Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

MŨ NAN - BIỂU TƯỢNG CỦA BỘ ĐỘ CỤ HỒ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

 Trong các bộ phim, các tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa… giới thiệu về thời kỳ chống Pháp, người ta luôn thấy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với chiếc mũ nan trên đầu. Trong phần trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng có nhiều hiện vật, hình ảnh về mũ nan của bộ đội thời ấy. Nhiều khách tham quan thắc mắc, chiếc mũ nan có từ bao giờ?

Mũ nan trở thành quân trang
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nền kinh tế kháng chiến hầu như chưa có gì, lại bị địch tàn phá và phong tỏa, chế độ cấp phát quân lượng gần như chưa thực hiện được. Trang phục của bộ đội phần lớn từ nhà mang theo, sau có thêm những trang phục do nhân dân đóng góp, vì vậy bộ đội mặc áo quần áo như người dân. Bộ đội miền Bắc mặc áo cánh màu nâu, đen có hai túi, quần ta buộc túm, bộ đội miền Nam mặc áo bà ba đen, quần đùi do đặc điểm thời tiết nóng bức và hoạt động ở vùng sông nước kênh rạch, sình lầy. Mũ nón, giày dép thì tùy theo khả năng tự túc của từng cán bộ, chiến sĩ, có nhiều người chỉ đi chân đất, đầu trần…
Năm 1946, ở miền Bắc, trước âm mưu và hành động thâm độc của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, nếu muốn giành thắng lợi thì chúng ta phải kháng chiến lâu dài. Muốn vậy, phải bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn... Khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Việt Bắc. Tháng 2 năm 1947, các cơ quan của chính phủ, các đơn vị quân đội chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc.
Trong điều kiện đóng quân ở rừng núi bốn mùa có mưa, rét, sương giăng, nắng rát, bộ đội rất cần chiếc mũ để đội đầu. Ban đầu lên Việt Bắc, mũ đội đầu của bộ đội rất da dạng, đủ loại gồm mũ ca-lô, mũ nồi, mũ phớt, mũ lá, có cả mũ sắt, mũ nhựa thu được của địch. Các loại mũ chất liệu từ vải như mũ ca-lô, mũ nồi, mũ phớt tuy gọn nhẹ nhưng chỉ sử dụng tốt vào mùa Đông, không phù hợp với những ngày mưa rừng xối xả; còn loại mũ sắt vừa nặng và nóng; mũ nhựa có phần nhẹ hơn mũ sắt nhưng cả hai không thể chịu được cái nắng rát mùa hè, nắng quái chiều hôm.
Các chiến sĩ quê ở Phú Thọ khi gia nhập quân đội có mang theo mũ lá cọ rộng vành, tuy có nhẹ hơn nhưng cồng kềnh. Trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, quân nhu chưa có điều kiện trang bị, bộ đội phải tìm ra loại mũ gì vừa che được nắng, vừa chống được mưa và không phải mua bằng tiền… Nhiều chiến sĩ sinh ra ở các làng quê, làng nghề đan lát, sẵn có kinh nghiệm đan rổ, rá bèn nghĩ ra lấy tre đan mũ.
Nơi đóng quân của bộ đội phần lớn ở rừng, nguồn nguyên liệu từ rừng là vô tận, đặc biệt là các loại tre, nứa, giang, trúc, hóp, mai, vầu… nhưng không phải loại nào cũng dùng đan mũ được. Nứa giòn dễ gãy, chỉ có thể sử dụng tre, giang mà các loại này cũng phải chọn loại bánh tẻ, lột đẽo lõi, lấy cật chẻ thành nan đan cốt mũ và vót nan ken quanh mũ. Đan mũ xong đưa lên hun khói trên gác bếp. Khói củi bồ hóng trên bếp lửa làm mũ nan vàng óng màu cánh gián không bị ẩm mốc, hay bị mọt.
Mũ nan được đan theo hai loại. Loại mũ đan ô thưa dùng cho mùa nắng, không cần cốt mũ chỉ cần gài lá cây lên mũ vừa ngụy trang vừa mát. Nhưng đến mùa mưa phải đan ken dày, dùng mo tre, lá cọ lợp làm cốt mũ tránh nước mưa. Nếu dùng mo tre hay lá cọ phải dùng chỉ khâu như khâu nón. Để bọc mũ thì dùng vải cắt thành hình ô van, khâu viền xung quanh rồi luồn dây. Mũ lợp xong dùng chỉ gai đan thành lưới ô quả trám như lưới đánh cá để gài lá ngụy trang. Kể từ tháng 2 năm 1947, bộ đội bắt đầu sử dụng mũ nan.
Nhận thấy việc sử dụng mũ nan có nhiều tiện lợi, năm 1948, Cục Quân nhu cấp vải và hướng dẫn các đơn vị tổ chức cho bộ đội đan mũ bằng nan tre bọc vải. Một số đơn vị sau khi thu dù của lính Pháp lấy dây dù đan thành lưới, vải dù hoa cắt nhỏ thắt vào mắt lưới để ngụy trang. Nếu ai có được mảnh dù hoa lớn đủ dùng bọc mũ thì không cần đan lưới mũ.
Bức ảnh mang số đăng ký P. 1488 lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thể hiện một cách sinh động sức sáng tạo của bộ đội ta giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khắc phục khó khăn, tự làm đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống sinh hoạt nơi chiến trường. Những lúc dừng chân trên đường hành quân, dân công, bộ đội chặt tre tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ rừng làm đồ dùng sinh hoạt như đan mũ nan, đan rổ rá, làm ống vầu đựng nước…
Biểu tượng “Bộ đội Cụ Hồ”
Từ năm 1949 trở đi, hầu hết bộ đội ở các đơn vị đều có mũ nan che nắng, che mưa. Mũ có đặc điểm vừa nhẹ, vừa tiện lợi, dễ đan lại khi hỏng. Cho đến năm 1953 - 1954, bộ đội và dân công tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ hầu hết sử dụng mũ nan tự đan. Tuy giống nhau về chất liệu nhưng hình dáng, kích cỡ của mũ còn tùy vào thiết kế phù hợp với từng người và nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Mũ nan có loại vành rộng, có loại vành cúp, có mũ bọc vải, lưới dù ngụy trang và có loại bọc mũ bằng vải dù hoa thu được của địch ngụy trang.
Trong bài thơ Việt Bắc của Nhà thơ Tố Hữu, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện rất sinh động với khí thế hào hùng, tràn đầy lạc quan cách mạng và tinh thần tự lực tự cường:
“Những đường Việt Bắc của ta
Ngày đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan…”
Tháng 10 năm 1954, miền Bắc được giải phóng, hàng vạn chiến sỹ từ 5 cửa ô quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ nan bọc vải và lưới ngụy trang tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Từ quân trang, mũ nan trở thành một trong những biểu tượng của “Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét