Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

NGƯỜI CẬN VỆ CỦA BÁC HỒ VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN THÚ VỊ - ĐƯỢC ĐÍCH THÂN TỔNG THỐNG V.PUTIN MỜI SANG THĂM NƯỚC NGA

 May mắn được là cận vệ của Bác Hồ nhiều năm, sau khi Bác mất, ông lại chuyển sang làm ở Bảo tàng về Bác. Những tình cảm và tư tưởng của Người luôn làm ông xúc động mỗi khi nhớ lại.

Ông đã được đích thân Tổng thống V.Putin mời sang thăm nước Nga sau khi V.Putin được nghe ông kể về Bác Hồ. Ông là TS. Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Mơ ước được ở bên Bác Hồ
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà đơn sơ của ông trong khu tập thể nằm trên phố Vạn Bảo, Hà Nội. Không muốn viết về bản thân, nhưng ông sẵn sàng kể những câu chuyện về Bác Hồ. Sau câu chuyện ông kể, chúng tôi dần hiểu rằng vì sao ông đã nguyện dành cả cuộc đời để được phục vụ Bác.
Năm 1963, mới 20 tuổi, đang học trường ngoại ngữ khoa tiếng Nga, ông vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần ấy có Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm nước ta, Bác Hồ cùng nhân dân ra tận sân bay đón. Trường ông cũng có 2 khoa được chọn đứng xếp hàng đón đoàn lãnh đạo ở cổng Phủ Chủ tịch. Lần đầu tiên chàng sinh viên 20 tuổi vinh dự được nhìn thấy Bác Hồ, những cảm xúc ngày ấy đến tận bây giờ ông vẫn nhớ.
Thế rồi chẳng biết duyên số hay may mắn, năm 1964, ông được tuyển chọn làm cảnh vệ. Sau khóa học cảnh vệ một năm ở trường C500, nay là học viện An ninh, lớp ông được phân về cục Cảnh vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Đảng. Nhưng điều khiến ông rất vui và bất ngờ khi được phân về Đội 1, trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và ở ngay tổ bảo vệ Nhà sàn. Với ông đó là một điều may mắn, vinh dự lớn lao khi hàng ngày được ở bên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ông vô cùng hạnh phúc khi hàng ngày được nhìn thấy Bác. Người thường xuống bếp hỏi han, quan tâm đến mọi người. Chính từ cách sinh hoạt và làm việc đến những câu chuyện Bác kể đã giúp ông rút ra được nhiều bài học quý báu.
Từ những việc rất nhỏ của Bác cũng khiến ông rất thấm thía. Mỗi khi Bác đi công tác nước ngoài vẫn thường có chút quà cho mọi người. Đôi khi chỉ là cái kẹo, quả táo... những vật tuy nhỏ nhưng cho thấy một tình cảm bao la của Người. Vào những ngày Tết âm lịch, Bác Hồ thường dùng tiền tiết kiệm hay nhuận bút của Bác mời anh em bảo vệ, những người trực tiếp bảo vệ, phục vụ mình. Bác không bao giờ lấy tiền của công đem chi việc riêng.
Điều đặc biệt nữa là vào dịp sinh nhật của mình, Bác không bao giờ ở nhà mà thường đi công tác để mọi người đỡ đến chúc mừng. Vì Bác biết, nếu các cơ quan đoàn thể mà đến chúc mừng thì sẽ tốn kém tiền của của nhân dân. Hơn nữa, như thế còn mất thời gian của cả mọi người. Mà Bác thì rất quý thời gian.
Từ 1965, Bác bắt đầu đi nơi khác vào dịp sinh nhật để viết Di chúc. Vào dịp này, Bác thường cho bắt cá ở ao để biếu đồng bào, cán bộ và anh em trong cơ quan cải thiện. Ông rất nhớ sinh nhật năm 1969 của Bác. Do sức khỏe kém nên năm đó Bác không đi xa được. Hôm đó anh em bắt được con cá trắm rất to, đang loay hoay không biết cân thế nào vì cá to quá, đặt lên lại chạm đất. Thấy vậy, Bác bảo một đồng chí bế con cá lên cân cả người cả cá rồi trừ số cân người đó, cuối cùng ra con cá nặng 24kg. Bác nói một câu rất chí lý: "Bắt nó lên để đề phòng cá lớn nuốt cá bé". Câu nói này về sau ông Hoàn vẫn thường kể cho những khách tham quan, nhất là các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia.
Một câu chuyện nữa ông luôn kể cho mọi người và coi đó là một đức tính rất đáng học tập. Đó là mỗi khi đi công tác, Bác thường mang cơm nắm theo. Bác không muốn địa phương nơi mình công tác lại tốn kém tiền tiếp đãi. Bởi đã có lần khi Bác về thăm một địa phương, nơi đó mời Bác dùng cơm. Sau đó họ làm quyết toán số tiền khá lớn. Biết chuyện Bác rất buồn nên sau lần đó, đi công tác đâu Bác cũng mang cơm nắm theo.
Tết năm 1969, Bác về thăm Vật Lại - Ba Vì và trồng cây ở đó. Khi ấy Bí thư và Chủ tịch xã có mời Bác ăn cơm. Bác nhận lời, cảm ơn và sau đó Bác mời lại các cán bộ dùng cơm nắm với mình. Đó là cái Tết cuối cùng của Bác đối với địa phương.
Thường trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc chuẩn bị Tết cho các cán bộ. Riêng Bác đã có kế hoạch của mình. Các chương trình đi thăm địa phương của Bác không báo trước ai, chỉ Thư ký và người cận vệ biết. Bởi như thế mới hiểu được cái thật của dân.
Nguyện cả đời theo Bác
Những câu chuyện về Bác, ông Hoàn kể mãi không hết. Cả cuộc đời ông nguyện phục vụ, chăm lo cho Bác. Chính vì thế mà sau khi Bác mất, Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Hoàn lại tình nguyện gác cây súng, không làm cảnh vệ mà chuyển sang cầm chổi, cầm bút để làm ở Bảo tàng. Ông là một trong số những người đầu tiên làm việc ở Bảo tàng Bác Hồ. Sau đó ông được đi học lớp lịch sử và bảo tàng. Đến năm 1986, đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ra trường năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và đến năm 2004 thì về hưu.
Chính ông là người lập bàn thờ Bác Hồ trước khi về hưu. Bởi với ông, đó như là một nghĩa cử để mọi người khi tham quan có dịp thể hiện lòng tôn kính, biết ơn của mình đối với Bác. Làm ở Bảo tàng, ông lại có vinh dự được tiếp rất nhiều nguyên thủ quốc gia và các cán bộ cao cấp trên. Những câu chuyện về Bác Hồ, được ông kể trong sự tôn kính, trân trọng, tự hào đã khiến các vị khách xúc động. Đó là những bài học vô cùng thấm thía, ông luôn cố gắng làm sao để họ hiểu được hết con người giản dị, đại chân, chí nhân, chí mỹ của Bác.
Và trong một lần kể chuyện về Bác cho Tổng thống V. Putin nghe khi ông sang thăm Việt Nam (2001), lúc chuẩn bị ra về, bất ngờ ông Putin hỏi: "Ông có được gặp Bác Hồ không?". Ông Hoàn trả lời: "Tôi chính là cận vệ của Bác". Thế rồi ông Putin có lời mời ông sang thăm nước Nga, đi cùng máy bay với ông luôn. Trước lời mời hết sức bất ngờ, hơn nữa đây là việc lớn, cần phải xin ý kiến lãnh đạo nên ông đã xin khất dịp khác. Và ông Putin giao ngay cho một vị ở đại sứ quán chịu trách nhiệm thu xếp thủ tục. Khoảng một năm sau ông và vợ được sang thăm nước Nga một tuần. Đó là điều mà ông Hoàn thấy rất vinh dự và tự hào./.
Luôn giữ mình trong sáng
"Bên Bác lòng ta trong sáng hơn", đó là điều mà ông Hoàn luôn luôn tự hào vì may mắn được sống gần Bác. Ông luôn khuyên con cháu phải sống tốt để giữ cái diễm phúc này, không chỉ của riêng ông mà còn của cả nhà, cả dòng họ. Phải luôn giữ mình trong sáng vì ông nhớ lời Bác: "Mọi tội lỗi, bất công của con người đều bắt nguồn từ danh và lợi". Vì vậy ông luôn sống giản dị. Dù về hưu nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, các đoàn thể trong khu dân cư.
Thanh Huyền (st) - BQL Lăng Hồ Chí Minh
Ảnh 1: Ông Trần Viết Hoàn và Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro.
Ảnh 2: Ông Hoàn và cuốn sách mình viết về Bác Hồ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét