Đây là nội dung lời giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chu Văn Tấn - Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Phủ Chủ tịch ngày 01/01/1967.
"HÙM XÁM BẮC SƠN"
Là người chỉ huy Cứu quốc quân bảo vệ căn cứ địa cách mạng, Chu Văn Tấn còn được mệnh danh là “Hùm xám Bắc Sơn”.
Có một điều ít ai biết rằng, người Pháp luôn đặt câu hỏi về vị tướng mang biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn” đã từng khiến họ mất ăn mất ngủ.
Nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả hồi ký "Gánh gánh gồng gồng" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Năm 2020), chia sẻ: Năm 1967 - 1968, đạo diễn người Pháp, Gérald Guillaume, sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng làm phiên dịch. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Gérald Guillaume đề đạt nguyện vọng muốn dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất Việt Nam”. Hồ Chủ tịch vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn” !
Đạo diễn Gérald Guillaume lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được Thượng tướng Chu Văn Tấn - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu - tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân Thượng tướng đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, quê hương ông. Rồi ông dẫn đoàn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân từng chiến đấu, trong đó có vai trò chỉ huy của ông...
Trước sự lớn mạnh của các đơn vị Cứu quốc quân ở khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai của Việt Minh, thực dân Pháp tập trung lực lượng mở các cuộc càn quét tàn khốc. Không bắt được Chu Văn Tấn, thực dân Pháp và chính quyền tay sai cho bắt cụ thân sinh ra ông bỏ tù hòng chiêu dụ ông về hàng. Tàn bạo hơn, chúng còn cho đào phần mộ tổ tiên của ông lên...
Để tránh bị tiêu diệt, Chu Văn Tấn cùng ban chỉ huy Cứu quốc quân thống nhất chủ trương “hóa chỉnh vi linh”, đưa bộ phận lớn rút lên biên giới Việt - Trung, bộ phận còn lại phân tán trong nhân dân làm công tác tuyên truyền vũ trang, gây cơ sở trong quần chúng. Sau một năm trên biên giới Việt - Trung, Chu Văn Tấn trở về cùng Cứu quốc quân, mở rộng cơ sở vùng căn cứ địa quê hương ông, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh...
Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này !”
Bộ phim "Hùm xám Bắc Sơn" được chiếu rộng rãi tại các trung tâm huấn luyện quân sự và các trường quân sự tại Pháp, đã khiến các tướng lĩnh Pháp ngỡ ngàng trước đối thủ của họ từ gần 30 năm trước.
Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (tháng 5 năm 1945), Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng, Chu Văn Tấn làm Chính trị viên.
Tháng 8 năm 1945, trong Chính phủ lâm thời, Chu Văn Tấn được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 15/08/1992, tại Thái Nguyên, trong cuộc họp mặt của Việt Nam Giải phóng quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: Ông rất xúc động được gặp mặt các bạn chiến đấu đã tham gia từ ngày thống nhất một bộ phận các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ thành Việt Nam Giải phóng quân...
Ông nhớ lại khi nhận nhiệm vụ tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến: “Tôi có cuộc họp ở Lũng Hoàng với anh Chu Văn Tấn, anh có giới thiệu cho tôi 5 đồng chí du kích Bắc Sơn và Cứu quốc quân để tham gia vào đội Nam tiến. Sau này phần lớn trở thành đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân... Trong Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 4 anh là Cứu quốc quân, trong các đội Nam tiến cũng có. Như vậy là ngay từ lúc đó đã có sự đoàn kết giữa lực lượng vũ trang Cao Bằng với Cứu quốc quân. Sự đoàn kết đó đã được xây dựng từ đầu, nhất là từ ngày tổ chức các đội xung phong Nam tiến. Trong lúc các đội Nam tiến từ Cao Bằng đi xuống thì ở dưới này, anh Chu Văn Tấn cũng tổ chức đi lên”.
*
Thượng tướng Chu Văn Tấn (1910 - 1984) sinh tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ông là một trong hai vị Thượng tướng đầu tiên của Quân đội (1958), và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng:
- Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
- Năm 1958, Chu Văn Tấn cùng Văn Tiến Dũng là hai Thượng tướng đầu tiên của quân đội, được phong vượt cấp từ Thiếu tướng lên.
- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa I, II và III (1945 - 1976).
- Phó chủ tịch Quốc hội...
Tác giả: Son Kieu Mai
Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Chu Văn Tấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét