Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

"CHIM CẮT SỐ 2" CỦA KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM

 Không nhiều nhân vật trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam được nhắc đến nhiều như Anh hùng Nguyễn Văn Cốc. Ông trở thành một biểu tượng với hàng loạt kỷ lục của lịch sử không quân thế giới, trong đó phải kể đến chiến thuật Chim cắt số 2 với MiG 21 trở thành huyền thoại.

25 tuổi, bắn rơi 9 máy bay Mỹ, được tặng 9 huy hiệu Bác Hồ, ông đã trở thành phi công bắn rơi nhiều máy bay nhất Việt Nam, được Bác Hồ khen ngợi. Thành tích của ông đã trở thành một huyền thoại trong Không quân Việt Nam....Trên giường bệnh, ông chậm rãi kể cho chúng tôi những kỷ niệm của mình. Tấm thân gày gò gần như bất động nhưng đôi mắt thì sáng ấm, ẩn chứa sự bao dung khó tả.
TUỔI THƠ VÀ BẦU TRỜI
Tuổi thơ ông là những nỗi buồn. Năm 1947, mới lên 4 tuổi thì ông mất hai người thân là bố và chú ruột. Bố ông là Nguyễn Văn Bảy, giữ cương vị Chủ tịch mặt trận Việt Minh của huyện Việt Yên (Bắc Giang), còn chú cũng tham gia Việt Minh. Khi địch về càn tại Bích Sơn quê ông, bố và chú đã tổ chức nghi binh cho anh em trốn thoát. Địch tìm không thấy bèn xâu dây thép gai vào tay bố và chú ông cùng 18 người khác dong đi khắp làng bắt chỉ chỗ Việt Minh ẩn náu. Không ai khai, thế là chúng ném tất cả 20 người xuống giếng làng. Ngày nay, làng ông vẫn có đám giỗ chung cho cả 20 người trong đó có bố và chú ông.
Bà nội ông khóc thương con đến mù cả hai mắt, một năm sau bà cũng qua đời. Giặc Pháp đánh phá, mẹ ông gánh hai anh em lên Thái Nguyên sơ tán rồi lại trở về quê hương. Chuyến đi ngồi trong thúng do mẹ gánh trên vai đó có lẽ là “chuyến bay” đầu tiên của ông từ thời thơ dại.
Hằng đêm, khi màn đêm xuống, hai anh em lại hỏi mẹ: bố đi đâu sao không về. Mẹ ông bảo hai anh em, các con cứ đếm sao trên trời, khi nào đếm hết sao thì bố sẽ trở về. Hai anh em nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm có những vì sao nhấp nháy mỏi mắt đếm từng ngôi, đếm mãi đêm này qua đêm khác mà tin bố vẫn bặt tăm. Dần lớn lên, ông cũng hiểu ra nỗi mất mát của mình.
Ở gần quê ông có sân bay Chũ. Thi thoảng, ông vẫn thấy bộ đội Không quân về luyện tập nhảy dù. Nhìn những chiếc dù bung ra từ bụng máy bay ở tít trên cao rồi từ từ hạ cánh thật đẹp đẽ và oai hùng. Ông nhìn những người lính dù và thầm nghĩ, không biết cảm giác lơ lửng trên bầu trời sẽ như thế nào? Giấc mơ “người giời” được nhen lên từ đó. Khi ông đang học lớp 8, trường Ngô Sĩ Liên tại thị xã Bắc Giang thì có đoàn về khám tuyển phi công. Ông phải vượt qua rất nhiều vòng khám khắt khe để lọt vào danh sách một trong hai người trúng tuyển.
SỐ 2 CŨNG BẮN
Năm 1961, ông nhập ngũ và huấn luyện tại Trường dự khóa bay ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Cuối năm đó, ông sang Liên Xô (trước đây) học. Lúc đầu, đoàn có 120 người. Sau khi sang nước bạn học xong lý thuyết còn đỗ lại 60 người, sau đó về nước thì chỉ còn có 23 người trở thành phi công. Ông là một trong 17 người học lái máy bay MiG – 17. Sau khi về nước, ông được phân công về Đoàn Không quân Sao Đỏ đóng tại sân bay Nội Bài-nơi có những phi công đàn anh tiếng tăm lẫy lừng như Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu... Sau đó, ông lại được chọn để đi học chuyển loại máy bay MiG-21 ở Liên Xô một năm, rồi lại về đơn vị cũ chiến đấu.
Năm 1967 là một năm đã đi sâu vào ký ức và sự nghiệp của ông như một mốc son rực chói. 6 chiếc máy bay đã bị bắn rơi trong năm này. Trong đó có những trận đã đi vào lịch sử Không quân Việt Nam, sau này đã được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay. Ông nhớ mãi ngày 29-4-1967. Phi công Nguyễn Ngọc Độ bảo ông: "Ngày mai đơn vị bố trí cho tớ với cậu đi trực". Và dặn dò ông cần bình tĩnh, nắm chắc địch, chọn thời cơ để nổ súng. Gần 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1967, có tin địch từ hướng Sầm Nưa – Tuyên Quang - Tam Đảo vào, biên đội của ông được lệnh vào cấp 1 cất cánh chiến đấu. Hai chiếc MiG-21 bay vút lên vùng trời Hòa Bình, Sơn La bám đuôi địch. Nguyễn Ngọc Độ ở vị trí số 1, ông ở vị trí số 2 bay lên độ cao 4.000m, cao hơn máy bay địch trên dưới 1.000m. Chẳng mấy chốc đã phát hiện 4 chiếc F105 màu đen bay theo hình thang cách nhau từ 1,5 đến 2km bay phía dưới, phía sau là các tốp cường kích có nhiệm vụ oanh tạc các mục tiêu.
Sau khi quan sát địch từ phía trên, phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ lệnh “vứt thùng dầu phụ vào công kích”, và ra lệnh cho ông tụt lại phía sau để quan sát, ông vừa quan sát địch vừa theo dõi số 1 tăng lực vào công kích. Nguyễn Ngọc Độ vừa bay vừa thông báo cự ly cho ông, khi quả tên lửa từ máy bay của người đồng đội phụt ra hạ một máy bay địch, tranh thủ lúc địch chưa phát hiện ra ta, ngay lập tức ông cũng rút ngắn cự ly vào công kích, ăn ý với biên đội trưởng. Khi cự ly còn khoảng 2km, phi công Nguyễn Ngọc Độ hô “tốt rồi đấy, bắn đi”. Đúng lúc đó thì tên lửa ở máy bay ông cũng cho tín hiệu bắt nhiệt, ông nhanh chóng nhấn cò, quả tên lửa phụt đi, trong tích tắc ông thấy chiếc F105 bùng cháy cùng tiếng reo của biên đội trưởng “cháy rồi”. Cả hai nhanh chóng thoát ly, tập hợp đội hình và trở về sân bay.
Đó là trận đầu tiên mở màn cho những trận đánh lập công của ông trong năm đó. Có lẽ ông cũng là người lập công nhiều nhất ở vị trí số 2, làm thay đổi cách đánh của Không quân ta khi đó. Trên nguyên tắc chiến thuật, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát địch giúp cho số 1 vào công kích, nhưng Nguyễn Văn Cốc không những đã làm tốt điều này mà còn cùng tham gia tiêu diệt địch, vì thế hiệu suất của trận đánh rất cao, có trận hạ được tới 3 máy bay Mỹ. Để đạt được điều đó phải cực nhanh để chớp được thời cơ nhưng đồng thời cũng phải thật chắc chắn, vì thế mọi người đã đặt cho ông biệt danh “chim cắt”.
Trong thành tích bắn rơi 9 máy bay Mỹ có tới 6 chiếc được ông bắn hạ ở vị trí số 2. Cách đánh của ông không hề được dạy trong nhà trường. Nhưng rồi cách đánh của số 2 Nguyễn Văn Cốc đã được lấy làm gương để phổ biến học tập trong đội ngũ phi công chiến đấu của ta, và sau này có nhiều phi công ở vị trí số 2 theo cách đánh này đã bắn hạ được máy bay địch. Cách đánh của ông đã gây khiếp đảm cho đối phương. Ngay cả các thầy dạy của ông bên Liên Xô cũng rất thán phục. Sau này, các đối thủ của ông, những cựu phi công Mỹ cũng đã viết bài trên các tạp chí nước ngoài bày tỏ sự khâm phục trước sự dũng cảm và sáng tạo của ông.
“CHÚ CỐC ĐÂU, LÊN BÁC GẶP!”
Một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời của ông đó là lần được gặp Bác Hồ. Năm 1969, Bác đã dự Đại hội Anh hùng-chiến sĩ thi đua của Quân chủng Phòng không-Không quân. Nhận được tin, mấy trăm người trong hội trường nín lặng chờ đợi. Bác đến, dáng cao gầy, sức khỏe có vẻ không được tốt. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay và hô vang tên Bác. Bác bước vào, ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác ngồi nghe Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo. Sau khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại hội, Bác hướng xuống hội trường bảo “Chú Cốc đâu, lên Bác gặp”. Ông ngượng nghịu bước lên, Bác bắt tay ông và hỏi: "Chú đã bắn được mấy máy bay rồi?". Ông trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu bắn được 9 cái ạ”. Bác lại hỏi: “Thế chú được tặng mấy huy hiệu của Bác rồi?”. “Dạ thưa Bác, 9 chiếc ạ”.
Bác đã biểu dương thành tích của ông, cầm tay ông giơ cao và hướng xuống hội trường nói: “Năm mới, Bác chúc cho Quân chủng Phòng không – Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”. Khoảnh khắc đáng nhớ ấy đã được phóng viên ảnh Xuân Át của báo Phòng không – Không quân ghi lại. Và bức ảnh Bác nắm tay ông đã trở thành vật kỷ niệm đáng quý nhất của ông với vị lãnh tụ kính yêu, vì cuối năm đó Người ra đi mãi mãi. Năm đó ông 27 tuổi, là đại biểu của Đoàn Không quân Sao Đỏ với quân hàm đại úy - phi công và thành tích lẫy lừng bắn rơi 9 máy bay Mỹ (2 chiếc F4, 5 chiếc F105, 2 chiếc không người lái), có những trận chỉ cách nhau 2 ngày, bắn rơi 2 máy bay. Số máy bay bị ông bắn hạ đang giữ kỷ lục của Không quân khi đó. Và cho đến kết thúc chiến tranh, cũng không có phi công nào của ta vượt qua con số này.
ƯỚC MƠ CÒN DANG DỞ
Ông tự nhận mình không nhanh nhẹn lắm nhưng chắc chắn. Đức tính đó với một phi công là rất cần thiết. Và ông đã thể hiện sự chắc chắn của mình bằng những chiến công đã đạt được. Không biết có phải vì bản tính chắc chắn đó mà sau này rời Không quân khi đã ở cương vị chỉ huy cao nhất trong Quân chủng, ông đã được tín nhiệm chọn làm Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng? Và có lẽ cũng bởi sự chắc chắn ấy mà dù ở cương vị nào, là người chấp hành mệnh lệnh hay là người chịu trách nhiệm về những hành động của người khác, với ông đều suôn sẻ, không để lại điều tiếng gì. Năm 2002, ông nghỉ hưu...
Cả cuộc đời ông gần như gắn bó với việc lái máy bay. Cả thời chiến lẫn thời bình, không biết đã bao nhiêu lần ông cất cánh rồi hạ cánh. Đi chiến đấu và trở về. Tất cả đều bình an, để thốt ra được câu đó tất cả các phi công dường như phải nín thở, khi không còn bay nữa mới dám khẳng định. Cả sự nghiệp “cầm lái” của mình, ông đã xuất kích không biết bao nhiêu lần, tham gia chiến đấu trực tiếp không dưới 10 trận. Và khi trở về ở cái tuổi sáu mươi, trở lại là một con người trên mặt đất chưa được hưởng mấy an nhàn ông đã bị phẫu thuật dạ dày, khiến sức khỏe của ông không còn được tốt. Và đến cuối năm 2004, một cú ngã cầu thang đã khiến ông phải gắn bó với giường bệnh và chiếc xe lăn từ đó đến nay. Ông đã điều trị tại Viện y học dân tộc rồi Bệnh viện trung ương Quân đội 108 mà chưa khỏi hẳn.
Trước khi đến gặp ông, tôi cũng ngài ngại khi nghĩ đến cảnh người bệnh lâu ngày dễ trái tính đổi nết, nhưng tôi đã nhầm. Ông nằm đó, vui vẻ và tự tin. Con gái ông vào thăm, ông bảo dạo này nó tốt nghiệp rồi nên mới có nhiều thời gian chứ trước còn đi học bận lắm. Quỳnh Anh, con gái ông vừa tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương. Cô vẫn nhớ tên bài hát viết về bố mình và hỏi bố có nhớ tên tác giả bài hát “Chim cắt số 2 không”? Ông lắc đầu không nhớ. Ông bảo, ông đang viết lại một số kinh nghiệm của các trận đánh hay để in thành sách thì bị ngã, khi nào khỏi ông sẽ lại viết tiếp...
Hình ảnh có thể có: 1 người, ảnh cận cảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét