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công tốt đẹp.
Điều này thể hiện qua sự tham gia đông đủ, ủng hộ của các Nghị viện thành viên, các Nghị viện quan sát viên và nhiều tổ chức Nghị viện quốc tế.
Với vai trò Chủ tịch AIPA 41, việc Quốc hội Việt Nam chủ động đề xuất họp Đại hội đồng qua hình thức trực tuyến (từ ngày 8-10/9/2020) và đề xuất các hình thức xây dựng nghị quyết chương trình nghị sự đã ghi dấu ấn và tạo nên một cách tổ chức hoàn toàn mới, sẽ được áp dụng nhiều trong thời gian tới đối với một số hoạt động của AIPA.
Đặc biệt, chủ đề đưa ra tại các Ủy ban, Hội nghị Nữ Nghị sỹ, Hội nghị (không chính thức) Nghị sỹ trẻ AIPA và các Nghị quyết tại Đại hội đồng đã bám sát chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”, phù hợp với tình hình thực tiễn, thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ của AIPA đối với ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, ưu tiên của ASEAN trong năm 2020.
Đó là các nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch, thúc đẩy khôi phục an toàn các hoạt động kinh tế, duy trì sự ổn định, phát triển ở khu vực. Quốc hội Việt Nam đã phát huy vai trò dẫn dắt trong AIPA, tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao với các Nghị viện thành viên và Nghị viện Quan sát viên AIPA với các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của ASEAN.
Sau ba kỳ Đại hội đồng không thể tổ chức thì lần này Đại hội đồng AIPA 41 đã tổ chức được cuộc họp của Ủy ban Chính trị, đây là kết quả rất quan trọng.
Đặc biệt, với sáng kiến của Việt Nam kể từ Đại hội đồng AIPA 41 có Hội nghị nghị sỹ trẻ AIPA, Hội nghị quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững trong khuôn khổ AIPA. Hai sáng kiến này của Quốc hội Việt Nam được toàn thể các Nghị viện thành viên ủng hộ, đồng tình.
Những nội dung của Năm Chủ tịch AIPA 2020, Đại hội đồng AIPA 41 đã mở ra cho AIPA xác định một Tầm nhìn chiến lược của AIPA cho 5-10 năm tới, khẳng định vai trò của Ngoại giao Nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển, Cộng đồng của người dân, hướng tới người dân, hòa bình và thịnh vượng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trong chặng đường 25 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, phát triển mạnh mẽ và góp phần vào việc củng cố, hoàn thiện bộ máy, tổ chức của AIPA.
Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 là bước tiếp nối những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình phát triển của AIPA.
Trong năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 17 luật, 34 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng. Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Các Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO) được ban hành đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiều nội dung quan trọng khác như Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; quyết định ngày Chủ nhật, 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được các đại biểu Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năm 2020, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn. Quốc hội ngày càng đổi mới, hoàn thiện, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước./.
(TTXVN/Vietnam+)
Saithanh Bedu
Hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng