Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người lính trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, từng kinh qua 67 trận đánh và 4 chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Mỹ và lập được nhiều chiến công vang dội. Để có được thành tích đó, tướng Hiệu cho biết cuộc đời mình may mắn khi được gặp, học tập kinh nghiệm từ những vị tướng tài ba trong quân đội.
Nhắc đến quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, toàn quân đều nhớ đến công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng là một biểu tượng của sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị thống soái, tướng lĩnh tài ba.
Thượng tướng Hiệu nhắc lại một kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi còn nhớ vào năm 2004, khi đó tôi đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, được Bộ Quốc Phòng phân công đồng chủ trì buổi "Hội thảo quốc tế kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên Phủ” cùng Đại tướng. Trước 150 đại diện các nước và vùng lãnh thổ đến tham dự, Đại tướng nhắc rất nhiều đến nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam: chúng ta đánh địch, thắng địch bằng sự đoàn kết của dân tộc, bằng truyền thống dựng nước và giữ nước mà cha ông để lại. Kết thúc bài phát biểu, tất cả quan khách quốc tế đều đứng dậy vỗ tay không ngớt. Đó quả thật là tầm vóc của một vị tướng tài ba”.- tướng Hiệu kể về kỷ niệm quý giá trong đời binh nghiệp của mình.
Sau này khi về công tác tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng luôn căn dặn tướng Hiệu những điều rất hệ trọng trong chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật đánh giặc, từ đó mang đến thắng lợi toàn chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Đồng chí ở vị trí chiến lược của Bộ Quốc phòng cần phải biết rõ những vấn đề về học thuật, quan điểm, chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang ở cả 3 đội quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích.”
Khi nhắc về những người chỉ huy trực tiếp mình trong kháng chiến, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu ngậm ngùi nhớ về hai vị chỉ huy đáng kính là Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Lê Quang Đạo. Bao nhiêu ký ức, kỷ niệm ùa về, xếp lớp dày đặc trong tâm tưởng ông. “Đồng chí Lê Trọng Tấn là vị tướng trải qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được mệnh danh là ‘vị tướng tấn công’. Trong giai đoạn 1970-1979, đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh Mặt trận Đường 9. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí, đơn vị chúng tôi đánh đâu thắng đó, liên tục lập được nhiều chiến công vang dội. Trong quá trình chiến đấu, tôi học được từ tướng Tấn nhiều lối đánh hay, bất ngờ khiến quân địch không kịp ứng phó”.
Cũng theo lời tướng Hiệu kể lại, trong chiến đấu, Đại tướng Lê Trọng Tấn là người nghiêm nghị, có nhiều quyết định dứt khoát và táo bạo. Nhưng ngoài đời, ông có một cuộc sống vô cùng giản dị "Đại tướng từng từ chối cuộc sống sang trọng ở các biệt thự, quay về sống tại căn nhà nhỏ của mình cho đến cuối đời"-tướng Hiệu cho hay.
Trong những năm kháng chiến ác liệt ở các mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào và Trị Thiên giải phóng Quảng Trị, nếu Tư lệnh Lê Trọng Tấn nổi danh với lối đánh tấn công ác liệt thì Chính ủy Lê Quang Đạo dạy anh em cán bộ chiến sỹ về xây dựng bản lĩnh chính trị.
“Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 diễn ra khốc liệt, Chính ủy Lê Quang Đạo bám nhiều ngày đêm liền bên chiếc máy điện thoại để chỉ huy và động viên bộ đội chiến đấu. Từ đầu dây bên này, chúng tôi được nghe Chính ủy động viên bộ đội khắc phục khó khăn, quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi lần được nghe đồng chí động viên, căn dặn, anh em chiến sỹ lại thêm quyết tâm, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Sau này khi đảm nhiệm đến chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí vẫn thường xuyên hỏi thăm, động viên anh em cán bộ chiến sỹ”- tướng Hiệu nhớ lại.
Những người thầy mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhắc đến đều gắn liền với những chiến công lừng lẫy, góp phần quan trọng vào các cuộc kháng chiến thống nhất và bảo vệ Tổ quốc. Những phẩm chất đạo đức cao quý của người chiến sĩ cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân của các vị tướng là điều mỗi người chúng ta đều cần học hỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét