<Trần Bình>
Những ngày qua, lợi dụng sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương trong quản lý, sử dụng khu đất, trên các trang mạng xã hội, các lực lượng phản động ra sức xuyên tạc, bóp méo vấn đề, đổ lỗi, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Điển hình là bài viết của Trần Văn có tên: “Đây là lý do tại sao “họ” vẫn nhất định “định hướng XHCN”. Bài viết thể hiện rõ cái nhìn phiến diện, thái độ chống đối của Trần Văn khi cố tình quy chụp sai phạm của bà Thoa và một số cá nhân khác là do kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa và một số cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước không phải do thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Hiện nay nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên những hạn chế, tiêu cực là không tránh khỏi. Nhưng đó không phải là mong muốn của Đảng và Nhà nước, không phải là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những sai phạm đó là do những yếu kém trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, những yếu kém của một số cá nhân lãnh đạo và nhà quản trị doanh nghiệp…
Vì vậy, không thể đổ lỗi cho sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa và một số cá nhân là do kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi đi đến phủ nhận toàn bộ thành quả mà quá trình thực hiện mô hình này mang lại đối với sự phát triển của đất nước ta.
Thứ hai, thành tựu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam những năm qua là không thể phủ nhận
Thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Kinh tế Việt Nam là 1/16 nền kinh tế mới nổi, đạt hiệu quả cao, nhất là khi thế giới đang bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, hàng trăm quốc gia tăng trưởng âm, thì Việt Nam trở thành hiện tượng của tăng trưởng kinh tế;
Với mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, thống nhất quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. An sinh xã hội những năm qua ngày càng được cải thiện; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm và mang lại kết quả tích cực. Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hiệu quả định hướng, điều hành của Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế-xã hội so với nhiều quốc gia khác và đã được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức trên thế giới và khu vực đánh giá cao.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang lựa chọn và phát triển là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật của thời đại và tình hình thực tiễn Việt Nam. Mặc dù còn những hạn chế, nhưng những thành tựu mang lại là không thể phủ nhận. Nên, việc chỉ nhìn vào sai phạm của một số cá nhân trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại với thực tiễn của Việt Nam, cần phải nhận diện, lên án và bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét